Kỳ học hè “vô tiền khoáng hậu”: Làm sao để bảo vệ sức khỏe học sinh?

Hoàng Bích - Thủy Tiên

Nhiều phụ huynh chia sẻ con đến trường trong tiết trời nắng nóng gay gắt những ngày qua đã dẫn đến hiện tượng chảy máu cam, sốt. Tuy nhiên, nếu chú ý, cha mẹ hoàn toàn có thể chủ động bảo vệ sức khỏe cho con, đảm bảo việc học.

Phụ huynh sốt sình sịch vì con đi học giữa trưa nắng

Phụ huynh sốt sình sịch vì con đi học giữa trưa nắng Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta phải kéo dài thời gian học của học sinh trong những tháng hè. Hiện tại, trên cả nước thời tiết nắng nóng gay gắt, có thời điểm nhiệt độ ngoài trời lên tới gần 50 độ C, khiến không ít phụ huynh lo lắng khi các con phải đến trường trong nhiệt độ “cháy da cháy thịt”.

Chị Nguyễn Nhi (Hà Tĩnh) có con đang học THCS chia sẻ: “Thời tiết tại Hà Tĩnh những ngày qua nắng nóng, con tôi đến lớp có hiện tượng chảy máu cam có lẽ vì nóng quá. Như bao phụ huynh khác, tôi cũng muốn con đến trường, nhưng quả thật trong tiết trời này không biết liệu con có đủ sức khoẻ để tiếp thu các kiến thức mà thầy cô truyền đạt hay không”.

Nhiều phụ huynh lo lắng cho sức khỏe của con trong tiết trời nắng nóng gay gắt.

Chị Nguyễn Thị Nụ, một phụ huynh có con học mầm non tại Lào Cai chia sẻ: “Thời tiết nắng nóng như thế này, người lớn còn khó chịu, vậy mà các con vẫn phải đi học cả ngày, có cả những bài học vận động, trong khi trường lại không máy có điều hòa. Hiện tại, tôi chỉ mong ngành giáo dục địa phương cho học sinh mầm non có thể nghỉ hè luôn, chứ nhìn các con nhễ nhại mồ hôi, có bố mẹ nào không xót? Con gái tôi đang học lớp mẫu giáo 5 tuổi, nên tôi sợ rằng, nếu tự cho con nghỉ vào thời điểm này, đến lúc kết thúc năm học lại không đủ điều kiện lên lớp 1. Nếu con đang học lớp 3-4 tuổi thì tôi đã tự cho con nghỉ học rồi”.

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, ThS. Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, học sinh khối 8, 9 chỉ học buổi sáng và học sinh khối 6, 7 cũng học hai buổi sáng chiều theo nguyện vọng của phụ huynh, nhà trường tạo điều kiện cho học sinh ăn bán trú.

Ths. Nguyễn Thị Vân Hồng.

Vị Hiệu trưởng cũng cho rằng sức khoẻ của học sinh là quan trọng nhất. Vì vậy, trong những ngày nắng nóng, phụ huynh có điều kiện thì hãy đưa đón các con, đồng thời, cũng phải quan tâm, theo dõi sức khỏe của con hàng ngày, nếu thấy con mệt quá, có thể xin cho con nghỉ một vài ngày.

“Để thực hiện được điều đó, cần có sự phối hợp của giáo viên và nhà trường, phải tạo điều kiện linh hoạt cho học sinh, nếu học sinh không đủ sức khỏe thì cho phép nghỉ ngơi, không nên miễn cưỡng đi học đầy đủ mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đặc biệt, theo tôi, các nhà trường có thể linh hoạt, tinh giản hơn nữa các phần kiến thức, giảm thời lượng tiết dạy, chẳng hạn, thay vì để học sinh học đến 11h30-12h thì nhà trường, thầy cô có thể cho học sinh tan học từ 11h, khi trời còn chưa nắng gắt, chưa quá nóng nực.

Bên cạnh đó, đối với bậc THCS, nếu phụ huynh không có nguyện vọng cho con buổi chiều thì nhà trường cũng cần tạo điều kiện cho học sinh chỉ học buổi sáng, để học sinh không phải đi lại dưới trời nắng nóng hơn 40 độ vào buổi trưa như hiện nay...”, bà Hồng nhấn mạnh.

Vị Hiệu trưởng cũng đề xuất rằng, một số trường không tổ chức cho con học bán trú thì phụ huynh có thể chuẩn bị cơm trưa cho con mang theo, để buổi trưa con không phải về nhà rồi chiều lại đến trường.

Làm gì khi trẻ sốc nhiệt, cảm nắng?

“Một số trường như trường THCS Chương Dương, phụ huynh vừa đi làm lại sau giai đoạn nghỉ dịch, không có thời gian lo cho các con vào buổi trưa, nên có nguyện vọng cho học sinh nghỉ lại tại trường. Chúng tôi cũng nỗ lực sắp xếp phòng để các con nghỉ trưa. Giáo viên trong trường cũng ở lại trường vì nắng nóng, nhưng không có phòng nghỉ, thậm chí, còn phải mang thảm yoga ở nhà đến trường, trải trong phòng họp hội đồng để nghỉ ngơi, cũng tiện ở lại chăm sóc học sinh. Đồng thời, học sinh ngủ trưa cũng phải có thầy cô quan sát để đảm bảo an toàn”, ThS. Nguyễn Thị Vân Hồng cho biết thêm.

Trước lo ngại thời tiết nắng nóng liệu có đảm bảo sức khoẻ cho học sinh đến trường, trao đổi với PV, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng TP.Hồ Chí Minh cho rằng: “Thời tiết nắng nóng có thể khiến trẻ bị chảy máu cam, sốt. Để hạn chế trẻ ốm mệt khi đến trường trong tiết trời này, cần phải uống nhiều nước và tìm nơi có bóng râm, phụ huynh cần cung cấp cho con đầy đủ chất dinh dưỡng. Như vậy, mới đảm bảo được sức khoẻ để học tập”.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho hay, học sinh cần uống đủ nước, tìm bóng râm để tránh sốc nhiệt.

Chia sẻ thêm về vấn đề nêu trên, bác sĩ Quế Anh Trâm, Trưởng khoa bệnh Nhiệt đới, bệnh viện Đa khoa Nghệ An bày tỏ, thời tiết những ngày hè nắng nóng, khó chịu, trẻ nhỏ khó tránh khỏi ốm, chảy máu cam.

“Bệnh lý thường gặp nhất ở trẻ thời điểm này đó là cảm nắng, sốc nhiệt, khi các học sinh vừa tan học hoặc đi nắng quá lâu sẽ dẫn đến choáng, sốc nhiệt. Biện pháp duy nhất để học sinh có đủ sức khoẻ đến trường là phụ huynh chuẩn bị mũ áo cho con, thêm nữa có điều kiện đưa con đến trường hạn chế cho học sinh đi giữa nắng”, bác sĩ Trâm cho biết.

Phòng ngừa các bệnh nắng nóng ở trẻ em

Để phòng bệnh trong tiết trời nắng nóng, bệnh viện Nhi Trung ương đã đưa ra khuyến cáo:

- Tham khảo dự báo thời tiết để lập kế hoạch cho các hoạt động ngoài trời của trẻ.

- Đội mũ rộng vành, mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, sáng màu, bôi kem chống nắng 30 phút trước khi ra đường.

- Tránh những nơi nắng gắt, không đứng trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời hay đứng ở nơi đông người.

- Hạn chế hoạt động thể lực mạnh, tranh thủ tìm chỗ trú ở nơi có bóng râm.

- Uống đủ nước, dùng các loại dịch không gây lợi tiểu như nước lọc, tránh các loại nước có cồn vì chúng càng làm gia tăng tình trạng mất nước và cuối cùng là tắm nước mát.

H.B-T.T