Kỷ nguyên quyền lực Saudi Arabia kết thúc ở Trung Đông vì những sai lầm?

Mạnh Kiên

Hai năm sau cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi, Saudi Arabia đang tự đánh mất phương hướng và ảnh hưởng ở Vùng Vịnh cũng như Trung Đông.

Saudi Arabia là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ hai thế giới.

Hơn 50 năm sau khi vương quốc Saudi Arabia vươn lên trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu trong khu vực và trên trường quốc tế với tư cách là thành viên của OPEC, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), quốc gia này hiện đang trên đà suy giảm vị thế.

Là quê nhà của các thánh địa Hồi giáo và là quốc gia có trữ lượng dầu lớn thứ hai thế giới, các chính sách không phù hợp của Saudi Arabia đang làm lãng phí ảnh hưởng về tôn giáo và tài chính mà nước này đã tích lũy trong nhiều năm, tờ Al Jazeera nhận định.

Các kế hoạch đầy tham vọng của Thái tử Mohammed Bin Salman (MBS) đang trở thành những nước cờ liều lĩnh, không hiệu quả. Trong khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) lại đang nổi lên như một người dẫn đầu mới, với bước ngoặt liên kết an ninh vùng Vịnh - Israel như một cách để bảo vệ quyền cai trị và ảnh hưởng trong khu vực.

Đây vốn là một sự đảo ngược vai trò đáng kinh ngạc, vì Saudi Arabia bắt đầu vươn lên tầm khu vực và toàn cầu vào cuối những năm 1960, thậm chí trước cả khi UAE tồn tại.

Sức mạnh trỗi dậy

Sự trỗi dậy của Saudi Arabia được cho là bắt nguồn từ sự sụp đổ đối với dự án Ả Rập của Ai Cập sau cuộc chiến thảm khốc năm 1967 và cái chết sau đó của nhà lãnh đạo Gamal Abdel Nasser vào năm 1970.

Là một thành viên hàng đầu của OPEC, Saudi Arabia tổ chức cuộc họp đầu tiên của OIC vào năm 1970 để tăng cường ảnh hưởng với Liên đoàn Ả Rập, vốn là tiếng nói thống trị của các chính quyền thân thiện với Liên Xô vào thời điểm đó - đặc biệt là Ai Cập, Iraq và Syria.

Sóng gió dầu mỏ từ cuộc tẩy chay của OPEC khi kết thúc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1973 đã tiếp tục làm giàu thêm cho Saudi Arabia và tài trợ cho chính sách ngoại giao đồng đô la cũng như ảnh hưởng của nước này.

Cách mạng Hồi giáo 1978 ở Iran và việc đưa quân vào Afghanistan năm 1979 của Liên Xô đã nâng Riyadh thành một đồng minh chiến lược không thể thiếu của Mỹ trong thế giới Hồi giáo.

Vị thế trong khu vực của Saudi Arabia tiếp tục được củng cố hơn nữa trong những năm 1980 khi Iraq và Iran kiệt quệ bởi cuộc chiến kéo dài 8 năm, còn Syria và Israel bị sa vào vũng lầy ở Lebanon.

Liên minh Saudi Arabia-Mỹ đã đạt đến một tầm cao mới trong những năm 1980, khi Riyadh hỗ trợ Mỹ chống lại Liên Xô và các đối tác.

Chiến thắng quyết định của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh, Chiến tranh Vùng Vịnh, sau cuộc xâm lược Kuwait của Iraq và theo đuổi chính sách ngăn chặn kép đối với cả Iran và Iraq, đã cải thiện hơn nữa vị thế khu vực và quốc tế của Riyadh.

Tuy nhiên, tuần trăng mật của người Mỹ và Saudi Arabia kết thúc đột ngột vào năm 2001 với vụ tấn công 11/9 của al-Qaeda ở New York và Washington. Riyadh đã trục xuất Osama bin Laden một thập kỷ trước đó, nhưng nước này vẫn dính dáng trách nhiệm vì 15 trong số 19 tên không tặc của vụ tấn công vẫn là công dân Saudi Arabia.

Sau đó, một lần nữa, Riyadh trở lại trong vòng tay Mỹ khi chính quyền Bush quyết định mở rộng cái gọi là "cuộc chiến chống khủng bố" ra ngoài lãnh thổ Afghanistan, khiến Saudi Arabia trở thành đồng minh không thể thiếu ở Trung Đông.

Nhưng rồi kể từ đó đến nay, vận may của Saudi Arabia bắt đầu cạn kiệt.

Sụp đổ ảnh hưởng

Cuộc chiến Yemen được coi là vũng lầy của Saudi Arabia

Saudi ngày càng trở nên dễ bị tổn thương hơn khi người bảo trợ lâu đời là Mỹ bắt đầu quay lưng lại với khu vực trong những năm 2010 dưới thời chính quyền Obama.

Trong một bước ngoặt không thể ngờ, Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới nhờ cuộc cách mạng đá phiến và do đó ít quan tâm đến an ninh của Saudi Arabia hoặc Vùng Vịnh.

Washington cũng trở nên ít có xu hướng can thiệp quân sự thay mặt cho các đối tác giàu có của mình, ngay khi ảnh hưởng của Iran bắt đầu lớn mạnh.

Chừng đó vẫn chưa đủ, Mỹ và Iran thậm chí đã ký một thỏa thuận hạt nhân quốc tế vào năm 2015, mở đường cho việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế, nâng cao vị thế của Tehran trước sự kinh hoàng của Saudi Arabia.

Trong khi đó, các cuộc nổi dậy Ả Rập trên khắp khu vực bắt đầu từ năm 2011 đã đặt vương quốc Saudi Arabia và các quốc gia vệ tinh quanh mình vào tình trạng báo động.

Saudi đã không ngồi im quá lâu khi bắt đầu can thiệp ở Yemen, chiến đấu với phiến quân Houthi, được coi là đồng minh của Tehran. Thái tử MBS cam kết sẽ chiến thắng trong vài tuần, nhưng chiến tranh đã kéo dài trong nhiều năm không có hồi kết.

Vào tháng 6/2017, Saudi Arabia tiếp tục tạo ra một cuộc khủng hoảng với nước láng giềng Qatar bởi lý do chống lại “khủng bố” và sự can thiệp của nước ngoài, nhưng mục đích là để ép buộc Doha tuân phục.

Vào tháng 11/2017, Saudi Arabia mới Thủ tướng Lebanon Saad Hariri đến Riyadh, buộc ông lên án đối tác liên minh của mình là Hezbollah do Iran hậu thuẫn và đệ đơn từ chức trên sóng truyền hình trực tiếp của Saudi Arabia.

Động thái này đã gây phản tác dụng, khiến dư luận quốc tế phẫn nộ và khiến cho cả hình ảnh của Saudi Arabia cũng trở nên xấu đi.

Ván cược với Israel

Thỏa thuận hòa bình với Israel khó mang lại kết quả mong đợi.

Thay vì đảo ngược các chính sách sai lầm như chấm dứt chiến tranh ở Yemen, hòa giải với Qatar và củng cố sự thống nhất vùng Vịnh và Ả Rập để vô hiệu hóa Iran, Saudi Arabia đã chọn cách củng cố liên minh bí mật với Israel để mở đường tiến tới bình thường hóa hoàn toàn với đối thủ truyền thống.

Theo báo cáo gần đây của Wall Street Journal, Thái tử MBS là người đã khuyến khích UAE và Bahrain bình thường hóa quan hệ với Israel như một màn dạo đầu cho quá trình bình thường hóa sắp tới của Saudi Arabia.

Mặc dù vậy, động thái của nhà lãnh đạo trẻ dường như không có sự đồng ý của cha mình. Quốc vương Salman được cho là đã cương quyết rằng, Saudi Arabia chỉ bình thường hóa quan hệ với Israel sau khi xuất hiện một nhà nước Palestine.

Bất kể điều này là sự thật, hay chỉ đơn thuần là đòn tung hỏa mù, mối quan hệ ngoại giao và chiến lược giữa các quốc gia Ả Rập với Israel cũng được đánh giá là không mang lại sự đồng điệu.

Việc tham gia vào an ninh khu vực Vùng Vịnh - vốn đã bão hòa với sự can dự của Mỹ, Pháp và các cường quốc trên thế giới – thậm chí là hy sinh binh lính để bảo vệ các chính quyền quân chủ Vùng Vịnh được cho là điều không tưởng với Israel.

Bên cạnh đó, Israel cũng không mang lại nhiều về bí quyết, công nghệ và vũ khí một cách độc quyền cho Vùng Vịnh.

Israel có thể tỏ ra vui mừng và háo hức tham gia liên minh với Saudi Arabia nhưng điều này sẽ phản tác dụng, nếu xét đến mức độ phản đối bên trong lòng Ả Rập. Sau một thập kỷ căng thẳng với người Palestine, Israel vẫn được coi là đối thủ của hầu hết người dân trong khu vực, với phần lớn người Ả Rập coi họ là mối đe dọa đối với an ninh và ổn định của khu vực.

Ván cược bắt tay với Israel chủ yếu đến từ mối lo của Saudi Arabia và UAE về khả năng Tổng thống Trump sẽ thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới, điều chắc chắn khiến hai quốc gia này bị chính quyền Joe Biden xa lánh.

Thỏa thuận hòa bình với Israel có thể giúp đỡ chính quyền tăng thêm uy tín ở Washington, và cụ thể hơn là ở Quốc hội Mỹ, nhưng điều đó sẽ phải trả giá đắt, bao gồm cả việc Saudi Arabia hoàn toàn phải phục tùng quyền bá chủ của Mỹ và Israel.

Giới quan sát đánh giá, canh bạc của Saudi Arabia vào Israel có thể sẽ tiếp tục thất bại giống như các ván cược sai lầm trước đó. Nếu chính Mỹ và ông Trump không thể cứu Saudi Arabia khỏi sự sụp đổ ảnh hưởng thì chắc chắn rằng Israel cũng sẽ không thể làm được.

M.K