img

Kỳ thị người mắc Covid-19: Đừng đẩy người bị bệnh vào hố sâu hơn!

Mai Thu - Tư Viễn

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc kỳ thị, bôi xấu người nhiễm bệnh Covid-19 sẽ khiến người bệnh tổn thương tinh thần và ám thị về tâm lý. Chính vì thế, cần xử lý mạnh tay với hành vi bôi xấu như vậy để mọi người có cái nhìn và nhận thức đúng đắn hơn.

Trước khi miệt thị ai cần nghĩ đến hậu quả

Thời gian qua, không ít người bệnh Covid-19 là chủ đề bàn tán xôn xao của cộng đồng mạng. Thậm chí, họ còn bị soi mói đời tư, tung tin thất thiệt.

Đơn cử như khi cơ quan chức năng công bố N.H.N. (26 tuổi, trú Trúc Bạch, Hà Nội) là bệnh nhân thứ 17 nhiễm Covid-19 ở Việt Nam, mạng xã hội xuất hiện nhiều chỉ trích đăng kèm hình ảnh, danh tính và nhiều thông tin khác liên quan đến cô gái này.

Sau đó, hình ảnh và nhân thân nhiều hành khách khác đi cùng chuyến bay với bệnh nhân N. cũng được lan truyền trên mạng. Nhiều người cho rằng, việc lan truyền “tự do” như vậy sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý cũng như cuộc sống sau này của bệnh nhân nhiễm Covid-19.

img

Nhận định về vấn đề vẫn đáng “nóng” trên không ít các diễn đàn, TS. tâm lý Nguyễn Thị Minh (Giảng viên học viện Hành chính Quốc gia TP. HCM) phân tích: “Việc bôi xấu, kỳ thị, xuyên tạc đời tư của những người nhiễm bệnh Covid-19 là khó chấp nhận và cần lên án mạnh mẽ. Đối với người nhiễm bệnh thì mức độ ảnh hưởng tâm lý của việc kỳ thị đó còn tùy thuộc vào cá nhân và sự cổ xúy của xã hội đối với hành vi này. Chúng ta nhớ đến câu “nếu một sự không thật nhưng nói đi nói lại 40 lần thì nó sẽ thành sự thật”. Nếu như miệt thị họ quá nhiều, họ sẽ bị ám thị tâm lý, càng đẩy họ vào hố sâu hơn. Trong tâm lý gọi hiện tượng này là dư luận. Khi đẩy tin xấu đó lên đến đỉnh điểm đồng nghĩa với việc sẽ gây áp lực cho chính cá nhân đó và dồn họ vào bước đường cùng”.

Nói về nguyên nhân xuất hiện những tin xấu, bôi nhọ, thậm chí kỳ thị người nhiễm bệnh, TS. Nguyễn Thị Minh cho hay, về mặt nhận thức, những người đó cho rằng việc bôi xấu là chuyện bình thường.

Về tâm lý, thông thường nhu cầu thúc đẩy, nên những “anh hùng bán phím” muốn thể hiện bản thân. Bởi, thông tin nói xấu, giật gân thường lan đi rất nhanh, họ nghĩ rằng mình sẽ trở thành người nổi tiếng và thành công.

Đặc biệt hơn, bản thân một số người không hiểu được giá trị thật của việc họ đang làm, hậu quả sẽ là gì? Họ không đủ trình độ nhận thức để phân định được đâu là hại, đâu là lợi. Thậm chí có những người ý chí không thắng được cám dỗ, vì trong tâm lý nói xấu người khác cũng là một cám dỗ. “Vì thế, để tránh những sự việc tương tự xảy ra, mọi người cần trang bị về kiến thức xã hội, đạo đức, tâm lý, pháp luật. Trước khi nhìn nhận và đánh giá một ai phải đặt mình vào vị trí người khác và trả lời được một câu hỏi: Nếu tôi là họ tôi có chịu được áp lực này không? Nếu tôi bị bêu rếu trong toàn xã hội tôi sẽ đối mặt với nó như thế nào? Nếu tôi làm việc này người khác sẽ nghĩ tôi ra sao? Khi tự hỏi mình cũng phải nghĩ thêm việc, sau này hệ quả sẽ là gì? Những người thân xung quanh khi thấy con em mình chia sẻ bất kỳ điều gì không đúng thì ngay lập tức có sự giáo dục, đừng để “đèn nhà ai người ấy rạng”, như vậy là vô cảm, vô trách nhiệm, cuối cùng cái sai cứ sai nhiều hơn”, TS. Nguyễn Thị Minh bày tỏ.

Đưa thông tin tích cực để phòng bệnh vẫn có thể chấp nhận được

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình –Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: Trong thời gian qua đã xuất hiện một số hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến dịch bệnh Covid-19, một số trường hợp có dấu hiệu tội phạm, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, gây hoang mang, lo lắng, bất bình trong xã hội.

Để góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh, các cơ quan chức năng cần kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi phạm tội liên quan đến dịch bệnh.

“Tuy nhiên, cũng không vì vậy, một số cá nhân được quyền đưa hình ảnh những bệnh nhân nhiễm bệnh Covid-19 lên mạng xã hội, hay có những lời lẽ chì chiết, bôi nhọ danh dự những bệnh nhân này. Bởi, khoản 5, Điều 8 luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nghiêm cấm phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm”, luật sư Bình nêu rõ.

img

Ở một khía cạnh khác, theo quan điểm của luật sư Bình, nhiều người cố tình khai báo gian dối, trốn khỏi nơi cách ly, đánh tráo người...Nếu chúng ta che giấu, không sử dụng hình ảnh hay thông tin của người này để thông báo cho những ai đã từng tiếp xúc tự giác ra khai báo thì có thể nói hậu quả đối với đất nước rất lớn. Vì thế trong trường hợp này sử dụng hình ảnh, thông tin vì mục đích cộng đồng là hoàn toàn chấp nhận được.

Là người công tác trong ngành pháp luật, đồng tình với quan điểm này, luật sư Nguyễn Trung Tiệp (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) phát biểu: Tại Điều 32 BLDS năm 2015 quy định “Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý”.

Việc sử dụng hình ảnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hoặc hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh, thì không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ (khoản 2, Điều 32 BLDS năm 2015).

Căn cứ theo quy định của pháp luật, luật sư Nguyễn Trung Tiệp nhấn mạnh: “Trong trường hợp người dùng mạng xã hội lợi dụng thông tin, hình ảnh bệnh nhân hay của người đang cách lý để chửi bới, xúc phạm có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả nghiêm trọng do hành vi của người đó gây ra”. Cụ thể, tại điểm e và điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013 quy định rõ: "Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác". Nặng thì có thể bị xử lý Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015); hoặc tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015). Mặc dù vậy, luật sư Tiệp đồng tình với quan điểm của luật sư Bình khi cho rằng trong một số trường hợp, việc đưa thông tin và hình ảnh của bệnh nhân để phòng chống bệnh chứ không phải phân biệt đối xử thì vẫn có thể được chấp nhận.

M.T - T.V

img