Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc học tập của học sinh cả nước đã bị gián đoạn trong nhiều ngày, dẫn đến những băn khoăn về việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia.
Vừa qua, bộ GD&ĐT đã công bố sự thay đổi về kỳ thi THPT năm nay, với mục đích chủ yếu là xét tốt nghiệp THPT, bên cạnh đó, việc tuyển sinh sẽ do các trường đại học tự chủ có những phương thức phù hợp. Điều này đồng nghĩa với việc, học sinh muốn bước chân vào cánh cổng một số trường đại học sẽ phải vượt qua thêm những thách thức riêng của từng trường.
Chính điều này đã gây một làn sóng hoang mang cho học sinh khối 12 trên cả nước.
Không giấu nổi sự lo lắng về kỳ thi quan trọng, học sinh Nguyễn Thanh Thảo, học sinh lớp 12 tại Tuyên Quang chia sẻ: “Khi nghe tin về sự thay đổi của bộ GD&ĐT về kỳ thi THPT sắp tới sẽ phục vụ mục đích chủ yếu là tốt nghiệp, cá nhân em thực sự cảm thấy hết sức bất ngờ.
Bởi, thứ nhất, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh, việc học tập của bọn e cũng có nhiều thay đổi và chịu ảnh hưởng ít nhiều. Thay vì sau Tết Nguyên đán là được đi học như những năm trước thì hiện tại bọn em vẫn đang phải nghỉ học, tức là thời gian nghỉ kéo dài đến hơn 3 tháng, việc trao đổi và lĩnh hội kiến thức từ thầy cô, bạn bè cũng gặp nhiều khó khăn. Là một học sinh miền núi phía Bắc, bản thân em thì chưa bị tác động nhiều nhưng một số bạn ở trường em chưa có đầy đủ phương tiện để học, nhiều khi mất mạng, mưa gió, mất điện nữa...
Chính vì vậy, em thiết nghĩ, Bộ sẽ giảm tải chương trình vì thương học sinh trước bối cảnh đặc biệt như năm nay, học sinh phải nghỉ học vì dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện tại, việc Bộ thay đổi như vậy khiến học sinh chúng em càng khó khăn hơn. Việc thay đổi của Bộ chắc hẳn không chỉ ảnh hưởng tới cá nhân em mà còn rất nhiều thí sinh khác”.
“Hiện tại, trong các trường đại học mà em đăng ký dự thi thì mới chỉ có đại học Quốc gia Hà Nội là đã công bố phương án tuyển sinh chính thức. Chúng em vẫn đang ôn tập theo cấu trúc đề minh hoạ, nhưng giờ một số nguyện vọng của em đăng ký vào một trong 10% các trường tổ chức thi riêng nên em cũng đang dần thay đổi lộ trình ôn tập của mình, thay vì tinh giản thì bọn em phải ôn tập nhiều và kỹ càng hơn”, Thanh Thảo bày tỏ.
Học sinh Nguyễn Mạnh Duy, lớp 12, trường THPT Thăng Long (Hà Nội) có nguyện vọng thi vào trường đại học Y Hà Nội cho biết: “Khi biết sự thay đổi của kỳ thi năm nay, cảm giác đầu tiên của em đương nhiên là lo lắng, vì đã học tập và ôn luyện theo hướng cũ trong suốt các năm học như thế. Đột nhiên Bộ thay đổi, lại còn trong tình hình dịch bệnh và thời gian gấp rút như vậy thì học sinh rất khó có thể thích ứng, đối phó được kịp.
Hiện tại, em vẫn đang học theo hướng cũ, chứ bảo đổi đột ngột như vậy thì em cũng chẳng biết phải học theo hướng mới là như thế nào... Bây giờ, nhiều trường đại học cũng chưa có thông tin chính thức về phương thức tuyển sinh, nên học sinh cũng vẫn hoang mang chưa biết rõ định hướng ra sao.
Áp lực lớn nhất hiện tại của em là sẽ phải thi nhiều kỳ thi và không biết độ khó của trường tự ra đề sẽ ở mức độ như thế nào”.
Cũng không tránh khỏi lo lắng, học sinh Dương Khánh Linh, lớp 12, trường THPT Thăng Long (Hà Nội), có nguyện vọng thi vào trường đại học Bách khoa Hà Nội bày tỏ: “Phản ứng đầu tiên của em là bất ngờ trước sự thay đổi của kỳ thi. Biết rằng cần có sự thay đổi, nhưng em cũng cảm thấy thực sự lo lắng. Thay vì như đã học và ôn từ đầu năm, là học làm sao cho ra kết quả nhanh nhất cho bài thi trắc nghiệm, thì bây giờ, em phải chú trọng vào cách trình bày sao cho hợp lý vì trường mà em đăng ký, năm nay sẽ trở lại với thi Toán tự luận. Điều này cũng khiến em cảm thấy áp lực hơn, vì từ trước đến nay đã quen với làm bài trắc nghiệm”.
Học sinh Nguyễn Phương Minh, lớp 12, trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) bày tỏ: “Khi nghe thông tin về sự thay đổi của kỳ thi năm nay, thực sự em muốn phát khóc. Vì dịch bệnh nên học sinh bắt buộc phải nghỉ học, tự học và học trực tuyến tại nhà, nên đã gặp không ít áp lực và mệt mỏi rồi... Giờ chỉ còn mấy tháng nữa là đến kỳ thi, sự thay đổi vào lúc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc ôn tập từ đầu năm đến giờ.
Nếu như không có dịch bệnh, theo dự định từ đầu năm, em sẽ đăng ký vào trường đại học Y Hà Nội, học viện Quân y, khoa Y đại học Quốc gia Hà Nội và có thể một số trường khác nữa... Tuy nhiên, hiện tại, mới chỉ có đại học Quốc gia Hà Nội chính thức công bố đề án tuyển sinh, em vẫn đang “ngóng” phương thức tuyển sinh riêng của các trường y dược còn lại, và cũng lo lắng không biết đề thi riêng có khó lắm không”.
Học sinh Đỗ Thu Thảo, lớp 12, trường THPT Thăng Long (Hà Nội) cũng bộc bạch: “Em cảm thấy rất hoang mang, khi bây giờ đã là cuối tháng 4 nhưng các phương án tuyển sinh của nhiều trường đại học vẫn chưa rõ ràng. Em phải ôn thêm phần tự luận vì chưa rõ các trường tuyển sinh riêng dưới hình thức nào. Hơn nữa, thông tin về bài thi tổ hợp lấy 1 đầu điểm khiến em cũng lo lắng, em phải học thêm 2 môn là Sinh học và Hóa học.
Nguyện vọng 1 của em là trường đại học Kinh tế Quốc dân, hiện, trường đã lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học. Tuy nhiên, em thấy cả mặt tốt và mặt xấu. Tốt là vì em sẽ không phải thi thêm 1 kỳ thi để tuyển sinh, nhưng có thể điểm chuẩn sẽ rất cao nếu đề dễ, và việc tính 1 đầu điểm cho bài thi tổ hợp cũng khá “căng thẳng”.
Đầu năm, ngoài nguyện vọng này, em cũng dự định đăng ký vào đại học Thương mại hay học viện Tài chính, nhưng hiện tại, không biết có kịp thi hết các trường không, nếu như các trường tổ chức kỳ thi tuyển riêng vào cùng một ngày...”.
Chị Cao Thị Hoàn, một phụ huynh có con học lớp 12 tại Hà Nội cho rằng: “Cá nhân tôi thấy thay đổi kỳ thi THPT Quốc gia như những năm trước thành thi để xét tốt nghiệp và các trường đại học sẽ tổ chức kỳ thi riêng năm nay vào thời điểm dịch bệnh làm cho phụ huynh và học sinh rất lo lắng! Thậm chí có người hoang mang. Nên chăng để như năm ngoái kỳ thi 2 trong 1. Vì thay đổi trong bối cảnh này là quá gấp.
Mặc dù thay đổi như vậy có chút ưu điểm là các trường đại học có thể lựa chọn sinh viên “ưng ý” theo tiêu chí riêng, nhưng nhược điểm là tổ chức 2 kỳ thi gây tốn kém, vất vả học sinh và phụ huynh. Đặc biệt là áp lực nhiều kỳ thi cho học sinh vào lúc này có thể ảnh hưởng đến chất lượng ôn tập”.
Cô Nguyễn Thị Minh Tuyết, giáo viên một trường THPT tại Lào Cai cũng nhận định: “Tôi chưa tìm hiểu được hết phương án thi riêng của các trường đại học vì vẫn còn nhièu trường chưa công bố, tuy nhiên, nếu bài thi riêng cũng dưới hình thức thi trắc nghiệm thì sẽ ổn hơn chuyển sang bài tự luận, vì dạng tự luận sẽ “làm khó” học sinh.
Theo tôi được biết, một số trường như đại học Bách khoa Hà Nội năm nay tổ chức thi Toán tự luận trong kỳ thi tuyển sinh riêng. Học sinh khóa này học và thi trắc nghiệm 3 năm nay, giờ đùng một cái, thêm tự luận thì các em sẽ rất khó khăn, bởi thi tự luận khó hơn thi trắc nghiệm rất nhiều. Học sinh phải học thuộc, phải hiểu và biết cách trình bày, lập luận, cái này các em đang yếu”.
“Hơn nữa kỳ II năm nay học trực tuyến, kiến thức và kỹ năng đều yếu hơn nhiều. Việc thay đổi kỳ thi theo cá nhân tôi là không nên. Vẫn nên tổ chức kỳ thi 2 trong 1, như vậy, Bộ có định hướng ra đề, chọn học sinh cũng theo mặt bằng hơn. Giờ trường nào làm theo trường đó, học sinh sẽ không xoay kịp. Có thay đổi thì nên để năm sau, để học sinh và giáo viên được chuẩn bị tâm lý, được học và ôn tập theo hướng mới sẽ chủ động hơn. Năm nay, mọi thứ bị động, sẽ đẩy học sinh vào việc may rủi rất nhiều.
Chưa nói tới việc tốn kém hơn nhiều khi tổ chức 2 kì thi riêng, nhiều học sinh nghèo không có cơ hội đi thi. Nói là giảm áp lực mà thật ra là tăng áp lực cho học sinh, phụ huynh và giáo viên.
Nếu sớm như vậy thì nên chủ động từ đầu… còn xoay kịp chứ như các em học sinh năm nay, 3 năm học theo hướng thi cũ giờ lại thay đổi. Chẳng biết bao giờ giáo dục mới dám thay đổi thật sự mà không đá quả bóng trách nhiệm sang trường học...”, cô Nguyễn Thị Minh Tuyết phân tích.
Tối ngày 23/4, bộ GD&ĐT đã có buổi đối thoại trực tuyến để giải đáp những thắc mắc về kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020, tuy nhiên, dường như khoảng thời gian 60 phút ngắn ngủi vẫn chưa đủ để giải tỏa hết những băn khoăn của học sinh lớp 12, của phụ huynh và giáo viên cả nước.
C.M