Ký ức phá kho thóc Nhật cứu đói năm 1945

Di Hân

Nạn đói năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh ông cùng anh em đã vùng lên phá kho thóc Nhật cứu dân. Hồi ức đó mãi hiện rõ trước mắt ông mỗi khi ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám đến gần.

Ký ức hào hùng

Ở cái tuổi gần đất xa trời, PGS.TS Trần Văn Nội – nguyên Trưởng khoa Triết học, đại học Sư phạm Hà Nội I (sinh năm 1926, phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội) - vẫn không thể quên những ngày thu Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi ông cùng với dân làng dưới sự lãnh đạo của Việt Minh vùng lên phá kho thóc Nhật, lấy lương thực chia cho dân nghèo.

Bước vào nhà ông Trần Văn Nội là cả “kho tàng” lịch sử của những năm tháng hào hùng với những kỷ vật gắn liền với ông và đồng đội. Ông Nội hào hứng kể cho chúng tôi nghe từng chi tiết, bối cảnh đêm hôm đó. Vừa kể, ông vừa ngước mắt nhìn xa xăm, như chính bản thân đang quay về quá khứ khi hàng trăm người dân dồn dập ùa về đình làng Mọc (nay thuộc phường Nhân Chính) phá kho thóc Nhật.

“Chỉ trong chốc lát, kho thóc mà quân đội Nhật tập kết tại nhà chứa trong đình đã hết nhẵn, toàn bộ thóc lúa được chia đều cho người dân nghèo, người lao động cùng khổ”, ông hào hứng kể.

Chú thích ảnh - Thay nội dung vào đâyÔng tỉ mẩn lấy kính lúp soi chữ vì mắt cũng đã kém đi nhiều.

Cũng theo ông Nội, đó là đêm duy nhất sau những ngày tháng dài đằng đẵng ảm đạm, đau khổ, ông thấy trên gương mặt ai cũng phấn khởi, rạng rỡ. Trước đó, nhiều gia đình phải chạy vạy lo ăn từng bữa, nhà nào khấm khá thì còn có củ chuối nấu với cám xay lót dạ qua ngày.

Năm đó, ông tình nguyện tham gia đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu, ông Nội là người trực tiếp cùng với nhân dân làng Mọc nổi dậy phá kho thóc Nhật cứu đói. Do vị trí địa lý thuận lợi, đường xá rộng thoáng, địa phương lại có đình to nên quân đội Nhật đã chọn đình làng Mọc là nơi tập kết “thuế thóc” vơ vét được của nhân dân vùng ngoại thành. Bao nhiêu thóc gạo bà con trồng được đều bị quân Nhật tận thu, ruộng đất thì bị ép trồng đay và thầu dầu khiến ai nấy đều rất căm phẫn. Chính vì thế, được lệnh, ông và anh em rất hồ hởi.

Trận chiến không thể quên

Nhấp chén trà nguội, ông kể tiếp, do quân đội Nhật vơ vét hết lúa gạo nên giữa năm 1944 đến năm 1945, người dân địa phương ở đây rất khốn khổ, người chết đói la liệt ở khắp các ngả đường. Làng Mọc là vùng chiêm trũng nên cũng chẳng khá hơn là bao.

“Nhân dân phẫn uất, chỉ chờ vào chỉ thị cấp trên là có thể vùng lên được ngay. Trước đêm phá kho thóc Nhật, tôi và các anh em trong đội xung phong nhận nhiệm vụ canh gác các ngả đường dẫn vào đình. Một nhóm thì canh gác cẩn mật ở nhà lý trưởng. Nếu có quân lính từ Pháo Đài Láng di chuyển về viện trợ, chúng tôi sẽ lập tức thông tin cho nhân dân để tránh thiệt hại về người”, ông Nội bồi hồi nhớ lại.

Ông Nội chia sẻ tiếp, vào đêm 11/7/1945, các đội viên đều tỏa ra các ngõ ngách trong làng đi hô hào, vận động bà con, nhưng không dám nói là đi phá kho thóc sợ kích động nhân dân, mà chỉ nói rằng: “Bà con mang thúng, mủng ra đình đi, có nhiều chuyện rất hay”.

Ông Trần Văn Nội soi cả những bức ảnh kỷ niệm của ông và đồng đội.

Khi cả kho thóc vừa mới lật mở, bà con thấy vậy ùa vào trong niềm phấn khởi, dưới sự bảo vệ cẩn mật của đoàn Tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu và đội Tự vệ xung phong ngoại thành Hà Nội.

Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội” tập 1 (giai đoạn 1926-1945) xuất bản năm 2012 có ghi rõ: “Gây tiếng vang lớn trong nhân dân nhất là cuộc phá kho thóc ở đình Mọc Quan Nhân vào đêm 11/7/1945. Đoàn Tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu đã phối hợp với Đội Tự vệ xung phong ngoại thành tổ chức và huy động hàng nghìn nông dân, dân nghèo đến nghe diễn thuyết rồi phá kho thóc của Nhật ở đình làng... Vài hôm sau, có một tên sĩ quan Nhật đến nhòm ngó cái kho trống rỗng rồi lặng lẽ bỏ đi”.

Chiến thắng vang dội đó có một kỷ niệm khiến ông Nội mãi mãi không bao giờ quên, đó chính là nhiệm vụ chính trị cần có cờ đỏ sao vàng. Trong ngày nhân dân phá kho thóc Nhật cứu đói thành công không biết làm cách nào kiếm ra lá cờ vì hồi ấy vải vóc chẳng tràn lan như bây giờ. Mọi người bất chợt nhìn thấy ở gần đình làng có một ngôi đền thờ trong đó có một tấm vải đỏ. Ông Nội và đồng đội đã xin tấm vải đó để làm cờ, còn sao vàng thì dùng tấm vải màn trắng nhuộm với nghệ.

“Lá cờ đỏ sao vàng có ý nghĩa hết sức to lớn vì từ đó nó khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Có như thế cuộc chiến mới thành công, đất nước mới bình yên như bây giờ”, ông Nội xúc động nhắc lại.

Ngày Quốc khánh 2/9 đang đến gần, ông Nội lại tìm những tờ báo cũ, dùng kính lúp soi từng chữ, từng chữ. Ông soi cả những kỷ vật, những huân chương của mình để nhớ lại những năm tháng gian lao khổ cực, vất vả cùng anh em đồng đội chiến đấu vì độc lập Tổ quốc, vì nhân dân như thế nào. Khi đã sống được gần 1 thế kỷ, điều ông mong ước nhất chính là con cháu đời sau hãy giữ vững được tinh thân dân tộc, tinh thần yêu nước của cha ông xưa. Lịch sử Việt Nam là một bề dày đáng tự hào.

Nhân chứng sống của lịch sử

Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, ông Nguyễn Văn Chung - Chủ tịch hội Cựu chiến binh phường Nhân Chính (Thanh Xuân, TP.Hà Nội) - cho biết, ông Trần Văn Nội là một trong số ít nhân chứng từng tham gia phá kho thóc Nhật tại làng Mọc vào năm 1945. Lão thành cách mạng, nhà giáo Trần Văn Nội đã có nhiều đóng góp trong phong trào yêu nước và vận động nhân dân đứng lên khởi nghĩa đánh đuổi quân thù năm xưa. Tuổi đã cao, nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn, thường xuyên tham gia các chương trình gặp mặt nhân chứng lịch sử do Thành đoàn TP.Hà Nội tổ chức...

D.H