Ký ức về người em gái thất lạc 24 năm tìm thấy ở khu cách ly Covid-19

Thanh Lam - Lê Trà

Tưởng rằng không còn cơ hội để gặp lại người em gái mất tích, nhưng rồi sau 24 năm, ông Trần Thế Nguyên và gia đình vỡ òa cảm xúc khi được gặp lại em gái bằng da bằng thịt tại khu cách ly Covid-19 ở Lạng Sơn.

Sự mất tích bí ẩn

Những ngày giữa tháng 7/2020, cuộc trùng phùng được ví “như chưa hề có cuộc chia ly” của gia đình ông Trần Thế Nguyên (SN 1959) khi tìm thấy em gái thất lạc 24 năm ở khu cách ly Covid-19 tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn khiến nhiều người xúc động.

Năm ngày sau khi đón em gái về nhà, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật có mặt tại ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Trần Thế Nguyên nằm tại phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để hiểu rõ hơn về nguyên nhân khiến gia đình thất lạc em gái. Tại đây, PV bất ngờ khi nghe người anh trai kể về cuộc đời đầy truân chuyên của người em gái Trần Thị Huệ (sinh năm 1962).

Ông Nguyên nhớ lại về người em gái mất tích bí ẩn.

Theo lời kể của ông Nguyên, em gái mình là một người không nhanh nhẹn nhưng hiền lành, chăm chỉ, chịu khó. Gia đình khó khăn nên sau khi học hết cấp 2, bà Huệ nghỉ học để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Thời điểm ấy, bà Huệ được một người họ hàng xin cho vào làm tại nhà máy dệt 8/3. Đi làm được khoảng 5 năm thì bà Huệ được một người làm cùng mai mối cho em trai. Cứ ngỡ cuộc đời của cô gái trẻ sẽ ấm êm từ đây nhưng chồng của bà là một người lười biếng, không chịu làm ăn và bản thân lại bị thiểu năng.

Sau đó không lâu, bà Huệ mang thai và sinh được một người con, thế nhưng “hạnh phúc ngắn chẳng tày gang” khi đứa con không còn bởi cả hai vợ chồng đều nhận thức chậm không biết chăm con. Từ lúc đó, bà Huệ như người mất hồn, cứ đi lang thang nhiều nơi.

“Một thời gian sau, em gái tôi có trở về nhà sống cùng gia đình, khi đi theo mẹ buôn bánh mỳ, khi lại đi bán đậu phụ. Trong quá trình đi buôn bán, em tôi gặp một người đàn ông khác, tuy nhiên gia đình không đồng ý cho hai người kết hôn vì người đàn ông này là thành phần bất hảo của xã hội”, ông Nguyên nhớ lại về quá khứ không mấy êm đềm của em gái.

Bà Huệ vui mừng khi được trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Và quả thật, số phận lại một lần nữa không mỉm cười với cô gái đã lỡ dở một lần đò bởi những lúc vui vẻ thì chẳng sao, nhưng hễ cứ say là người đàn ông này lại “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với bà Huệ. Gia đình đã can thiệp, nhưng vì thương nên bà Huệ vẫn nhiều lần nói đỡ cho người đàn ông này.

Mặc dù sống chung với người đàn ông đó nhưng bà Huệ vẫn thường về thăm mẹ và anh trai, còn phụ mọi người đi bán hàng trang trải cuộc sống. Thế nhưng, theo lời của ông Nguyên, vào một ngày cuối năm 1995 đầu năm 1996, gia đình không thấy bà Huệ trở về thăm nhà như thường lệ.

“Gia đình cũng đi tìm khắp nhiều tỉnh, thành nhưng vẫn không có tung tích gì. Ngày đó làm gì có nhiều tivi, báo đài như bây giờ, gia đình đi báo cả chính quyền địa phương nhưng vẫn không có kết quả gì. Mẹ tôi bảo chắc nó bị chồng đánh nhiều, khổ quá nên bỏ đi tự tử ở đâu rồi”, ông Nguyên kể lại.

Sau đó vì nhà đông con lại bệnh tật triền miên, cộng thêm việc tìm kiếm không có tiến triển nên gia đình dần buông xuôi. Từng ngày từng ngày trôi qua, thông tin về người em gái ngày một ít đi, cũng có nghĩa hy vọng tìm được bà Huệ về với gia đình càng thu hẹp lại.

Cuộc đoàn tụ định mệnh

Ngày 3/7/2020, bà Huệ cùng một số người khác được công an tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) đưa về Việt Nam và được đưa đi cách ly theo dõi Covid -19. Vì có biểu hiện tâm thần cộng với thể trạng yếu nên bà Huệ được sắp xếp chuyển thẳng đến cách ly tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Tại đây, bà Huệ tỏ ra tức giận, đập phá đồ đạc và không chịu ăn uống. Sau khi được các y bác sĩ hỏi han, chăm sóc, bà Huệ đã dần ổn định và chịu nói chuyện.

Ông Nguyên xem ảnh mà bác sĩ từ Lạng Sơn gửi về và nhận ra đúng em gái mình.

Ông Nguyên cho hay, chính bác sĩ Châu công tác tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn là người đã liên lạc với chính quyền địa phương để hỏi về trường hợp của bà Huệ. Theo đó, bà Huệ nói rằng địa chỉ nhà mình ở phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội và còn nói rõ họ tên của bố mẹ nên gia đình lập tức liên lạc lại để xác minh. Qua ảnh chụp bác sĩ gửi Zalo và hồ sơ bệnh án, gia đình nhận ra đó chính là bà Huệ.

Người đàn ông luống tuổi bồi hồi: “Em gái tôi rất giống bố nên chỉ cần nhìn ảnh là đã nhận ra ngay, cô ấy vẫn cắt tóc ngắn như hồi còn trẻ, chỉ khác là bây giờ đã gầy hơn trước”. Sau khi hoàn thành thời gian cách ly, ông Nguyên cùng vợ chồng bà Hà (là em gái bà Huệ) đã lên đón bà Huệ về đoàn tụ với gia đình.

Dù đã cách xa nhau hơn 20 năm, nhưng bà Huệ vẫn có thể nhận ra anh trai và em gái mình chỉ sau vài phút gặp lại. Những câu chuyện trong quá khứ, bà đều nhớ rõ từng chút, cả về những người hàng xóm cạnh nhà năm xưa, hay những người họ hàng thân thích đã quá lâu không gặp lại. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về quãng thời gian bà Huệ lưu lạc nơi xứ người, ở với ai, làm gì bên đó thì bà trả lời không rõ ràng, lúc nhớ lúc quên. Có lẽ, đó là những khoảng ký ức đen tối mà bà Huệ không muốn nhớ đến. Chỉ biết rằng, bà Huệ rất vui khi được trở về nhà với mẹ và anh trai.

Cụ Niên năm nay đã 97 tuổi, vừa mừng vừa lo khi được gặp lại con gái.

Theo lời ông Nguyên, bà Huệ không nhanh nhẹn như người khác nên mọi thứ đều phải dạy bảo từ từ, ông Nguyên nói: “Bảo quét nhà cô ấy làm cũng không thạo, tôi phải hướng dẫn từng chút một dù đã gần 60 tuổi rồi. Mới hôm nọ tôi đưa cô Huệ ra phường làm thẻ căn cước còn phải nhờ người đi cùng để trông vì sợ cô ấy lại đi mất, gia đình không tìm được. Cũng may các cô chú tại phường thấy hoàn cảnh của cô Huệ như vậy nên tạo điều kiện”.

Trong ký ức của ông Nguyên, gia đình ông vài chục năm về trước đông con nên vô cùng nghèo khổ, mọi người đều phải bươn chải kiếm sống, chắc vì lẽ đó mà các anh em trong nhà cũng không có nhiều thời gian gần gũi, quan tâm nhau. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại khi đã tìm thấy người em gái sau bao năm thất lạc, ông Nguyên vẫn luôn đau đáu cố gắng để đùm bọc, yêu thương em gái kém may mắn của mình nhiều hơn. Rất may, người vợ của ông Nguyên rất thương và ủng hộ quyết định của chồng dành cho em gái.

“Tôi nói với mẹ rằng: “Mẹ cứ yên tâm, con có gì ăn thì em cũng có cái đấy ăn. Con sống được thì em cũng sống được”. Hơn nữa bà xã tôi lại là một người nhân hậu nên khi hay tin gia đình tìm được cô Huệ, bà ấy cũng mừng và sẵn sàng chăm sóc em gái cùng tôi”, ông Nguyên chia sẻ thêm

Lo con lại đi lạc một lần nữa

Cụ Nguyễn Thị Niên (97 tuổi) với nụ cười móm mém nhân từ vẫn nhớ như in về cái ngày thất lạc con gái, cụ cứ ngỡ mình đang mơ vì được gặp lại con sau 24 năm xa cách.

Trong cuộc trò chuyện với PV, cụ Niên bảo cụ vừa mừng vừa lo, cụ lo vì bà Huệ thật thà, dễ tin người, sợ bà Huệ lại một lần nữa gặp phải kẻ xấu lợi dụng lừa đi: “Ở cái tuổi gần đất xa trời, đáng nhẽ phải được an nhàn, được con cái phụng dưỡng thì tôi vẫn phải lo cho con từng bữa ăn vì Huệ không biết làm gì, phải hướng dẫn như trẻ con. Giờ đây, hàng ngày tôi vẫn phải dậy để canh chừng con, tôi chỉ mong khi tôi không còn trên đời này nữa, con có thể tự lo được cho bản thân”.

T.L - L.T