Là người lớn, xin đừng hành xử như những đứa trẻ!

Xuất phát từ những mâu thuẫn của trẻ nhỏ, vì “bênh con”, nhiều phụ huynh hành xử một cách bạo lực, thiếu suy nghĩ, giống như chính mình đang là một đứa trẻ.

img
img

Mới đây, thông tin về một nam phụ huynh vào trường tiểu học tại Hòa Bình, đưa học sinh lớp 1 ra ngoài hành hung, dẫn đến bị thương ở vùng mặt và tay, chảy nhiều máu, phải nhập viện, đã khiến dư luận thực sự phẫn nộ. Tại cơ quan công an, vị phụ huynh này thừa nhận hành hung bé trai lớp 1 vì trong lúc bé này và con trai ông chơi với nhau đã xảy ra mâu thuẫn.

Điều đáng buồn là những sự việc đáng trách tương tự đã từng xảy ra ngay trong môi trường học đường. Ngày 11/6, mạng xã hội xôn xao sự việc một phụ huynh tát bạn của con trai mình ngay trong lớp học, trước mặt cô giáo, nguyên nhân vì con chị trong lúc chơi đùa đã bị bạn làm xước mí mắt.

Thậm chí, có những vụ, phụ huynh kéo theo nhiều người hoặc mang hung khí vào trường cũng chỉ với lý do muốn “giải quyết mâu thuẫn thay con”. Tháng 1/2020, tại một trường tiểu học ở TP.Hồ Chí Minh, chỉ vì mâu thuẫn của con mình với một bé gái khác, phụ huynh đã dẫn theo nhiều người lạ vào trường tấn công để “dằn mặt”.

Trước đó, cuối năm 2015, tại Hà Tĩnh, một phụ huynh cũng dẫn hai thanh niên mang theo rựa và dùi cui điện vào tận trường tiểu học để đánh 3 học sinh dẫn đến phải nhập viện trong tình trạng chấn thương phần mềm.

Khi nghe những câu chuyện “lạ lùng” như vậy, tôi không khỏi băn khoăn: “Những phụ huynh “bênh con” chằm chặp bằng thói hành xử côn đồ như vậy, sẽ dạy con được điều gì?!”.

Dẫu biết rằng, phụ huynh nào cũng thương con, khi nhìn thấy con mình bị đau, ai mà chẳng xót? Nhưng dù có thương, có xót con mình đến mấy, cũng đâu thể vin vào cái cớ “bảo vệ con mình” mà mù quáng đến vậy... Đứa trẻ trong vòng tay chúng ta đau, chúng ta cảm thấy thương, thấy xót; vậy khi làm đứa trẻ khác đau, bố mẹ chúng cũng cảm thấy thương, thấy xót vô cùng!

Chưa kể, đó lại là những đứa trẻ ở lứa tuổi mầm non, tiểu học, mới chỉ biết đến những trò nô đùa vô tư cùng chúng bạn, nào đã biết đến chuyện làm hại ai bao giờ... những tranh cãi nhất thời chỉ là chuyện con nít, hay sơ sẩy làm xước xát tay chân nhau cũng chỉ như một sự cố của những trò chơi. Đôi khi, một đứa trẻ cũng có thể bị thương ngay khi đang chơi một mình cơ mà!

Có nhất thiết, một phụ huynh hùng hổ bước đến trường, trực tiếp hành hung một đứa trẻ non nớt rồi lại tự gắn mác là “giải quyết mâu thuẫn thay con”, hay “đòi công bằng cho con”? Công bằng đâu nằm trên những cái tát, đâu nằm trong những cú đá, và mâu thuẫn cũng đâu cần đến những hành vi bạo lực tương tự để giải quyết... Đặc biệt hơn, điều đó lại là hành xử với trẻ con.

Nữ nhà văn người Mỹ nổi tiếng Louisa May Alcott đã từng nói: “Những hành động của ta nằm trong tay ta, nhưng hậu quả của chúng thì không. Hãy nhớ điều đó, và nghĩ hai lần trước khi định làm bất cứ điều gì”. Đó là lời nhắc nhở đầy chân thành của bà dành cho bất kỳ ai, để thoát khỏi “cái bóng nô lệ” của sự nóng nảy, nông nổi và đặc biệt là những kẻ mang thói côn đồ.

Trong vai một phụ huynh, đáng lẽ phải làm gương cho con trẻ, thì một số người lại tự bôi nhọ hình ảnh của mình trong mắt trẻ thơ. Hung hăng với một đứa trẻ, dùng nắm đấm với một đứa trẻ, thậm chí, sử dụng cả hung khí với một đứa trẻ... trước hàng trăm cặp mắt, cơn cuồng nộ của phút giây không tỉnh táo và thiếu suy nghĩ kia đã biến vị phụ huynh thành một kẻ thô lỗ, vô văn hóa.

Tôi còn nhớ, khi vừa chuyển sang lớp mới bậc tiểu học, tôi bị bạn bè trêu chọc, ghẹo bằng đủ lời lẽ, bày trò giấu đồ dùng học tập, và thậm chí, có bữa còn cấu véo khiến tôi xây xát. Hồi đầu, tôi chỉ biết khóc một mình, vì biết bố là một người nóng tính, tôi sợ, bố sẽ làm gì các bạn.

Đến một ngày, trên đường đi học về, đám bạn cùng lớp tiếp tục trêu ghẹo, mấy đứa con trai giật cặp sách rồi xô tôi ngã nhào, khiến đầu gối bị trầy một mảng lớn, máu rơm rớm chảy... Tôi òa khóc, chạy về nhà “mách” bố.

Ngay lập tức, bố đưa tôi đến nhà từng bạn học đã bày trò chọc phá, nói chuyện với bố mẹ các bạn, hỏi lý do các bạn bắt nạt và yêu cầu xin lỗi tôi. Kỳ lạ lúc đó, chỉ cần nghe những lời xin lỗi, tôi cũng chẳng còn mảy may ấm ức gì. Sau hôm đó, không ai trêu tôi nữa, chúng tôi dần bắt chuyện rồi thân nhau.

Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy mình may mắn! Mặc dù bố tôi ở nhà vẫn hay tỏ ra nóng tính, nhưng trước tình huống như vậy, bố vẫn có thể bình tĩnh để giải quyết thật hợp lý. Nếu hôm đó, bố tôi cũng giống một số phụ huynh kia, xông thẳng đến nhà, hoặc đến lớp, để tát hay đánh các bạn, thì có lẽ sau đó, tôi chẳng thể chơi cùng với những người bạn kia.

Và tôi cũng cho rằng, những đứa trẻ, con của những phụ huynh thô lỗ kia thực sự kém may mắn. Sống trong một gia đình với tư tưởng bạo lực, với bố mẹ thiếu văn minh, điều đứa trẻ thu được sẽ chỉ là những thói hư tật xấu. Đứa trẻ chính là tấm gương phản chiếu của bố mẹ, nên bố mẹ làm gì thì con cái cũng dễ bề bắt chước.

Thử tưởng tượng, những đứa trẻ kia, khi lớn lên, cũng xốc nổi, nóng nảy và cho rằng, nắm đấm có thể giải quyết được những vướng mắc, sẽ ra sao?!

Việc thấy bạn bè hay người thân mình bị bắt nạt mà lao vào đánh người khác chỉ là cách “ăn vạ” của một đứa trẻ, không hơn không kém. Đó là hành vi của đứa trẻ vài tuổi, khi chưa học được những phương pháp giao tiếp phù hợp trong cuộc sống lựa chọn, không phải là hành trang mà một người lớn nên có.

Nếu là một người trưởng thành, xin đừng ai tiếp tục hành xử như những đứa trẻ!

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

img