Lá thư con gái nhỏ gửi mẹ đi “công tác xa” khiến nhiều người dự tòa ứa nước mắt

Tư Viễn

Nhìn những nét chữ nắn nót của cô con gái nhỏ trong bức thư gửi mẹ khiến trái tim Phạm Kim Anh như tan vỡ vụn. Trong đầu nữ bị cáo 45 tuổi không ngừng xuất hiện những từ “giá như mình không mờ mắt vì tiền”, “giá như mình không vi phạm pháp luật thì có lẽ giờ này vẫn được ở bên con gái nhỏ”. Lúc này, có nói gì đi nữa thì cũng đã quá muộn.

Vết trượt dài của nữ Trưởng phòng hành chính – nhân sự

Sinh ra trong một gia đình cơ bản có gia giáo, bố mẹ đều công tác trong ngành y, Phạm Kim Anh (SN 1975, chỗ ở: Tòa nhà Time City, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được ăn học đàng hoàng và làm việc tại Văn phòng đại diện cho công ty CP SPF (Nhật Bản) tại Hà Nội, với chức danh Trưởng phòng hành chính – nhân sự.

Ở vị trí này, Kim Anh có nhiệm vụ phụ trách quản lý văn phòng, quản lý tài khoản ngân hàng, được ủy quyền thực hiện các giao dịch rút số tiền từ tài khoản của công ty tại ngân hàng để chi phí cho hoạt động của văn phòng; liên lạc, báo cáo tình hình công việc của Văn phòng đại diện với công ty CP SPF tại Nhật Bản qua email… Và tất nhiên, để xứng đáng với vị trí cũng như trách nhiệm của người quản lý, Kim Anh được nhận mức lương hậu hĩnh 35 triệu đồng/tháng.

Bị cáo Phạm Kim Anh tại tòa.

Theo suy nghĩ của nhiều người, với mức lương 35 triệu đồng/tháng, Kim Anh sẽ thoải mái trong sinh hoạt, chi tiêu. Vậy vì lý do gì mà bấy nhiêu vẫn chưa đủ để một nữ Trưởng phòng xinh đẹp biến chất thành một kẻ “thụt két”?

Tài liệu tố tụng nêu rõ, trong quá trình làm việc tại Văn phòng công ty CP SPF, do cần tiền tiêu xài cá nhân và để chiếm đoạt tiền của công ty, Kim Anh đã đưa thông tin gian dối về việc nước sở tại quy định phải trả phí quản lý văn phòng, phí quản lý vắng mặt vì Trưởng văn phòng đại diện của công ty thường xuyên không có mặt tại Việt Nam, nâng giá thuê văn phòng đại diện và đề nghị công ty phải duy trì số dư tối thiểu trong tài khoản của công ty tại ngân hàng.

Công ty SPF tin tưởng Kim Anh nên đã chuyển tiền theo đề nghị vào tài khoản của văn phòng công ty tại Ngân hàng Vietcombank. Sau đó, Kim Anh đã rút tiền ra để chiếm đoạt.

Tháng 6/2018, ông Katsunori Miyake – Trưởng văn phòng đại diện công ty SPF tại Hà Nội yêu cầu Kim Anh báo cáo các khoản chi cho hoạt động của văn phòng và đến Hà Nội để kiểm tra. Lúc này, ông Katsunori Miyake phát hiện Kim Anh chi nhiều khoản không đúng và đã rút hết tiền là số dư tối thiểu trong tài khoản ngân hàng của công ty khoảng 49.000.000 USD. Ông Katsunori Miyake yêu cầu Kim Anh đến văn phòng để làm việc nhưng Kim Anh không đến, cũng không nghe điện thoại.

Vì vậy, ngày 11/10/2018, ông Katsunori Miyake đã gửi đơn đến Cơ quan điều tra, tố cáo Phạm Kim Anh có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công ty. Kết quả điều tra xác định, tổng số tiền Kim Anh chiếm đoạt của công ty SPF là hơn 5,5 tỷ đồng. Kim Anh mới bồi thường được hơn 1 tỷ đồng, còn chiếm đoạt gần 4,5 tỷ đồng.

Vì đâu nên nỗi?

Sở hữu một khuôn mặt ưa nhìn, phúc hậu, không ai nghĩ Phạm Kim Anh lại tha hóa thành một tội phạm “thụt két” của công ty SPF trong nhiều năm liền. Bị TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, về cơ bản, Kim Anh thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật của mình như VKS cùng cấp đã nêu trong bản cáo trạng.

Khi được HĐXX hỏi về lý do chiếm đoạt số tiền lớn của công ty SPF dùng vào mục đích gì? Mất một lúc, Kim Anh mới lí nhí “Bị cáo dùng 5 tỷ này để chữa bệnh vô sinh. Sau nhiều năm chạy chữa, mãi về sau bị cáo mới có 1 đứa con gái, hiện giờ cháu đang học lớp 1”, nói đến đây, Kim Anh vội đưa tay lên lau nước mắt.

Nữ luật sư bào chữa cho bị cáo Kim Anh cũng cố gắng trình bày nhiều tình tiết giảm nhẹ như: Bị cáo từng tham gia rất nhiều các hoạt động từ thiện, đóng góp kinh phí xây trường mầm non cho các cháu bé ở vùng sâu, vùng xa; bố mẹ bị cáo đều là bác sĩ, có nhiều thành tích trong công tác; nguyên nhân dẫn tới hành vi phạm tội của bị cáo một phần là cần tiền để chữa vô sinh… Do vậy, luật sư đề nghị HĐXX cân nhắc toàn diện tới các tình tiết của vụ án, cho bị cáo Kim Anh được hưởng mức án khoan hồng của Nhà nước, sớm có cơ hội trở về báo hiếu bố mẹ già và chăm sóc con nhỏ.

Một người phụ nữ ngoài 70 tuổi ngồi ủ rũ ở một góc phòng xử, hướng ánh mắt đỏ hoe về phía con, đó chính là mẹ bị cáo Kim Anh.

Chia sẻ với PV, bà Đinh Thị Kim Doanh (mẹ bị cáo) buồn rầu cho biết, vợ chồng bà đều là bác sĩ (đã nghỉ hưu), ông bà sinh được 2 người con, Kim Anh là con đầu. Thương con lận đận đường con cái, chạy chữa nhiều năm, mãi tới năm 2013, ai cũng mừng cho Kim Anh khi sinh được một cô con gái kháu khỉnh, đáng yêu. Những tưởng lúc này con mình sẽ được tận hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ, ai ngờ bức tường pháp luật lại chia cách tình mẫu tử. Chỉ nghĩ tới đó thôi, bà Doanh như có gì đó ứ nghẹn trong cổ chẳng thể nói thành lời.

Người thân của bị cáo cũng cho biết thêm, trước ngày xử án, con gái bị cáo đã viết một bức thư nhờ bà ngoại gửi cho mẹ. Đọc những dòng chữ nắn nót của con gái viết, “mẹ đi công tác xa nhớ giữ sức khỏe, mẹ nhanh về với con, con yêu mẹ” khiến cho tất thảy mọi người đều không kìm được nước mắt.

Khép lại phiên xử hôm đó, Phạm Kim Anh đã bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt mức án 16 năm tù về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lê bước chân lên xe thùng mà lòng bị cáo nặng trĩu mang theo những lời nhắn nhủ gấp gáp từ người thân “hãy giữ gìn sức khỏe”.

Đại diện theo ủy quyền cho bên bị hại là công ty SPF, ông Bùi Văn Minh nhấn mạnh “Hành vi của Kim Anh diễn ra trong khoảng thời gian rất dài, chiếm đoạt số tiền lớn của công ty SPF. Hơn nữa, hình ảnh Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài rất quan trọng. Vì vậy, về phía công ty đề nghị HĐXX đưa ra phán quyết tương xứng với hành vi của bị cáo”.

T.V