Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, bộ Công an) đang tiến hành điều tra vụ việc liên quan đến một số hành vi có dấu hiệu phạm tội trong việc thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa.
Theo hồ sơ điều tra, có thiết bị chỉ có giá nhập hải quan là 7,6 tỷ đồng nhưng đã bị các đối tượng kê khống thành 40 tỷ đồng và lấy đó làm căn cứ thu tiền bệnh nhân để khấu hao.
Liên quan đến vấn đề về công tác thanh kiểm tra, thẩm định giá thiết bị y tế, bộ Y tế cho biết sẽ làm việc này không chỉ riêng với riêng bệnh viện Bạch Mai mà còn với các bệnh viện khác. Thông tin với PV một lãnh đạo bộ Y tế cho hay: “Việc thẩm định giá thiết bị y tế khi cơ quan điều tra yêu cầu thì Bộ sẽ thẩm định. Còn phía thanh tra Bộ làm việc theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công”.
Rõ ràng, một trong những lỗ hổng hiện nay việc mua sắm các thiết bị là việc khai giá. Giám đốc của một công ty cung cấp các thiết bị y tế tại Hà Nội (xin giấu tên) cho biết lỗ hổng để doanh nghiệp có thể trục lợi là một thời gian dài máy móc thiết bị y tế theo diện xã hội hóa đặt ở bệnh viện không cần phải công khai hóa đơn mua hay giá nhập kê khai hải quan. Bệnh viện duyệt đề án, có thẩm định giá nhưng không cần xuất hóa đơn chứng minh. Vì vậy, doanh nghiệp dễ lợi dụng, khai vống lên nhiều so với giá trị thực.
Công ty BMS nâng khống giá thiết bị y tế trong liên kết với bệnh viện Bạch Mai.
Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật liên quan đến vụ việc nêu trên, ông Phạm Văn Học - Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc bệnh viện Đa khoa Hùng Vương - cho rằng: “Câu chuyện về giá thiết bị y tế khá nhạy cảm, không phải chỉ riêng bệnh viện Bạch Mai mà bệnh viện nào cũng vậy. Có một giai đoạn khá dài, chúng ta bị lẫn lộn giữa công và tư. Đầu tư công thì đã có luật rõ ràng trong luật Đấu thầu, luật Đầu tư... Nhưng, có một loại hình khác được gọi là xã hội hoá thì quá lỏng lẻo trong khâu quản lý, nên đó là hệ lụy mà bệnh viện Bạch Mai đang đối mặt”.
Ông Học phân tích: “Ví dụ tôi đặt máy, thiết bị y tế đó thì giá do tôi kê. Nhưng, giá dịch vụ sẽ theo giá đầu tư. Giá đó do ai quản lý? Hiện nay, các công ty khi đưa thiết bị y tế vào bệnh viện đều làm thủ tục nhưng mang tính hình thức, thuê một công ty định giá, thẩm định giá nhưng không có sự ràng buộc nào quá ghê gớm”.
Vụ việc nâng khống giá thiết bị y tế tại bệnh viện Bạch Mai nhận được sự quan tâm của dư luận.
Nói về những bất cập trong vấn đề xã hội hóa đầu tư y tế, ông Học cho rằng xã hội hóa y tế như ở hệ thống bệnh viện nhà nước hiện nay là một mô hình mà thực chất trong đó hệ thống y tư nhân nằm ngay trong bệnh viện công. Nhà nước đưa ra hệ thống này để tư nhân đầu tư dưới hình thức liên danh liên kết, hoặc bệnh viện huy động vốn từ tư nhân, nhờ đó bệnh viện có máy móc thiết bị. Nhưng, hình thức này không nên kéo dài vì sẽ để lại nhiều mặt trái và hậu quả xấu.
“Đầu tiên là giá dịch vụ tự nguyện khá cao, làm tăng gánh nặng tài chính với người bệnh. Trong mô hình xã hội hóa hiện nay thì đang có sự lẫn lộn vì tất cả những người đang làm xã hội hóa. Ví dụ: y sĩ, bác sĩ, kỹ thuật viên... đều là người của bệnh viện và Nhà nước đã trả lương, các tài sản để sử dụng vào việc xã hội hóa như đất, nhà... đều của bệnh viện và nó được hình thành bởi ngân sách nhà nước. Nhưng khi đưa vào xã hội hóa thì người bệnh vẫn phải chi trả. Như vậy, người bệnh và ngân sách đều phải chi cho một dịch vụ y tế.
Thêm nữa, đầu tư tư xã hội hóa trong y tế công sẽ kéo theo lạm dụng chỉ định: chụp chiếu, xét nghiệm vì phải làm như vậy mới có thể nhanh thu hồi vốn đầu tư, tăng lợi nhuận.... Mức độ lạm dụng phụ thuộc vào cái tâm và cách quản lý của từng giám đốc bệnh viện. Tuy nhiên, dù ở mức nào thì cuối cùng đều dẫn đến hậu quả là lãng phí tiền bạc, tài sản của người bệnh và của xã hội…”, ông Học cho hay.
Theo ông Học, một hình thức xã hội hóa rất phổ biến hiện nay (100% các bệnh viện tỉnh và Trung ương đang áp dụng là bệnh viện liên kết với một hoặc một số công ty tư nhân đặt các loại máy chẩn đoán như chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, xét nghiệm... với tỉ lệ góp vốn từ 50/50 hoặc 70/30, số tiền thu được cũng được ăn chia theo tỷ lệ như vậy: “Số tiền thu được từ loại hình liên doanh này là rất lớn, nhưng thực trạng công tác quản lý và sử dụng khoản tiền này thì lại cực kỳ... tùy hứng. Mỗi bệnh viện áp dụng một kiểu khác nhau và nó cơ bản thoát ly khỏi sự giám sát của cơ quan tài chính và ngân sách nhà nước. Điều đáng quan tâm nhất là hầu hết loại hình kinh doanh này đều nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan thuế, nằm ngoài kiểm soát của luật giá và cuối cùng ngân sách thì thất thu còn người bệnh là người chịu trận…”.
Từ những phân tích nêu trên, ông Học cho rằng các nhà quản lý cần phải thanh kiểm tra, nhưng có thanh kiểm tra hết được các bệnh viện hay không lại là một câu chuyện khác. Mấu chốt để giải quyết bài toán này không phải ở thanh kiểm tra, xử lý cán bộ mà cần phải có một cơ chế rõ ràng, minh bạch, công phải ra công và tư phải ra tư.
“Đầu tư tư thì tự quy định giá, công bố giá và ai thích thì dùng không thì thôi. Còn đầu tư công hình thành từ ngân sách nhà nước cho nên giá phải mang tính ưu việt, được điều tiết bởi các chính sách của Nhà nước mang tính phúc lợi. Vì vậy, việc đầu tư y tế cũng cần rành mạch “công phải ra công và tư phải ra tư” không thể nhập nhằng như hiện nay. Bởi, nhập nhằng như vậy sẽ là cơ hội để phát sinh tiêu cực và người chịu thiệt lúc nào cũng là nhà nước và nhân dân…”, ông Học nhấn mạnh.
Nâng khống giá không thể chấp nhận
ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An cho rằng chủ trương xã hội hóa là hướng đi đúng. Tuy nhiên, xã hội hóa nhưng đi lệch theo kiểu móc nối, nâng khống chia lợi ích là không thể chấp nhận. Cần xử lý gốc rễ và không có vùng cấm.
T.L