Lao động trong nhà trường: Lại dấy lên cuộc tranh luận “vô tiền khoáng hậu”

Cẩm Mịch

Sự việc một nam sinh lớp 9 trường THCS Quyết Thắng (Hải Dương) bị điện giật trong lúc lao động tại trường đã dấy lên không ít tranh cãi về việc, nên hay không nên cho học sinh lao động trong trường học.

Lao động trong trường cũng tiềm ẩn nguy hiểm

Nhiều ý kiến cho rằng việc để học sinh lao động trong trường học là không cần thiết. Chị Phạm Thị Nhung (Hà Nội) bày tỏ: “Nhà trường không nên bắt các con đi lao động, chỉ nên tập trung dành thời gian học tập để đảm bảo an toàn. Học sinh đến trường là để học!”.

Cũng phản đối việc học sinh phải tham gia lao động trong nhà trường, chị Dương Thị Thúy (SN 1994) chia sẻ: “Hồi tôi còn học phổ thông, nhà trường còn cho học sinh đi lao động ở những đoạn đường đang xây dựng, hai bên đường, cỏ mọc um tùm… Học sinh chúng tôi phải phát cỏ, nhổ cỏ, dọn rác ở đây. Có bạn nhìn thấy rắn, sợ “đứng tim”, có bạn thì trong lúc gom rác, thấy cả bơm kim tiêm đã qua sử dụng…”.

Chị Nguyễn Duyên (TP.Nha Trang, Khánh Hòa), phụ huynh từng phản đối khi trường tiểu cho học sinh khiêng bàn ghế cho rằng: “Các con còn nhỏ nên khiêng bàn ghế trông rất tội... Nếu các con khiêng bàn ghế dưới đất thì không nói, nhưng tôi thấy các con khiêng từ trên tầng xuống cầu thang, chẳng may vấp ngã thì sao? Như vậy sẽ rất nguy hiểm! Sau lần đó, tôi bàn với các phụ huynh khác, góp quỹ và góp ý với nhà trường thuê nhân công hỗ trợ những công việc nặng nhọc, không phù hợp với lứa tuổi”.

Trước sự cố đau lòng của nam sinh lớp 9 ở Hải Dương, nhiều phụ huynh cũng phản đối cách tổ chức lao động của nhà trường. Anh Bùi Ngọc Phúc, một phụ huynh tại Hà Nội bày tỏ: “Tổ chức cho học sinh lao động trong nhà trường là tốt, nhưng phải cân nhắc nên lao động như thế nào, làm những công việc gì... Việc cắt tỉa cây xanh đâu phải việc của một học sinh mới 15 tuổi thực hiện, chưa kể, cây trồng bên dưới đường điện cao thế, lại càng cần phải có đội ngũ chuyên môn xử lý. Sao nhà trường lại phân công cho học sinh làm công việc nguy hiểm như vậy?”.

Thậm chí, chị Thùy Linh còn bày tỏ thái độ gay gắt hơn: “Đừng quá lạm dụng các em học sinh như thế! Trong năm học đã thu chi phí để thuê lao công làm những công việc tương tự... Cả tuần chỉ còn có mỗi ngày chủ nhật là các con được nghỉ, các thầy cô đừng tận dụng sức khỏe của học trò như vậy”.

Chưa kể, có phụ huynh chỉ ra, một số nhà trường “tận dụng” cả phụ huynh đi lao động. Chị Trịnh Thị Tâm (Lào Cai) cho biết: “Học sinh mẫu giáo và tiểu học ở địa phương tôi chưa đủ sức lao động nên nhà trường hay “vận động” phụ huynh đi lao động thay.

Đáng nói, theo tôi thấy, việc lao động phân công tại các nhà trường hiện nay, kể cả đối với phụ huynh hay học sinh, đều là những người “nghiệp dư”, không có chuyên môn, lại không được trang bị bảo hộ lao động. Như vậy rất nguy hiểm! Tôi nhớ cuối năm 2019, tại một trường mầm non ở Hà Tĩnh còn có vụ việc phụ huynh đi lao động gặp tai nạn, bị chấn thương nghiêm trọng...”.

... Nhưng lao động là cần thiết đối với học sinh

Bên cạnh những ý kiến bày tỏ mong muốn các nhà trường “miễn” lao động cho học sinh bằng “dịch vụ hóa” thông qua thu “phí vệ sinh” để thuê nhân công làm thay, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng, phải tổ hoạt động lao động trong nhà trường để học sinh phát triển toàn diện.

Ông Vũ Ngọc San (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: “Tôi thấy hiện nay, nhiều gia đình đang có suy nghĩ bao bọc con quá nhiều. Nếu chỉ chăm chăm cho con học chữ, thì các con lớn lên sẽ chẳng khác một chiếc máy tính đơn điệu, chỉ có thể truy nhập vào để biết những nội dung kiến thức, không biết đến các kỹ năng khác. Một thế hệ vô cảm và không biết đến mùi lao động được đào tạo, ấy là thất bại của giáo dục!

Học sinh đến trường phải được học tập, lao động và vui chơi, phải làm sao tổ chức hài hòa cả 3 yếu tố, mới là môi trường học đường hạnh phúc và thân thiện... Các cháu tôi đi học, tôi đều khuyến khích các cháu tích cực tham gia lao động, vừa rèn người lại vừa góp phần giữ gìn trường lớp xanh, sạch, đẹp”.

Là một giáo viên mầm non tại Hà Nội, cô Nguyễn Lan Anh cũng chia sẻ những quan điểm riêng về việc học sinh tham gia lao động: “Tôi cho rằng, việc cho học sinh lao động với những công việc phù hợp với lứa tuổi là hoàn toàn hợp lý. Hiện nay, phụ huynh và nhà trường đều muốn hướng các con đến giáo dục toàn diện, đặc biệt, quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống.

Theo định hướng giáo dục của Nhật Bản, trẻ em được rèn tính tự lập ngay từ rất sớm, đó là nhờ những hoạt động lao động lồng ghép trong chương trình học, chẳng hạn, tự dọn bát sau khi ăn, tự kê giường khi ngủ, tự gấp chăn gối khi thức dậy... Bên cạnh đó, những hoạt động lao động vừa sức với lứa tuổi mầm non như nhặt rác trên sân trường, tưới hoa trong khuôn viên, cho cá ăn... cũng được lồng ghép trong các giờ học để giáo dục ý thức lao động cho học sinh.

Vì vậy, quan trọng là hoạt động lao động được triển khai như thế nào cho phù hợp với lứa tuổi, thì sẽ tạo được niềm yêu thích cho học sinh”.

Cũng cho rằng, việc cho học sinh lao động trong trường là cần thiết, chị Nguyễn Thị Hương (Hà Nội) nêu suy nghĩ: “Hoạt động lao động trong trường học cũng là cách rèn luyện cho học sinh, tuy nhiên, cần được triển khai cho phù hợp với lứa tuổi để đảm bảo an toàn, tránh lạm dụng, bởi mỗi nhà trường đều có những khoản chi phí phục vụ việc bảo đảm cảnh quan trong trường”.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, bà Hoàng Thị Thu Trinh, Hiệu trưởng trường THCS Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng: “Việc tổ chức cho học sinh lao động trong nhà trường nhằm giáo dục ý thức giữ vệ sinh, ý thức tự lập, đồng thời, cũng là hoạt động rèn luyện sức khỏe và thực hành kỹ năng sống. Tuy nhiên, lao động như thế nào để đảm bảo an toàn thì cần có sự tính toán của nhà trường, sự giám sát sát sao của các thầy cô”.

Thực tế, có thể xem giáo dục lao động là kênh quan sát cực kỳ hữu ích và chuẩn xác! Thông qua hoạt động này, giáo viên có thể điều chỉnh, uốn nắn nhiều hành vi ảnh hưởng xấu đến hình thành nhân cách học sinh.

Nhiệm vụ cao cả trong mỗi nhà trường là biến lao động từ nghĩa vụ của học sinh trở thành hoạt động yêu thích và tự nguyện, để mỗi học sinh cảm nhận được ý nghĩa của “lao động là vinh quang” trong môi trường an toàn.

C.M