Lắp camera trong lớp học: Đừng trách nếu giáo viên thành diễn viên chuyên nghiệp

Lắp camera trong lớp học, chúng tôi yêu thương học sinh dưới sự giám sát của những ánh nhìn… Vậy là, giữa giáo viên và học sinh, tất cả chỉ là sự giả tạo.

img

Có thể người ta chỉ đứng trên góc độ của học sinh, phụ huynh hoặc ở vị trí nào đó để phán xét mà chưa từng đứng ở vị trí của người cầm phấn trên bục giảng, đối mặt với những tình huống “dở khóc dở cười”…

Chuyện cô giáo chủ nhiệm lớp 2/11 Trường tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú, TP.HCM) bạo hành học sinh bị 'lộ sáng' vì phụ huynh âm thầm cài camera trong lớp thêm 1 lần làm dậy sóng dư luận. Xã hội quan tâm, bởi tình trạng bạo hành trong trường ngày càng có xu hướng tăng lên dù các cơ quan chức năng đã ráo riết vào cuộc. Vậy nguyên nhân ở đâu? Nhiều ý kiến đề xuất gắn camera ở các trường tiểu học để giám sát hành vi giáo viên, giảm các vụ việc tương tự.

Một bộ phận người hẳn rất vui, rất an tâm nếu phương án đó trở thành sự thật. Chỉ có những người làm thầy, làm cô chắc chắn… buồn.

Chẳng ai hơi sức đâu than nghèo kể khổ bởi mỗi nghề đều có những áp lực riêng và nghề giáo viên cũng vậy. Ai cũng nghĩ gõ đầu trẻ là công việc nhàn hạ “mưa không tới mặt, nắng không tới đầu”, chưa kể lại được thiên hạ tôn vinh, kinh nể… Nhưng đấy là câu chuyện của quá khứ. Ngày nay, họ dè bỉu giáo viên chúng tôi vì nhiều điều, trong đó có việc bạo hành trẻ trong trường học.

Với những đứa trẻ ngoan, chẳng ai phải dùng đến đòn roi. Nhưng với một đứa trẻ không thể dạy dỗ bằng lời nói thì việc bạt tai trong lúc nóng giận là điều thật khó tránh. Tôi nói vậy không phải là đồng lõa với hành vi bạo hành những đứa trẻ. Đơn giản chỉ để mọi người hiểu rằng, nếu ở vị trí của tôi, đối diện với những tình huống như tôi, 1 vài cái bạt tai đối với anh chị còn là nhẹ.

Giờ, người ta đòi lắp camera lớp học để giám sát chúng tôi và nói rằng, nếu “trước sau như một” thì sợ cái gì?

Chúng tôi sợ chứ!

Sợ vì chúng tôi là giáo viên, nhưng chúng tôi cũng là con người. Mà con người thì không tránh khỏi những lúc không kiểm soát được cảm xúc và có những hành động được cho là không… phù hợp hay vừa mắt đối với người làm giáo dục.

Sợ vì phụ huynh không tin tưởng chúng tôi. Họ “nhờ” chúng tôi dạy dỗ, nhưng lo rằng con cái sẽ bị tổn thương bởi đòn roi - những thứ mà ngày xưa họ coi như… cơm bữa.

Sợ bởi, chúng tôi là giáo viên, chúng tôi tốt nghiệp trường sư phạm và không muốn trở thành diễn viên trường học. Chúng tôi dịu dàng như… mẹ hiền, bởi chúng tôi đứng trước camera. Chúng tôi yêu thương đầy giả tạo dưới sự giám sát của những ánh nhìn… Vậy là giữa giáo viên và học sinh, tất cả chỉ là cảm xúc giả tạo, môi trường giả tạo.

Mà sống giả tạo, thì mệt mỏi lắm! Ai còn muốn làm giáo viên?

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

img