Linh hoạt chống dịch Covid-19 kẻo bị “dịch đói”

Đặng Thuỷ - Thu Huyền

Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng toàn diện đến các lĩnh vực, đặc biệt với nền kinh tế. Cùng với nhiệm vụ cấp bách là đẩy mạnh phòng chống dịch, các địa phương vẫn đang quyết liệt bám sát chỉ tiêu để phát triển kinh tế - xã hội.

Nguy cơ thấp vẫn phải tập trung phòng dịch…

Tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương về phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho các địa phương tự quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp áp dụng cụ thể trên địa bàn từng tỉnh một cách phù hợp, nghiêm túc theo các cấp độ.

Theo đó, Ban Chỉ đạo thống nhất việc chia các địa phương thành 3 nhóm: nhóm có nguy cơ cao, nhóm có nguy cơ và nguy cơ thấp. Từ đó, có biện pháp phòng chống dịch phù hợp tương ứng. Trong đó, 13 địa phương có nguy cơ cao, 16 địa phương có nguy cơ và 35 địa phương được xếp vào nhóm nguy cơ thấp.

Cụ thể, nhóm địa phương có nguy cơ cao gồm 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh. Các địa phương này tiếp tục thực hiện chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng đến ngày 22 hoặc 30/4/2020 và có thể xem xét kéo dài tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn.

16 địa phương có nguy cơ gồm: Hải Phòng, Cần Thơ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Hà Giang.

Nhóm có nguy cơ thấp gồm 35 tỉnh còn lại, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 15.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng cục Y tế Dự phòng, bộ Y tế cho rằng, người dân không được hiểu 35 địa phương được xếp vào nhóm nguy cơ thấp nghĩa là “an toàn” với dịch Covid-19. Bởi việc giãn cách xã hội ở thời điểm này vô cùng quan trọng.

“Cả nước đều đang có nguy cơ, không có nơi nào được coi là an toàn, ai cũng có nguy cơ mắc bệnh Covid-19. Nguy cơ thấp là vì thời điểm này địa phương đó ít có yếu tố dịch bệnh xâm nhập, không phức tạp như Hà Nội và TP.HCM, nhưng chỉ cần phát hiện một ca bệnh phức tạp thì nguy cơ này có thể thay đổi. Bất kỳ nơi nào lơ là, chủ quan, dịch bệnh đều có thể xuất hiện”, PGS.TS Trần Đắc Phu cảnh báo.

Thực hiện đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh thành dù thuộc nhóm có nguy cơ hay nguy cơ thấp đều không lơ là, chủ quan trong công tác giãn cách xã hội lần này.

Thông tin với Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nhằm phòng ngừa nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, tỉnh Nam Định vẫn tạm dừng tất cả hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa nghệ thuật.

Cùng với đó, hạn chế hoạt động vận chuyển các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh; tạm dừng các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh, hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe buýt trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Dù thuộc nhóm có nguy cơ thấp về lây nhiễm Covid-19, nhưng ông Đặng Trọng Thăng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã có công điện khẩn yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành đoàn thể thuộc tỉnh cùng các địa phương trong tỉnh tiếp tục siết chặt thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Chủ tịch tỉnh Thái Bình yêu cầu phải duy trì và tăng cường hơn nữa hoạt động của các tổ công tác liên ngành, tổ tuần tra, tổ tự quản trên địa bàn tỉnh để kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào địa phương theo đúng tinh thần các chỉ đạo trước đó của UBND tỉnh.

Tiếp tục thực hiện nghiêm, đảm bảo tính kỷ cương trong phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm, như việc không đeo khẩu trang, tụ tập đông người.

Và song song phục hồi kinh tế

Bên cạnh công tác phòng chống dịch, hiện nay nhiều địa phương cũng đang tập trung phục hồi phát triển kinh tế. Thông tin với PV tạp chí Đời sống & Pháp luật, ông Nguyễn Thái Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, không chỉ ảnh hưởng bởi dịch bệnh, từ đầu năm 2020 tỉnh còn chịu thiệt hại nặng nề bởi mưa đá, thiên tai.

Ngay trong chiều 16/4, sau khi tiếp thu ý kiển chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh mới, tỉnh đã ban hành quyết định giãn nới nhiều hoạt động kinh doanh để doanh nghiệp và người lao động quay lại sản xuất.

Cụ thể, hoạt động giao thông vận tải trong địa bàn cũng được phép hoạt động trở lại ngày trong ngày 16/4, nhưng vẫn tuân thủ sự giám sát của sở GTVT; các hoạt động tập trung nơi công cộng nới rộng nhưng không quá 10 người; các khu công nghiệp, cơ sở sử dụng lao động tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch khi hoạt động trở lại…

UBND tỉnh cũng yêu cầu sở Kế hoạch & Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kịch bản tăng trưởng kinh tế 9 tháng còn lại năm 2020 ngay trong tháng 4. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất.

Bà Nguyễn Hương Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song tỉnh Bắc Ninh đã đạt được một số kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội trong quý I năm 2020. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt trên 31 nghìn tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2019.

“Mặc dù có mức tăng trưởng khả quan trong quý I, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt, Bắc Ninh nằm trong 13 tỉnh có nguy cơ cao phải thực hiện cách ly toàn xã hội trước mắt đến ngày 22/4, vì vậy dự báo sẽ tác động xấu đến mức tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới”, bà Giang cho hay.

Vị nữ Chủ tịch tỉnh cho biết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong tình hình hiện nay, đặc biệt sau khi tỉnh xuất hiện ca nhiễm Covid-19, tỉnh đã giao sở Kế hoạch & Đầu tư chủ trì, tham mưu thành lập tổ công tác về giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Đề xuất các giải pháp chuyển nguồn vốn đã phân bổ cho các đề án, dự án, công trình chậm triển khai thực hiện cho các dự án khả thi hơn.

Đặc biệt, các tập đoàn lớn đóng trên địa bàn như: Samsung, Canon, Foxconn…vẫn tập trung đẩy mạnh sản xuất, góp phần đưa sản xuất công nghiệp tăng ở mức khá. Toàn tỉnh thu hút 61 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 110 triệu USD. Đó là những tiền đề quan trọng trong thúc đẩy kinh tế của tỉnh trong bối cảnh hiện nay.

Linh hoạt chống Covid-19 kẻo bị “dịch đói”

Đóng góp kiến về công tác ổn định kinh tế các địa phương trong bối cảnh dịch bệnh, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, hiện nay tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước vẫn diễn biến rất phức tạp. Chính phủ cũng như địa phương có thể phải sẵn sàng cho các phương án phòng chống dịch kéo dài hơn nữa.

Thời gian qua nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nặng nề, do đó các địa phương cần có những giải pháp linh hoạt để duy trì nền kinh tế ở một ngưỡng nhất định.

Ông Hải nêu vấn đề: “Nửa tháng qua, như tại Hà Nội đã áp dụng mạnh tay khi cho ngừng hoạt động hàng loạt các cửa hàng từ lớn đến nhỏ như: cắt tóc gội đầu, nhà hàng ăn uống, quán bar, thậm chí mạng lưới giao thông công cộng. Nhưng hiện tại, tình hình dịch đã được khống chế cơ bản, vì vậy cần sớm xem xét cho thêm các cửa hàng, dịch vụ nào có thể hoạt động trở lại”.

“Để hoạt động trở lại, điều quan trọng là các đơn vị phải tuân thủ khuyến cáo của y tế về giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, vệ sinh tay,…ví dụ: một cửa hàng ăn chỉ được tiếp nhận lượng khách nhất định để đảm bảo mật độ, còn những người mua sau phải mang về.

Tương tự, các sân golf, công viên, khu du lịch…thường chứa được lượng người khá lớn, những địa điểm này hoàn toàn có thể hoạt động trở lại nếu đảm bảo giới hạn số khách vào. Còn các hoạt động giải trí không thể thực hiện các biện pháp an toàn như: karaoke, quán bar,…thì vẫn tiếp tục phải đóng cửa”, ông Hải nói.

Cũng theo vị Phó Chủ tịch Hiệp hội, các đơn vị đăng ký hoạt động trở lại phải cam kết tuân thủ về các tiêu chuẩn về an toàn. Trên hết là cần những chế tài xử lý mạnh tay với các đơn vị hay cá nhân vi phạm. Ngoài ra, đối với các địa phương ít nguy cơ hơn thì nên linh hoạt, nới lỏng thêm các hoạt động để doanh nghiệp, người lao động có thể sản xuất trở lại.

Dù không hoạt động hết công suất nhưng việc này sẽ mang lại một phần nguồn thu cho nền kinh tế. Tình hình dịch có thể còn tiềm ẩn nguy cơ, nhưng nếu quá khắt khe tập trung phòng dịch thì nền kinh tế, cụ thể là doanh nghiệp và người lao động sẽ gặp thêm “dịch đói”.

Theo kết quả khảo sát về tình hình doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 của bộ KH&ĐT cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp được khảo sát đều ước tính doanh thu giảm mạnh so với năm 2019 (từ 40-50%), chỉ có khả năng cầm cự trong ngắn hạn.

Cụ thể, 35% doanh nghiệp có khả năng cầm cự trong 3 tháng; 38% doanh nghiệp có khả năng cầm cự trong 6 tháng; 13% có khả năng cầm cự trong 1 năm; và 14% có khả năng cầm cự trên 1 năm.

Du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất từ dịch Covid-19, thiệt hại từ khách trong nước và quốc tế trong năm 2020 ước tính có thể lên từ 7 - 10 tỷ USD; giao thông vận tải, đặc biệt là hàng không giảm 40-50% doanh thu.

Trong đầu tuần tháng 4, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 95% so với cùng kỳ năm 2019 và cũng tăng 95% so với cùng kỳ tháng 3 năm 2020.

Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp mới đây, Thủ tướng Chính phủ nhận định hiện nay, đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của nước ta. Do vậy, cần quyết liệt tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Thể hiện tinh thần Chính phủ và các cấp chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa ưu tiên phòng chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát huy tinh thần yêu nước, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp biến thách thức thành cơ hội.

Thủ tướng giao các Bộ, ngành, báo cáo giải pháp đa dạng hóa, bảo đảm cho hoạt động sản xuất trong nước; đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu. Có chính sách ưu đãi đối với các ngành chịu ảnh hưởng lớn do dịch.

Đ.T-T.H