Lỡ hẹn trình QH dự án sửa đổi luật đất đai: Lùi đến bao giờ khi gần 70% khiếu nại của dân liên quan đến đất?

Minh Minh

Việc dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai thêm một lần “lỡ hẹn” tại Quốc hội kỳ này khiến nhiều ĐBQH, chuyên gia băn khoăn. Câu hỏi đặt ra là: Bao giờ hoàn thiện khung pháp lý về đất đai, khi mà Luật Đất đai 2013 đến nay đã bộc lộ khá nhiều bất cập?

Con số và những trăn trở của ĐBQH

Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Chính phủ đề nghị rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Nêu quan điểm về vấn đề này, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội.

Trong đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) đề nghị đánh giá trách nhiệm của cơ quan liên quan trình dự án Luật này, bởi đây là lần thứ 2 dự án Luật này đã đưa vào Chương trình kỳ họp Quốc hội sau đó lại xin rút ra vì lý do chuẩn bị (kỳ họp thứ 8 từ 21/10 – 27/11/2019 và thứ 9 từ 20/5 – 18/6/2020 của Quốc hội khoá XIV).

Khẳng định đây là vấn đề cấp bách, đại biểu Kim Bé dẫn số liệu thống kê của ngành thanh tra cho biết, khoảng gần 70% khiếu nại của công dân liên quan đến đất đai và cho rằng ngoài năng lực của cơ quan quản lý Nhà nước, vấn đề về pháp luật chưa rõ ràng đã tác động lớn đến việc thực hiện quản lý lĩnh vực này.

Phân tích sự vênh nhau của chính sách đất đai với quy hoạch, xây dựng, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho hay, việc này khiến người dân khổ sở, bức xúc. Theo đó, bà đề nghị phải đưa ra được thời điểm để sớm sửa Luật Đất đai. “Phải định hình xem khi nào QH sẽ sửa Luật Đất đai, không thể nói vào thời điểm thích hợp. Thời điểm thích hợp là khi nào? Cho nên tôi nghĩ rằng ĐBQH cũng nên cân nhắc vấn đề này để trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng phải đặt ra yêu cầu đối với Chính phủ để có sự tập trung” - ĐB Tâm nói.

Trong khi đó, báo cáo Khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019 (PCI-2019) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện khảo sát ý kiến khoảng 12.400 doanh nghiệp trên cả nước, đã ghi nhận, 59% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng, 53% doanh nghiệp vướng mắc trong thủ tục liên quan tới lĩnh vực xây dựng và quy hoạch.

Đề nghị sớm hoàn thiện Luật Đất đai sửa đổi

Trên thực tế đang tồn tại vấn đề xung đột lợi ích về quyền lợi đối với đất đai, xây dựng và quy hoạch; trong đó có nguyên nhân căn bản là Luật Đất đai 2013 sau 7 năm sử dụng đã bộc lộ nhiều khuyết điểm và bất cập so với diễn biến mới của thị trường.

Là một nhà khoa học rất tâm huyết với vấn đề quản lý đất đai của Việt Nam, GS.TS Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ với PV Người Đưa Tin pháp luật rằng, ngay tại thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành đã thể hiện rất thiếu đồng bộ với các Luật có liên quan.

Chẳng hạn như tình trạng giải quyết các dự án “treo” bao lâu nay không thể triệt để là do Điều 64 của Luật này quy định: Các dự án “treo” sau 12 tháng không sử dụng đất liên tục hoặc chậm tiến độ 24 tháng (được gia hạn một lần 24 tháng) sẽ bị Nhà nước thu hồi đất “mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”.

“Quy định thu hồi cả các tài sản đã đầu tư trên đất có biểu hiện vi phạm Hiến pháp 2013 vì các tài sản này được hình thành đúng pháp luật đầu tư nên Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ tài sản của nhà đầu tư, không thể quốc hữu hóa” – ông Võ nói và nhấn mạnh, Điều 64 Luật Đất đai 2013 thậm chí còn không đồng bộ với Luật Đầu tư 2014…

Ngoài ra, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường còn cho rằng, nguồn gốc chủ yếu của tình trạng khiếu nại hành chính, khiếu kiện tại tòa án về đất đai liên quan đến việc Nhà nước “thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” (Điều 62) tuy nhiên Luật Đất đai 2013 lại không làm rõ khái niệm “lợi ích quốc gia” là thế nào. Đây cũng là một nguyên nhân làm phát sinh khiếu kiện chung quanh chính sách thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Nhận định một trong những bất cập nổi cộm nhất của pháp luật về đất đai hiện hành, ông Đặng Hùng Võ cho rằng phân khúc bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng kiểu mới (Condotel, Officetel, Shophouse...) hiện nay rất giàu tiềm năng nhưng cũng đang còn nhiều bất cập do Luật Đất đai 2013 chưa có quy định cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với các bất động sản đa công năng như vậy.

Nói về vấn đề tài chính đất đai, ông Võ cho rằng chưa cần nói đến lợi ích của Nhà nước, chỉ cần nói lợi ích của người dân thôi đã thấy bất cập. Câu chuyện bồi thường hỗ trợ tái định cư sỡ dĩ lúc nào cũng “nóng” là do sự bất hợp lý của Luật đất đai hiện hành: Người bị thu hồi đất có lúc thấy không công bằng vì giá trị tính bồi thường có khi chỉ bằng 60% giá trị đất đai thực tế.

“Đã hai lần đưa Luật Đất đai vào chương trình bàn thảo của Quốc hội rồi lại rút ra, tôi cho rằng điều này thể hiện sự thiếu trách nhiệm của bộ Tài nguyên và Môi trường. Chưa nói đến tính cấp bách của thị trường, ngay Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu đầu năm 2020 phải trình dự án luật Đất đai sửa đổi mà cơ quan tham mưu chưa trình được đã là thiếu trách nhiệm”.

(GS.TS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường)

Cùng quan điểm phải nhanh chóng hoàn thiện Luật Đất đai sửa đổi, Luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch công ty Luật BASICO) cho hay, quá nhiều bất cập về rào cản pháp lý liên quan đến đất đai hiện nay đang “đánh đố” doanh nghiệp.

Ví dụ như đất doanh nghiệp đã thuê của Nhà nước trả tiền mấy chục năm thì về bản chất là đã mua đất trong mấy chục năm đó rồi. Họ đã xây dựng nhà xưởng, văn phòng, tài sản khác trên đất đó rồi, nhưng bây giờ muốn làm dự án lại phải đấu giá từ đầu (tại Điều 39 và 118 Luật Đất đai năm 2013), trúng giá thì không sao, nếu không trúng thì coi như mất hết tài sản.

Hay theo quy định tại các Điều 174 và 176, Luật Đất đai 2013, doanh nghiệp, pháp nhân có quyền sở hữu bất động sản trên đất chỉ được thế chấp tại các tổ chức tín dụng, mà không được thế chấp tại các tổ chức kinh tế, pháp nhân, cá nhân khác. Thậm chí nếu cứ theo đúng câu chữ thì còn không được thế chấp tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, vì đó không còn là tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

Rồi quy định về hạn mức sử dụng đất nông nghiệp hiện nay tại các Điều 129 và 130 của Luật này là trái với nguyên tắc thị trường, đi ngược lại xu hướng tích tụ đất để thu hút đầu tư quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, mang lại hiệu quả, hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh.

Đặc biệt là những quy định về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất, tại các Điều 143 và 144, Luật Đất đai năm 2013, với diện tích rất khác nhau tại 63 tỉnh thành như Phú Yên 16 - 25m2, Bắc Giang 24 - 48m2, Hà Nội 30 - 75m2, An Giang 35 - 45m2, Sài Gòn 36 - 80m2, Lâm Đồng 40 - 400m2, Quảng Ninh 45 - 45m2, Nghệ An 50 - 80m2, Bình Dương 60 - 100m2, Lai Châu 80 - 120 m2

"Đó là quy định vi Hiến, xâm phạm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người dân; là sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa quyền sở hữu tài sản với yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng; giữa sự cấm đoán bất hợp lý của pháp luật với quyền lựa chọn lợi ích chính đáng của người dân" - vị luật sư nói.

Liên quan đến vấn đề này, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhấn mạnh tính bức thiết cần sửa Luật Đất đai, vì chính sách đất đai với những bất hợp lý đang cản trở việc phát huy nguồn tài nguyên lớn nhất nước này.

“Bất cứ một công trình nào, một dự án nào cũng đều có yêu cầu về tiếp cận đất đai, mà tiếp cận đất đai đang là trở ngại, khó khăn hàng đầu. Chính vì vậy, tôi đề nghị đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Đất đai phải là một nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng luật của QH. Đây là luật nền tảng, một luật rất quan trọng, cho nên tôi đề nghị đẩy nhanh chứ không lùi lại trong chương trình xây dựng luật này” - ông Lộc nói.

Cuối cùng, nhấn mạnh việc cấp thiết phải sửa Luật Đất đai, Giáo sư Đặng Hùng Võ bày tỏ quan ngại: “Chúng ta biết rằng xung đột pháp lý liên quan đến vấn đề đất đai hiện nay là khá lớn mà hậu quả của nó là số dự án bất động sản giảm. Trong vòng 3 năm tới, bất động sản sẽ thiếu cung, đẩy giá lên cao gây tích tụ bong bóng và cuối cùng sẽ gây ra khủng hoảng”.

“Tất cả đang chờ đợi Luật Đất đai để giảm đi những xung đột pháp lý và để thị trường đất đai được phát triển tốt hơn” – ông Võ bày tỏ.

“Chúng ta biết Luật Đất đai năm 2013 được ban hành, tổng kết rất kỳ công, thông qua tại ba kỳ họp, làm hết sức cẩn thận, rất chặt chẽ. Tôi đề nghị nên để Luật Đất đai rút ra khỏi chương trình và giao cho Chính phủ tổng kết hết sức toàn diện”.

ĐB Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

M.M