Lời cảnh báo và bản án lương tâm cho những kẻ sản xuất thực phẩm “bẩn”

Hơn bất kể điều gì, tính mạng con người luôn luôn phải được đặt ở vị trí cao nhất và cấp thiết nhất. Mọi thủ tục, quy trình hoàn hảo đến mấy cũng đều trở nên vô nghĩa khi sức khỏe, tính mạng con người đứng bị đứng trước lằn ranh sinh tử.

Hơn 1 tháng kể từ khi có trường hợp ngộ độc khi sử dụng pate Minh Chay đầu tiên xuất hiện, độc tố trong sản phẩm này mới được xác định: Vi khuẩn Clostridium botulinum. Và cũng tới hơn 1 tháng sau trường hợp ngộ độc đầu tiên, người tiêu dùng mới nhận được cảnh báo về sản phẩm này từ cục An toàn Thực phẩm, bộ Y tế.

Với một sự việc liên quan đến sức khoẻ, đe dọa nghiêm trọng tính mạng người tiêu dùng, quãng thời gian để cơ quan chức năng đưa ra được cảnh báo tới người tiêu dùng như vậy thực quá dài. Thông tin sản phẩm thực phẩm chứa độc tố đến được người tiêu dùng đồng nghĩa với việc các độc chất đã đi vào cơ thểvới bao tiềm ẩn hậu quả cả nhãn tiền và lâu dài.

Nhiều người bị ngộ độc vì pate Minh Chay. Ảnh minh họa

Con số hơn chục người phải nhập viện từ sau khi ăn pate Minh Chay, trong đó có 9 bệnh nhân bị liệt cơ hô hấp, liệt tứ chi, kèm khó thở trong quãng thời gian hơn một tháng trước khi sản phẩm chính thức được thu hồi, kể từ sau trường hợp ngộ độc đầu tiên xem ra cũng vẫn còn là may mắn. Bởi lẽ với lượng tiêu thụ rộng khắp các miền như vậy, trong thời gian chờ kết luận của cơ quan chức năng, có bao nhiêu sản phẩm tiếp tục được bán ra và đã có bao nhiêu người vẫn tiếp tục sử dụng sản phẩm có độc mà không hề hay biết?!

Với một độc tố cực mạnh có trong vi khuẩn Clostridium botulinum, những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người tiêu thụ sản phẩm có độc tố này thực khó lòng đong đếm hết?

Bàn luận về việc xử lý vụ việc này, đại diện cục An toàn Thực phẩm cho rằng, đơn vị này chỉ có thể cảnh báo rộng rãi khi có đủ căn cứ pháp luật và cân bằng giữa lợi ích của người tiêu dùng, nhà sản xuất.

Còn tại cuộc trao đổi với báo chí về câu chuyện này hôm 1/9, ông Nguyễn Hùng Long- Phó Cục trưởng bác bỏ thông tin cho rằng Cục xử lý chậm trễ đồng thời lý giải một quy trình kéo dài là do phải kiểm tra, lấy mẫu, gửi mẫu xét nghiệm, phân tích và ra được kết quả có độc chất Clostridium botulinum rồi mới... thu hồi.

Có thể lý giải về quy trình kiểm tra của cục An toàn Thực phẩm không sai, cơ quan được giao trọng trách quản lý nhà nước trong lĩnh vực này có “cái lý” mà họ cho là họ đúng, nhưng rõ ràng sự chậm chạp trong việc xử lý sự việc nguy hại tới sức khỏe người dân của cơ quan này vẫn khiến dư luận phải đặt ra nhiều câu hỏi, nhiều thắc mắc.

Hơn bất kể điều gì, tính mạng con người luôn luôn phải được đặt ở vị trí cao nhất và cấp thiết nhất. Mọi thủ tục, quy trình hoàn hảo đến mấy cũng đều trở nên vô nghĩa khi sức khỏe, tính mạng con người đứng trước sự an nguy.

Đây cũng chính là lý do, nhiều nước trên thế giới xử lý rất nghiêm khắc, khẩn thiết khi phát hiện thực phẩm bẩn xuất hiện trên thị trường.

Vụ tiêu hủy táo của Mỹ mấy năm trước là một ví dụ điển hình. Khi phát hiện một mẫu táo trên thị trường có dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép (dù ở mức vượt chuẩn không lớn), cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm nơi đây đã lập tức “điều quân” đi tịch thu toàn bộ mặt hàng táo do cùng một nông dân bán ra và tịch thu toàn bộ số hàng còn nằm trong kho người cung cấp.

Điều đáng nói, không chỉ người nông dân bị phạt, người phun và người kê đơn thuốc trừ sâu cũng đều bị khởi tố các tội hành chính liên quan tới việc dùng thuốc trừ sâu sai quy định.

Ở Mỹ, biện pháp hình sự cũng được áp dụng cho các trường hợp sản xuất thực phẩm bẩn. Tù giam hay phạt tiền tới thậm chí cả trăm nghìn USD cho những người vi phạm nghiêm trọng sự an toàn thực phẩm.

Tương tự, ở Nhật mức phạt tù có thể lên đến 10 năm và số tiền lên đến 3 triệu Yen, tương đương gần 30.000 USD cũng được áp dụng cho các thủ phạm đứng sau vụ việc thực phẩm bẩn.

Con đường đạt đến an toàn thực phẩm luôn nhiều thách thức. Nhưng hơn bất kể điều gì, an toàn thực phẩm luôn phải đặt hàng đầu về cả mức độ cấp thiết lẫn sự nghiêm minh bởi thực phẩm sạch gắn bó mật thiết với sức khỏe, với tính mạng của mỗi người. Song có lẽ, với những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bản án lương tâm dành cho họ mới là đáng sợ. Khi họ điềm nhiên thu lợi, có những sinh mệnh ngoài kia đang thoi thóp giữa hai bờ sinh tử…

Vũ Thu Hương

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin Pháp Luật.

Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận thêm bệnh nhân ngộ độc do ăn Pate Minh Chay

Thứ 4, 09/09/2020 | 10:17
Mặc dù cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát đi cảnh báo khẩn cấp vào ngày 29/8 ngừng lưu hành và thu hồi sản phẩm Pate Minh Chay trên cả nước, nhưng ngày 3/9 vẫn có một người ăn Pate Minh Chay và đã bị ngộ độc, hiện đang được điều trị tại một bệnh viện.

Gần 2000 khách hàng mua pate Minh Chay đã liên hệ được

Thứ 3, 08/09/2020 | 19:56
Liên quan đến vụ ngộ độc Pate Minh Chay, sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo xung quanh vấn đề này. Theo đó gần 2000 khách hàng sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay đã liên hệ được để tiện theo dõi tình hình sức khỏe.