Lời trần tình thiếu hiểu biết của nhóm người tái chế khẩu trang y tế

Ngọc Lài

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, một số người liên quan vụ phát hiện cơ sở tái chế khẩu trang y tế ở ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, ra sức trần tình về hành vi sai trái. Qua lời biện minh, PV nhận thấy, họ vẫn chưa hiểu việc tái chế khẩu trang y tế sẽ nguy hại cho cộng đồng và vi phạm pháp luật.

Mở rộng điều tra vụ việc phát hiện cơ sở tái chế khẩu trang y tế

Ngày 9/4, đại diện Công an tỉnh Long An cho biết, cơ quan CSĐT của tỉnh đang tiến hành mở rộng điều tra vụ việc phát hiện cơ sở tái chế khẩu trang y tế với số lượng lớn tại ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Liên quan đến vụ việc, lực lượng chức năng đã khám xét chỗ ở của Phạm Bảo Quốc (SN 1985, hộ khẩu thường trú huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) tại nơi tạm trú ở ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam. Tại thời điểm khám xét, Quốc không có mặt tại nơi tạm trú.

Việc khám xét dựa trên lời khai của bà Nguyễn Thị T. (chủ cơ sở tái chế khẩu trang, ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam). Theo bà T., Quốc là người giao khẩu trang đã qua sử dụng và hàng lỗi của nhiều công ty khác nhau để cơ sở bà thực hiện việc tái chế.

Từ đó, cơ quan CSĐT có căn cứ xác định, nơi ở của Quốc có chứa đồ vật liên quan đến vụ việc của bà T.. Khi tiến hành khám xét, tại phòng khách trong căn nhà thuê của Quốc, lực lượng phát hiện 2kg tấm lót khẩu trang (khoảng 130 cái/kg), 3kg vải màu xanh và trắng, 15 cái khẩu trang vải thành phẩm. Tại tầng trệt của ngôi nhà, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện 529kg vải màu các loại.

Trước đó, ngày 3/4, đội Quản lý thị trường số 1 trực thuộc cục Quản lý thị trường tỉnh Long An phối hợp cùng Công an xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa tổ chức kiểm tra, phát hiện tại nhà bà Nguyễn Thị T. ở ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam đang tái chế hàng chục ngàn khẩu trang y tế. Tại thời điểm kiểm tra, bà T. không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có sử dụng 3 lao động đang sửa chữa, ủi, đóng gói khẩu trang y tế để bán ra thị trường.

Dụng cụ dùng để tái chế khẩu trang y tế.

Cùng ngày, đoàn kiểm tra cũng tiến hành làm việc tại nhà bà Nguyễn Thị Bích Th., địa chỉ ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa. Qua kiểm tra, đoàn phát hiện tại nhà bà Th. có 20.000 khẩu trang; trong đó có 17.500 khẩu trang hiệu Hafa, và 2.500 khẩu trang 4D Gauze mash; cùng với 135 chai nước rửa tay diệt khẩu, dung tích 250 ml/chai. Cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ hàng hóa.

Cận cảnh quy trình tái chế khẩu trang y tế

Video: Lời trần tình thiếu hiểu biết của nhóm người tái chế khẩu trang y tế

Video: Lời trần tình của nhóm người tái chế khẩu trang y tế.

Tại thời điểm lực lượng chức năng ập vào ngôi nhà của bà T. trên đường số 10, khu dân cư Trần Anh, ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, nhiều bao chứa khẩu trang đã qua sử dụng, khẩu trang kém chất lượng được xếp chồng trên nền gạch có bụi bẩn.

Theo lời chủ cơ sở khai báo, sau khi mua khẩu trang y tế đã qua sử dụng, hàng lỗi của công ty, bà cho tất cả vào bao chở về nhà và thuê người đến tái chế. Bà T. thuê 3 phụ nữ khác thực hiện các công đoạn tái chế khẩu trang.

Bà T. yêu cầu nhân viên chọn những khẩu trang có đủ 4 lớp bị những lỗi đứt dây, may chồng 2 cái, ít nhàu nát… đem ra tái chế. Để chọn được sản phẩm “lành lặn” nhất trong số khẩu trang hư hỏng, công nhân của bà T. đổ từng bao khẩu trang ra tấm bạt nhựa rồi ngồi xung quanh nhặt nhạnh.

Khẩu trang y tế tái chế được đặt lộn xộn trên nền bạt nhựa.

Những sản phẩm bị đứt dây, đứt đường viền sẽ được chích keo, dán lại. Các sản phẩm bị may chồng thì bà T. hướng dẫn người làm cắt chỉ ra, dán thêm dây đeo… Sau khi chỉnh sửa lỗi cho sản phẩm, bà T. chỉ đạo nhân viên dùng bàn ủi là những chiếc khẩu trang bị nhàu nát cho thẳng.

Tiếp đó, khẩu trang y tế tái chế được đóng vào hộp mang nhãn hiệu của các công ty đã được phép sản xuất mặt hàng này như: Vinapro, Hafa… để chuẩn bị đưa ra thị trường. Với cách làm này, sản phẩm do cơ sở bà T. tái chế chắc chắn qua mắt được người tiêu dùng.

Lời trần tình thiếu hiểu biết của người trong cuộc

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Bích Th. (ngụ ấp Mới 2) trần tình: “Tôi chỉ cho bà T. mượn chỗ để cất giữ hàng hóa, chứ không tham gia sản xuất, tái chế khẩu trang y tế”.

Đồng thời bà Th. khẳng định: “Các sản phẩm khẩu trang y tế tại nhà bà T. đều là hàng lỗi của công ty. Bà T. thấy hàng lỗi được bán rẻ nên mua về chỉnh sửa để bán kiếm lãi. Bà ấy mới đem về làm được mấy ngày, chưa kịp bán ra thị trường thì bị cơ quan chức năng phát hiện. Một số cái còn tốt, chúng tôi giữ lại sử dụng nên không phải hàng đã qua sử dụng”.

Thời điểm PV đến nhà bà T. để ghi nhận thêm thông tin thì người này đang làm việc tại cơ quan công an. Tiếp PV, con trai của bà T. cho biết: “Gia đình tôi không tái chế khẩu trang đã qua sử dụng mà chỉ dùng hàng lỗi do các công ty loại thải”.

Người này cho biết thêm: “Các sản phẩm này bị lỗi đứt dây, thiếu nẹp, không đúng thiết kế… nên bị loại thải. Khi mua về, mẹ tôi kêu mọi người chọn lọc lại một lần nữa. Nếu cái nào đảm bảo còn đủ 4 lớp và chỉ bị đứt dây, may chồng 2 cái… thì sẽ lấy lại chỉnh sửa”.

Một thanh niên làm việc cùng bà T. và bà Th. vào bên trong cơ sở lấy cho PV xem những mẫu khẩu trang y tế còn sót lại. Người này nói: “Tất cả đều chưa qua sử dụng, có đủ 4 lớp, chỉ bị đứt dây, may chồng 2 cái... Những cái tốt chúng tôi còn giữ lại để sử dụng”.

Thông qua những lời trần tình của nhóm người này, PV nhận thấy, họ vẫn chưa nắm rõ luật hoặc đang cố tình lờ đi để trục lợi. Họ vẫn chưa hiểu, dù bà T. có chứng minh hàng được sử dụng tái chế chưa qua sử dụng thì vẫn vi phạm các quy định của pháp luật.

Hàng lỗi của công ty chắc chắn không đảm bảo chất lượng, không đúng kỹ thuật sẽ không đảm bảo an toàn vệ sinh, ngừa bệnh cho người sử dụng.

Phân tích vụ việc, luật sư Cồ Lê Huy (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: "Với những thông tin ban đầu, tôi có thể đưa ra một số hành vi mà họ có thể đã vi phạm như: sản xuất và kinh doanh hàng giả, kinh doanh trái phép, mua bán hàng hoá không có hoá đơn chứng từ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa dối khách hàng, xâm phạm sở hữu trí tuệ...”.

Khẩu trang y tế tái chế được đóng vào các vỏ hộp có nhãn hiệu phổ biến.

Cũng theo luật sư Cồ Lê Huy, tình trạng người dân có hành vi vi phạm giống như trường hợp của bà T. rất nhiều. Khi thị trường khan hiếm một mặt hàng nào đó, đương nhiên sẽ xuất hiện tâm lý kinh doanh không tử tế, chộp giật kiếm lời của một số người kinh doanh hoặc người dân không chuyên kinh doanh. Tất nhiên, các hành vi này đều vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý bằng nhiều điều luật rất rõ ràng.

N.L