Lý Lệ Hà - người đàn bà bí ẩn trong cuộc đời cựu hoàng Bảo Đại

Hồng Hà

Nguyên do khiến Lý Lệ Hà bị Bảo Đại bỏ rơi cho đến giờ vẫn là một bí ẩn. Càng bí ẩn hơn khi người vũ nữ luôn dành cho vị vua này sự kính trọng trọn đời.

Bức thư 66 chữ

Xuất thân của Lý Lệ Hà thực ra là một điểm mờ. 

Vốn dĩ, khó có ai biết chính xác quê quán, lai lịch của cô gái làm nghề bán phấn buôn hương, mua vui cho khách ở vũ trường. Có tài liệu ghi quê quán của Lý Lệ Hà ở Lạch Tray, Hải Phòng; có nguồn lại dẫn quê ở Chợ Cồn, Thái Bình. Bảo Đại gặp Lý Lệ Hà trong hoàn cảnh nào cũng không rõ. Chỉ biết, thời điểm ông ra Bắc làm cố vấn cấp cao cho Chính phủ lâm thời, Lý Lệ Hà đang là một trong hai vũ nữ nổi tiếng nhất Hà Thành (người còn lại là cô Đốc Sao).

Giai thoại kể rằng, cô vũ nữ hàng đầu của vũ trường Liszt sở hữu thân hình quyến rũ và nụ cười mê đắm lòng người với hàm răng được ví như “bạch ngọc”. Vậy là “thiếp danh đưa đến lầu hồng, hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa”. Bất chấp khi đó, Bảo Đại mới vừa lập “phòng nhì” với thứ phi Mộng Điệp.

Cũng phải nói thêm, Mộng Điệp - chứ không phải Lý Lệ Hà - mới là người đàn bà đầu tiên chen chân vào cuộc hôn nhân một vợ một chồng mặn nồng suốt 10 năm của Bảo Đại và Nam Phương. Người con gái phương Bắc lúc gặp cựu hoàng còn vừa sinh con chưa đầy năm, kết quả của cuộc tình không được chấp thuận với bác sĩ Phạm Văn Phán. Nhưng nhan sắc hiền thục nết na của Mộng Điệp đã làm xiêu lòng Bảo Đại. Ngài đưa bà về biệt thự số 51 Trần Hưng Đạo chung sống như vợ chồng, nhận con trai riêng của bà làm con đỡ đầu, chính thức phản bội lại lời thề với Hoàng hậu Nam Phương.

Song, Mộng Điệp không làm Nam Phương bận lòng như Lý Lệ Hà. 

Sủng ái Mộng Điệp nhưng cựu hoàng lại si mê cô vũ nữ nóng bỏng. Năm 1946, Bảo Đại sang Hồng Kông. Lý Lệ Hà đã lặn lội đi đường bộ sang Thượng Hải, sau đó đến Hong Kong để đoàn tụ với cựu hoàng. Trong khi ấy, Mộng Điệp vẫn ở Hà Nội và Nam Phương đang ở Huế.

Trong một lần gửi vàng tiền sang Hồng Kông trợ cấp cho Bảo Đại, Nam Phương đã viết một bức thư tay cho Lý Lệ Hà. Người đời gọi là 66 chữ đánh ghen “đẳng cấp chính thất” của Nguyễn triều Hoàng hậu.

Hình ảnh Nam Phương Hoàng hậu mang theo các con sang Hồng Kông đoàn tụ với Bảo Đại năm 1947.

"Em Lý Lệ Hà thân quý. Chị ở xa đức Cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc Cựu hoàng ở Hong Kong. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi Cựu hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung Thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương!".

Nhìn lại bối cảnh lịch sử cũng như thân thế đầy bí ẩn của cô vũ nữ, có lẽ lá thư của Nam Phương chứa đựng nhiều ẩn ý lớn lao hơn là chuyện ghen tuông thường tình. Bởi xét cho cùng, Mộng Điệp mới đáng để Nam Phương quan tâm khi thứ phi sinh con cho vua, lại được mẹ chồng là Đức Từ Cung sủng ái. Còn Lý Lệ Hà thấp kém sao có thể khiến Nam Phương để mắt. Chỉ có thể giải thích rằng, Lý Lệ Hà thực sự có một vai trò đặc biệt nào đó đối với cuộc đời của vị vua cuối cùng triều Nguyễn trong giai đoạn lịch sử đầy biến động.

Thất thế và thất sủng vẫn trọn đời tôn kính

Dù một mình lặn lội vạn dặm sang Hồng Kông để ở bên Bảo Đại lúc ngài cô đơn nhất, Lý Lệ Hà vẫn không sở hữu được trái tim vị vua đa tình. Tại xứ cảng thơm, Bảo Đại nạp thêm “phi” là cô gái Hoa lai Pháp Hoàng Tiểu Lan. Tháng 6 năm 1946, Mộng Điệp cũng tới Hong Kong, đẩy Lý Lệ Hà ra khỏi căn phòng của cựu hoàng. Tới năm 1947, Nam Phương cùng 5 con lên đường sang Hong Kong. Bà Mộng Điệp cùng các người tình đều phải đi lánh mặt. Lý Lệ Hà vì thế chưa bao giờ được chạm mặt Nam Phương, đồng thời cũng mất dấu trong khoảng 3 năm.

Khi về nước, Bảo Đại đưa Hoàng Tiểu Lan về cùng với Mộng Điệp, rồi mang lên Đà Lạt sắm cho mỗi người vợ không chính thức một dinh thự riêng, nạp thêm phi là Phi Ánh, thì riêng Lý Lệ Hà vĩnh viễn bị bỏ lại. Những người tình của Bảo Đại ai cũng có ảnh lưu lại thế gian, chỉ nhan sắc huyền thoại của Lý Lệ Hà là vĩnh viễn mất tung tích.

Theo Daniel Grandclément - tác giả cuốn sách “Bảo Đại, hay là những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam”, mỗi khi Lý Lệ Hà được ký giả quốc tế hỏi về cựu hoàng Bảo Đại, bà vẫn gọi “người xưa” bằng danh xưng tôn kính: Ngài Ngự. Bà qua đời ở tuổi ngoài 80.

Vì Bảo Đại đa tình nhưng cũng rất chung tình trọn nghĩa với những người đàn bà đã gửi gắm cuộc đời cho mình? Hay vì lá thư đầy học thức của Nam Phương Hoàng hậu? Có lẽ là tất cả hoặc có lẽ chỉ là một phần trong những lý do khiến người vũ nữ tài danh ở vũ trường Liszt năm xưa trọn đời kính ngưỡng người đàn ông tôn quý đã từng say đắm bà và từng bỏ rơi bà.

H.H