Mạt sát khi người khác không giống mình: Khẩu nghiệp hay vô lương tâm?

Lạc Thành

Mấy ngày gần đây, thông tin Hoa hậu chuyển giới Hương Giang hẹn hò cùng CEO Matt Liu từ chương trình Người ấy là ai làm nhiều người bất ngờ. Bên cạnh những lời chúc phúc và hồi hộp chờ đón một cái kết đẹp thì cũng có không ít những bàn tán, thị phi, thậm chí mạt sát thậm tệ chỉ vì người khác không giống mình. Mỗi người là một cá thể độc lập và được quyền chọn con đường sống của họ, dù khác người. Ai dám chắc những kẻ buông lời mạt sát “khẩu nghiệp” kia là bình thường, hay họ cũng chỉ là những kẻ bệnh hoạn té nước theo mưa vùi dập nạn nhân vô tội?

Sau khi chính thức công khai bạn trai CEO người Singapore Matt Liu, Hương Giang bất ngờ vướng vào cơn mưa lời mạt sát.. Giữa lúc chuyện tình cảm đang bị bàn tán khắp nơi, Hương Giang đã lên tiếng và cho biết cô sẽ hạn chế kể chuyện đời tư để bảo vệ hạnh phúc hiện tại.

Hiện tại chỉ sau 5 ngày chia sẻ chuyện tình cảm, nữ ca sĩ chuyển giới đã vướng phải loạt ồn ào, thị phi không đáng có. “Vậy mà mới chỉ hạnh phúc vỏn vẹn 5 ngày, trên trang cá nhân đến giờ chỉ dám post 2 tấm hình chung, mà chưa 1 giây phút nào tha cho người ta để người ta được yên là sao? Một ngày mà nào là tin đồn nào là miệt thị người ta, nào là hợp đồng PR chuyện tình cảm? Tôi nói nhé, nếu mà bây giờ không kiếm ra được cái hợp đồng đó, ai sẽ trả lại danh dự cho người ta? Hương Giang có làm gì sai trong chuyện này để mà phải chịu điều tiếng, miệt thị như vậy?”, Quản lý của Hương Giang viết. Tâm thư của người quản lý này đang khiến người hâm mộ đặc biệt quan tâm, đa phần thể hiện sự đồng cảm, và dành nhiều lời an ủi cho Hương Giang.

Hương Giang bị nhiều người cho rằng, công khai tình yêu để PR bản thân.

Khi đọc những dòng chia sẻ trên, nhiều người cho rằng, giới trẻ hiện nay khẩu nghiệp quá, bất cứ một sự kiện, thông tin nào, họ cũng nghĩ đến những chuyện tiêu cực để bàn. Giống như Hương Giang từng chia sẻ, cô không bao giờ mang tình cảm của mình ra để PR, vì tình yêu là thiêng liêng và có những phút riêng tư mà không cần người ngoài biết.

Những lời nói vô tâm sẽ giết chết những cảm xúc của người trong cuộc. Không chỉ có chuyện của Hương Giang, mà nhiều người trẻ hiện nay dường như luôn mang sẵn trong lòng tị hiềm và hoài nghi về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Cảm xúc có họ có bị chai sạn? Cuộc đời có tươi sáng hơn khi “ném đá” người khác? Giá trị của họ có được nâng cao nhờ buông lời mạt sát người khác mình? Chắc hẳn là không!

Một người bạn làm bên ngành Văn hoá của tôi từng chia sẻ rằng, dường như giới trẻ vô tâm, thiếu cảm xúc với cuộc sống là do thói quen. Sự vô cảm tràn lan từ cộng đồng ảo tới đời sống thật. Đó là những đứa trẻ như ở thế giới khác, không quan tâm sâu sắc đến những gì diễn ra quanh mình. Nhiều người đổ lỗi cho thời đại công nghiệp và sự thừa mứa các phương tiện giải trí xung quanh các em. Nhưng xét cho cùng, sự hình thành cá tính, nhân cách ở trẻ cũng từ giáo dục mà ra.

Nếu nhìn lại, chúng ta sẽ thấy rằng từ tuổi tiểu học, trẻ em chỉ được dạy về kiến thức, kỹ năng, chứ ít đượcđược dạy về cảm xúc và cách thể hiện cảm xúc thế nào. Ngay cả những bài giảng đạo đức về sự vị tha, lòng nhân ái... trong sách cũng khô khan và khó hiểu đối với trẻ. Như một bài tập về nhà của học sinh lớp 4: “Em hãy kể lại câu chuyện về lòng vị tha mà em biết”. Rõ ràng, xung quanh con trẻ có rất nhiều chuyện về lòng vị tha, nhưng cô giáo yêu cầu kể lại hai câu chuyện cổ tích trong sách đã in sẵn. Tại sao cô giáo không lấy những ví dụ sinh động trong cuộc sống, hoặc ngay trong lớp học để các em hiểu và tiếp thu nhanh hơn? Vì sao cảm xúc của mình mà phải đi copy ở những bài văn mẫu trong sách giáo khoa?

Nếu để ý hơn, chúng ta sẽ thấy rằng, nhiều người trẻ hiện nay có cách sống “hai mặt”: Ở không gian ảo thì họ rất sôi nổi, tham gia vào mọi tranh cãi, thậm chí dùng những lời nói rất sát thương để nói về người khác, nhưng khi gặp bố mẹ thì lại rất ít nói, thậm chí thu mình vào một chỗ? Vì sao? Có phải họ thấy cuộc sống ảo hấp dẫn hơn không?

Họ “khẩu nghiệp” với những chuyện của người khác để “vuốt ve” cái tôi, để chứng minh rằng, suy đoán của mình là đúng?

Chuyện “khẩu nghiệp” trong showbiz hay đời sống xã hội không chỉ diễn ra lần đầu, cách đây khoảng 5 năm khi thông tin kiện tướng Khánh Thi có thai với học trò kém 12 tuổi là Phan Hiển khiến nhiều người xôn xao, nhiều cuộc bàn tán, thị phi nổ ra khiến cho Khánh Thi phải nhập viện vì không chịu được áp lực từ dư luận.

Đáng nói, cho đến nay, vợ chồng Khánh Thi – Phan Hiển là một cặp đôi đẹp của showbiz với hai con ngoan ngoãn. Khi Hồ Ngọc Hà và Kim Lý công khai tình yêu, nhiều người cũng cho rằng, họ PR cho một MV mới chứ không phải yêu nhau, rồi để xem họ ở bên nhau được mấy ngày… Nhưng hiện tại, hai người đang rất hạnh phúc và chuẩn bị chào đón đứa con ra đời. Vậy nên, những câu nói vô tâm, những lời mạt sát “khẩu nghiệp”trên chỉ là từ những người trẻ kém hiểu biết và phiến diện mà thôi.

Cũng phải nói thật rằng, chưa bao giờ tôi sợ không gian mạng như bây giờ, nó giống như một “cái chợ” bát nháo và đầy ồn ào mà ở đó giới trẻ chính là người mua bán sôi nổi nhất với đủ các câu chuyện về văn hoá, thời sự, showbiz… và họ khẩu nghiệp, thị phi như một thú vui và “tự sướng” với những nhận định của mình mà không bao giờ để ý đến cảm xúc của “nạn nhân”. Đó có thể xem lạimột cách sống lệch lạc và vô cảm.

Trở lại với câu chuyện của Hương Giang, chúng ta thấy rằng, cô ấy là một người chuyển giới có tài,, và được nhiều người công nhận. Vậy vì sao chúng ta không nhìn vào những mặt tích cực của con người để tin rằng, những giá trị nhân văn, những câu chuyện về tình yêu chân thật vẫn còn mãi? Đừng mạt sát người khác chỉ vì họ không giống bạn.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

L.T