Men say nơi những "ngôi làng" như cổ tích giữa núi rừng Tây Nguyên

HỒ NAM

Những homestay độc lạ, mang đậm bản sắc núi rừng Tây Nguyên. Ở đó có lửa trại rực cháy, tiếng cồng chiêng ngân vang gọi mời. Những thiếu nữ Ba Na tay trong tay lắc lư điệu múa truyền thống. Những ché rượu cần thơm mùi lúa mới, những con gà nướng, ống cơm lam thơm phức…

Homestay núi rừng

Vốn dĩ, những người Ba Na nơi mảnh đất đại ngàn Tây Nguyên nắng gió quanh năm gắn bó với ruộng đồng, núi rừng, cuộc sống phải chạy ăn từng bữa. Thế nhưng, với sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, những người dân địa phương nơi đây biến vùng đất hoang vu, ít người biết đến trở thành miền "đất hứa", quanh năm, rộn ràng khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm sự khác biệt của những homestay độc lạ, đậm chất núi rừng. Nhờ sự táo bạo, đổi mới tuy duy mà giờ đây những công dân địa phương quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cũng chẳng đủ ăn, nay trở thành những ông chủ homestay hoành tráng.

Với người Ba Na, homestay như một cầu nối để người dân có dịp được quảng bá văn hóa, ẩm thực, con người và mảnh đất Tây Nguyên kỳ bí hùng vĩ đến với khách du lịch. Xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang là xã xa xôi, hẻo lánh của tỉnh Gia Lai. Vào một ngày cuối tuần, chúng tôi có dịp ghé thăm homestay của anh Đinh A Ngưi, 38 tuổi, ngụ làng Kgiang, huyện Kbang. Homestay hiền hòa thơ mộng nằm giữa bốn bề núi dựng ,tiếng chim hót lít lo, từng làn gió mát lành miên man thổi xua tan không khí buổi trưa nóng nực, mang đến cảm giác bình yên.

Anh Đinh A Ngưi luôn nở nụ cười trìu mến, thân thiện, hiếu khách. Trong trang phục người Ba Na truyền thống, anh Ngưi hồ hởi dẫn chúng tôi dạo quanh homestay, lòng đầy tự hào trước công trình "thế kỷ" của đời mình. Trên bếp than đỏ rực, một con gà đang nướng thơm phức đặc sản của núi rừng Tây Nguyên. Anh Ngưi say sưa giới thiệu cho chúng tôi về văn hóa, ẩm thực của người Ba Na nơi vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ.

Nở nụ cười viên mãn anh Ngưi kể, trong thời gian công tác tại trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao (VH-TT-TT) huyện Kbang, anh thường được phân công tổ chức các lễ hội tại địa phương. Trong những dịp này, anh chứng kiến nhiều du khách trong và ngoài nước tò mò, thích thú với những nét văn hóa truyền thống, ẩm thực của đồng bào mình. Cũng từ đó anh, quyết tâm mang văn hóa địa phương đến gần hơn với du khách.

Đinh A Ngưi tiên phong làm homestay để giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc đến du khách gần xa.

Khi bắt tay vào xây dựng homestay, anh Ngưi vấp phải sự phản đối lớn từ gia đình. Bởi ở trong hốc núi, người dân chỉ quen với con rựa, lưỡi rìu, định nghĩa về du lịch, về homestay vẫn còn mông lung. Không những thế, để làm homestay cho “ra tấm ra món” cũng tốn một khoản tiền kha khá. Thế rồi, gạt ngoài tai lời bàn ra tán vào, với đam mê và động lực giúp dân làng thoát nghèo, anh Ngưi vẫn quyết tâm làm du lịch.

Đầu năm 2019, anh Ngưi mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng homestay trên diện tích 1ha với 4 phòng ngủ và 1 phòng sinh hoạt cộng đồng để hút khách du lịch. Homestay của A Ngưi được trang trí một cách đơn giản, mộc mạc. Ngay cổng ra vào chủ nhân của khu du lịch đã khéo léo đặt tấm biển hiệu bằng gỗ thô mộc với dòng chữ “Không gian văn hóa Bahnar” như mời chào du khách.

Du khách đến lưu trú có cơ hội tự chế biến món ăn và mặc đồ truyền thống, mua những món đồ đặc sản núi rừng Tây Nguyên về làm quà cho người thân.

Nhằm thu hút khách du lịch, anh nhờ các nghệ nhân trong làng mở lớp dạy cồng chiêng, múa xoang và các loại nhạc cụ truyền thống cho lớp trẻ. Bên cạnh đó, anh cũng hướng dẫn người dân làm cơm lam, gà nướng, rượu cần hợp vệ sinh để du khách thưởng thức. Ngoài ra, anh còn vận động người dân chăn nuôi heo, gà, làm rượu cần...để phục vụ khi du khách cần. Anh chọn lựa những đội cồng chiêng, múa xoang biểu diễn trong những đêm đốt lửa trại góp phần giới thiệu bản sắc văn hóa đến du khách. Sau một thời gian chuẩn bị và đi vào hoạt động, đầu năm 2020 homestay của A Ngưi đã thu hút hơn 4.000 lượt du khách trong và ngoài nước ghé thăm.

Già làng Đinh B’lich cho biết, từ khi anh A Ngưi bắt tay vào làm du lịch thì vùng đất này ngày càng được nhiều người biết đến và ghé thăm. Không những vậy, còn giúp nhiều người dân có thêm thu nhập. Đặc biệt, góp phần quảng bá văn hóa truyền thống của người Ba Na đến những du khách trong và ngoài nước.

Thoát nghèo nhờ làm homestay

Chia tay mảnh đất huyện Kbang nắng gió, chúng tôi tiếp tục hành trình đến mảnh đất Kon Pong, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum - "thiên đường" du lịch, nơi cả làng cùng bắt tay làm homestay. Làng Kon Pring nằm giữa bạt ngàn thông xanh và núi đồi trùng điệp. Không khí quanh năm mát mẻ. Ngôi làng tràn ngập các loại hoa dại, từng đàn bướm bay lượn như một bức tranh làng quê trong truyện cổ tích.

Bà Y Lim, 40 tuổi, thôn Kon Pring, huyện Kon Plông cho biết, trước đây kinh tế của gia đình bà chỉ phụ thuộc vào vài sào rẫy. Điều kiện sống khó khăn nên mỗi khi ai thuê gì bà đều nhận làm. Dù đã làm đủ mọi nghề nhưng kinh tế của gia đình bà Lim vẫn chẳng khá hơn là bao, ngày đói nhiều hơn bữa no.

Nhờ làm homestay mà cuộc sống gia đình bà Y Lim bớt khó khăn.

Năm 2018, huyện lên phương án chọn làng làm điểm du lịch cộng đồng. Lúc này gia đình bà Lim cùng 2 hộ khác được chọn để thí điểm mô hình homestay. Trong thời gian này, huyện Kon Plông cử 1 đoàn ra tỉnh Hòa Bình học tập kinh nghiệm làm du lịch. Bà Y Lim cũng được chọn tham gia chuyến công tác.

Sau chuyến công tác, gia đình bà Y Lim được huyện Kon Plông đầu tư xây dựng homestay trích từ quỹ Phát triển cộng đồng. Homestay của gia đình bà Lim là 1 căn nhà sàn rộng lớn, phục vụ tối đa khoảng 26 người. Ngày thường, homestsy của bà chủ yếu phục vụ khách vãng lai đến du lịch tham quan. Còn những dịp lễ Tết, homestay luôn kín chỗ.

Làng du lịch Kon Pring nằm giữa bạt ngàn thông xanh và núi đồi trùng điệp.

“Tất cả đồ ăn, thức uống đều là của nhà tự nuôi trồng và chăm sóc nên đảm bảo vệ sinh. Mình còn nói bà con xung quanh nuôi gà, trồng rau để mỗi khi khách đông thì có sẵn nguyên liệu phục vụ. Khi đó, khách vừa có thức ăn, rượu ngon để thưởng thức mà người dân còn có thu nhập. Từ ngày làm homestay, cuộc sống gia đình mình không còn khổ nữa, bà con cũng có đồng ra đồng vào.”, bà Y Lim vui vẻ nói.

Chiều tà, mặt trời dần khuất sau những dãy núi trùng điệp, chúng tôi rời khỏi làng du lịch Kon Pring khi đã chuếnh choáng hơi men. Lửa trại vẫn hừng hực cháy, các chàng trai cô gái người bản địa vẫn tay trong tay hòa theo nhịp chiêng ngân vang khắp núi rừng. Chúc cho homestay cộng đồng người làng Kon Pring ngày càng phát triển, đón thêm nhiều lượt khách đến tham quan.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thành Diễn, cán bộ phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Kon Plong cho biết: " Trên địa bàn có nhiều đơn vị cá nhân, tổ chức thực hiện việc kinh doanh dịch vụ du lịch homesay. Trong đó, cộng đồng người làng Kon Pring là cả làng bắt tay làm homestay. Với huyện Kon Plong hiện nay, tiềm năng phát triển du lịch ngày càng lớn mạnh, lượng khác thập phương đổ về đây du lịch hàng năm rất đông. Việc kinh doanh homestay giúp cho bà con làng Kon Pring có công ăn việc làm ổn định, mức thu nhập tăng đang kể, đời sống của bà con được năng cao hơn thời còn làm ruộng, làm rẫy.

H.N