Muôn kiểu “tiếp sức” sinh viên của các trường đại học giữa dịch Covid-19

Cẩm Mịch

Trong thời điểm sinh viên cả nước đang phải dừng đến giảng đường đại học vì dịch Covid-19, đã có hàng loạt trường đại học có chính sách hỗ trợ, giảm học phí để “tiếp sức” cho sinh viên.

Miễn, giảm, lùi thời gian nộp học phí

Diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng đến công ăn việc làm, thu nhập của đông đảo người lao động, trong đó có phụ huynh. TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch hội đồng quản trị, trường đại học FPT cho biết, trường mong muốn góp phần giải quyết khó khăn chung.

Chính vì vậy, trường đại học FPT quyết định trích từ Quỹ đầu tư phát triển hơn 80 tỷ đồng để hỗ trợ 20% học phí các tháng kỳ hè (từ tháng 5 đến hết tháng 8/2020) cho sinh viên cao đẳng và đại học. Tỷ lệ hỗ trợ học phí cho các chương trình liên kết là 10%, phần hỗ trợ bổ sung nếu có sẽ được thông báo sau khi thống nhất được với các đối tác liên kết nước ngoài. Đối với những gia đình sinh viên có điều kiện, không cần đến phần hỗ trợ này, kinh phí hỗ trợ của nhà trường sẽ được chuyển cho Quỹ quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Mới đây, trường đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã triển khai gói 20 tỷ đồng miễn giảm học phí cho sinh viên trong học kỳ II năm học 2019-2020, nhằm hỗ trợ gia đình những sinh viên gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

PGS.TS Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác sinh viên, trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, sinh viên trong diện được miễn giảm học phí bao gồm: sinh viên có bố mẹ bị mất việc do dịch Covid-19, gia đình không có thu nhập và gặp khó khăn về kinh tế… cùng các trường hợp đặc biệt khó khăn khác do dịch bệnh gây ra. Tùy vào mức độ ảnh hưởng, sinh viên sẽ nhận được các mức hỗ trợ tới 50% học phí học kỳ này.

Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội lý giải, trường không chọn cách hỗ trợ kiểu chia đều cho tất cả sinh viên, vì thực tế là một số gia đình vẫn đang cố gắng được, nếu tập trung vào những trường hợp cần được hỗ trợ nhất thì việc hỗ trợ sẽ thiết thực hơn.

Bên cạnh kế hoạch miễn, giảm học phí cho sinh viên, nhiều trường đại học còn tiếp tục tạo điều kiện bằng cách lùi thời gian đóng học phí.

TS.Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng trường đại học Ngoại thương, trường đã quyết định triển khai gói hỗ trợ tài chính đặc biệt cho sinh viên, học viên các loại hình đào tạo của nhà trường. Với sinh viên hệ đại học chính quy, trường sẽ hỗ trợ số tiền tương đương 5% học phí của học kỳ II năm học 2019-2020 cho toàn bộ gần 15.000 sinh viên ở cả 3 cơ sở Hà Nội, Quảng Ninh và TP.Hồ Chí Minh (số tiền này được giảm trừ trực tiếp vào học phí phải nộp của học kỳ II năm học 2019-2020).

Đồng thời, trường đại học Ngoại thương sẽ triển khai ngay việc xét cấp bổ sung học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian dịch Covid-19 và đạt kết quả học tập từ loại Khá trở lên với mức học bổng tương đương 50-100% học phí của học kỳ II năm học 2019-2020. Ngoài ra, các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch còn có thể tham gia chương trình cho vay học bổng FTU - Mabuchi với lãi suất 0% trong thời gian học tập tại trường.

Đối với các đối tượng chính sách, ngoài việc được miễn giảm học phí theo quy định, các sinh viên còn được nhận thêm một khoản hỗ trợ tài chính từ nhà trường. Học viên cao học và các loại hình đào tạo khác cũng đã được nhà trường thông qua các hình thức hỗ trợ phù hợp, trong đó có hỗ trợ tài chính. Trường cũng sẽ giãn tiến độ nộp học phí học kỳ II năm học 2019 - 2020, lùi thời hạn nộp học phí 1 tháng cho toàn bộ sinh viên, học viên của nhà trường.

Khoa Quốc tế, đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã điều chỉnh chính sách lùi thời hạn đóng học phí 3 tháng và không áp dụng tiêu chí muộn học phí đối với việc cấm thi, đánh giá rèn luyện, xét học bổng của sinh viên trong học kỳ này. “Chia sẻ khó khăn với gia đình các sinh viên trong mùa dịch, lãnh đạo khoa đã họp bàn và đề xuất với đại học Quốc gia Hà Nội, cũng như trao đổi với các đối tác nước ngoài để hỗ trợ gia đình các sinh viên từ 5 - 7% học phí kỳ này”, PGS.TS Lê Trung Thành, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế, đại học Quốc gia Hà Nội thông tin.

Trong khi đó, trường đại học Thương mại cũng đang tính toán để lên phương án hỗ trợ cho sinh viên. Có thể sẽ giảm học phí, nhưng mức giảm cụ thể thế nào nhà trường sẽ tính toán. “Đến thời điểm này, trường chưa bắt các em đóng học phí. Nếu em nào đã đóng, thì sau này khi được giảm, trường sẽ trả khoản thừa vào tài khoản cho các em”, PGS. Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Đối ngoại và truyền thông, trường đại học Thương mại cho hay.

Hỗ trợ chi phí sinh hoạt, đi lại, trang thiết bị học online

Trong giai đoạn khó khăn chung trước bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, trường đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã và đang tìm mọi cách hỗ trợ sinh viên ở mức độ tốt nhất. Chẳng hạn, giảm 25% phí thuê phòng cho tất cả các sinh viên ở ký túc xá trường trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra. Miễn phí thuê phòng đối với thời gian các em đã đăng ký phòng nhưng không ở lại ký túc xá. Trường cũng đang kêu gọi, vận động việc trợ giá máy tính và các gói cước dữ liệu cho sinh viên để học tập trực tuyến…

Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường đại học Khoa học - Xã hội & Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội, để hỗ trợ sinh viên, hiện nay nhà trường đã bắt đầu triển khai việc vận động quyên góp tài chính để giúp đỡ những sinh viên hiện đang thuê trọ ở Hà Nội hoặc ở trong ký túc xá, ít nhất, không để sinh viên thiếu thốn thực phẩm...

Trường đại học Kinh tế Quốc dân đang xem xét việc miễn giảm học phí cho sinh viên. Hiện tại, trường cho sinh viên sử dụng tài nguyên số miễn phí đến hết năm 2020. Những sinh viên ở ký túc xá thì được hỗ trợ phát chất tẩy rửa kháng khuẩn, khẩu trang. Những sinh viên muốn về (khi chưa có chỉ thị cách ly toàn xã hội) thì trường hỗ trợ tiền xe.

Trường đại học Kinh tế - Luật, đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cũng đang khảo sát để hỗ trợ những sinh viên thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, vùng sâu vùng xa, gặp khó khăn về tài chính khi di chuyển trong những lần thông báo nghỉ học vừa qua như dời hoặc hủy vé tàu, xe.

Học viện Tòa án sau khi chính thức cho sinh viên chuyển sang học online cũng quyết định hỗ trợ mỗi sinh viên đang ở trong ký túc xá được nhận 1 triệu đồng trích từ Quỹ tình nghĩa của tệ thống Tòa án nhân dân.

Trường đại học Văn Hiến cũng hỗ trợ 20% học phí trực tuyến và 10% học phí trực tiếp. Trong bối cảnh phải tăng cường dạy học online, việc sinh viên thiếu điều kiện về phương tiện học tập như không có smartphone hay laptop là một khó khăn lớn cho công tác giảng dạy online.

“Vì vậy, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc gặp khó khăn về phương tiện học tập, hãy đến trường liên hệ, nhà trường sẽ hỗ trợ mua trả góp hoặc cho mượn các phương tiện nếu sinh viên có nhu cầu. Dự kiến nhà trường cung cấp khoảng 100 máy tính bảng, điện thoại thông minh và laptop cho sinh viên khi có nhu cầu”, TS. Lê Sĩ Hải, Giám đốc điều hành thường trực trường đại học Văn Hiến cho biết.

Bên cạnh đó, nhằm chia sẻ những khó khăn, hỗ trợ cùng sinh viên và gia đình trong mùa dịch Covid-19, đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh đề nghị các trường thành viên và đơn vị trực thuộc chủ động tính toán chi phí đào tạo với các học phần được giảng dạy trực tuyến trong học kỳ II năm học 2019-2020 để có mức giảm học phí phù hợp. Mức giảm học phí đề xuất không quá 10%.

Theo đó, trường đại học Quốc tế sẽ giảm 10% học phí học kỳ II năm học này. Bên cạnh giảm 7% học phí các học phần trực tuyến, trường đại học Công nghệ thông tin còn thành lập quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên khó khăn dịp này với tổng giá trị học bổng 1 tỷ đồng.

Sau chủ trương ban đầu chỉ gia hạn thời gian nộp học phí và hỗ trợ tiền cải thiện tốc độ sử dụng Internet, trường đại học Kinh tế - Luật quyết định tiếp tục dành hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ học phí cho sinh viên khó khăn dịp này. Theo đó, trường giảm 7% tổng mức học phí mà sinh viên phải đóng trong học kỳ II cho các môn học trực tuyến, trong đó bao gồm 100.000 đồng/sinh viên mà nhà thường đã hỗ trợ nhằm cải thiện tốc độ sử dụng Internet.

Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh giảm 8% học phí các học phần lý thuyết dạy trực tuyến học kỳ này. Trường đại học Nguyễn Tất Thành giảm 15% học phí trực tuyến. Trường đại học Văn Lang giảm 20% học phí trực tuyến, giảm 10% học phí với học phần không dạy, học trực tuyến và sinh viên năm cuối....

Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.Hồ Chí Minh cũng hỗ trợ 10% học phí đối với sinh viên đã đóng học phí đúng hạn (đóng trước ngày 18/3) và sinh viên chưa đóng học phí nhưng có đơn gia hạn được nhà trường phê duyệt. Đối với sinh viên không có đơn gia hạn học phí từ ngày 18/3, trường sẽ hỗ trợ giảm 5%.

Nhằm chia sẻ và động viên sinh viên trong học tập theo hình thức trực tuyến này, trường đại học Nha Trang cũng hỗ trợ cước phí Internet ban đầu là 100.000 đồng/sinh viên (trừ vào học phí).

Các trường đại học: Hoa Sen, Quốc tế Hồng Bàng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Gia Định giảm tối đa 20% học phí kỳ II năm học 2019-2020 cho tất cả sinh viên. Mức giảm này áp dụng cho các sinh viên đóng học phí trước ngày 25/3. Với sinh viên năm cuối đã đóng học phí có thể lên trường làm đơn và nhận lại 20% số tiền.

C.M