alt=

Niềm đam mê Lịch sử, thi xong vẫn giở sách ra đọc

Đó là câu chuyện của nam sinh Ngô Lê Phúc Đạt (SN 2001), học sinh lớp 12A9 trường THPT Quang Trung, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Sinh ra tại mảnh đất Quảng Bình đầy nắng và gió, cậu học trò có lẽ đã thấm nhuần tư tưởng tự lập và tinh thần hiếu học của quê hương miền Trung, kiên trì nuôi dưỡng ước mơ được đứng trong hàng ngũ quân đội.

Sinh ra tại mảnh đất Quảng Bình đầy nắng và gió, cậu học trò có lẽ đã thấm nhuần tư tưởng tự lập và tinh thần hiếu học của quê hương miền Trung, kiên trì nuôi dưỡng ước mơ được đứng trong hàng ngũ quân đội.

Phúc Đạt cho biết: “Vì công việc của bố mẹ nên gia đình em mới chuyển vào Tây Ninh sinh sống.

Thuở đó, thay đổi môi trường học tập cũng khiến em gặp không ít bỡ ngỡ. Song, thật may mắn vì em đã làm quen rất nhanh mà không gặp quá nhiều trở ngại, rào cản”.

Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, giành được 7,5 điểm môn Ngữ văn, 9,25 điểm môn Lịch sử và 9,5 điểm môn Địa lý, Phúc Đạt trở thành thủ khoa khối C00 của tỉnh Tây Ninh với tổng điểm 26,25.

Khi biết tin mình trở thành thủ khoa khối C toàn tỉnh, nam sinh Tây Ninh không khỏi bất ngờ, mặc dù đã dự tính được phần nào điểm số.

Ban đầu, khi mới bước vào THPT, em chọn học lớp chuyên về các môn tự nhiên, trong suốt hai năm học. Đến hè năm lớp 11 thì em lại quyết định chọn học chuyên về xã hội.

Đó một lựa chọn bất ngờ đối với mọi người trong thời gian đó, bởi lẽ, kết quả của em cũng không đến nỗi tệ, và em nghĩ là em phù hợp hơn đối với các môn xã hội, nên em đã quyết định thi khối C00”, cậu học trò bắt đầu chia sẻ.

“Em thích nhất là môn Lịch sử, em bắt đầu thích thú từ năm lớp 10 và em cũng đã quyết định tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi của trường và có thêm thời gian nghiên cứu về môn học nên cũng yêu thích hơn.

Hồi còn học tiểu học, em chưa cảm nhận được niềm yêu thích với môn Lịch sử, thậm chí có lần, em hỏi ba: “Ba ơi, vì sao lịch sử Việt Nam mình dở hơn lịch sử thế giới?”. Ba phản bác ngay: “Sử nước mình sao mà dở hơn, hy sinh có được để mang về độc lập tự do, thống nhất non sông mà sao lại dở? Là do con chưa hiểu kỹ nên mới có suy nghĩ như vậy thôi…”.

Vậy là sau đó, em bắt đầu quan tâm hơn đến môn học này, em lên mạng tìm đọc nhiều sử liệu, tham gia các nhóm lịch sử trên facebook, như “tìm hiểu chiến tranh Việt Nam”, rồi đọc về các tướng tình báo như Phạm Xuân ̉n, tìm hiểu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp… thêm cả những sự kiện lịch sử mà sử sách không ghi lại chính thức… Em cũng thích xem phim tài liệu vì sự chân thực mang đến sự rung cảm mãnh liệt trong em.

Có lẽ, những kiến thức Lịch sử chân thực, đa chiều đã thấm vào em như vậy! Đến giờ, thi xong rồi mà đôi lúc buồn buồn em vẫn mở sách Lịch sử ra đọc”, Phúc Đạt nhớ lại hành trình học Sử của mình.

Trong thời gian ôn luyện cho kỳ thi, Đạt vẫn luôn giữ sự cân bằng giữa việc học tập và giải trí, vì: “Em biết rằng não bộ chúng ta cũng cần có sự nghỉ ngơi nhất định thì mới có thể hoạt động tốt và tiếp thu kiến thức. Ngoài việc đảm bảo mặt bằng chung tất cả các môn học thì đối với 3 môn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý, em dành nhiều thời gian hơn, học ở trường rồi tự ôn luyện kiến thức, môn nào yếu thì dành nhiều thời gian hơn”.

Phúc Đạt bật mí thêm: “Để biến môn học thành môn sở trường thì trước hết, cần phải có sự yêu thích, phải cố gắng, gặp kiến thức khó thì tự mày mò tìm hiểu, nếu không được thì hãy hỏi thầy cô, không được nản lòng. Đối với những môn sở trường thì em luôn tìm tòi tài liệu để đọc và các bài giảng online miễn phí của các thầy cô ở trên youtube.

Chẳng hạn, môn Ngữ văn, ngoài việc học thêm, em đọc thêm sách luận văn chuyên sâu mở rộng và xem bài giảng của các thầy cô ôn luyện thi nổi tiếng, những ý phân tích thì em rút gọn lại ghi thẳng vào trong sách để có thể ghi nhớ lâu và dễ dàng đọc mỗi khi cần.

Riêng với Lịch sử và Địa lý, dù đây là năm thứ 3 tổ chức thi hai môn này dưới hình thức trắc nghiệm, nhưng em vẫn luôn quan niệm “tự luận là gốc”, nên phần đa thời gian, em đọc kiến thức sách giáo khoa cơ bản, đọc thêm các tài liệu ôn thi dành cho học sinh giỏi và ôn thi tuyển sinh đại học các năm trước, còn luyện đề trắc nghiệm thì em chỉ luyện tầm 1 đến 2 đề mỗi tuần, có tuần em chỉ đọc sách chứ không làm đề.

Bên cạnh đó, em tham gia các diễn đàn ôn thi khối C, trau dồi được kiến thức, kỹ năng làm bài trắc nghiệm cho hai môn Sử, Địa”.

Chia sẻ về ước mơ nghề nghiệp, Phúc Đạt tiết lộ: “Nguyện vọng của em là học ngành Biên phòng tại học viện Biên phòng và sau này trở thành một chiến sĩ biên phòng. Trước đó, em vô tình tìm trên các trang mạng, nhận thấy đây là một môi trường rất tốt không chỉ để học tập văn hoá để có nghề nghiệp đơn thuần, mà còn là nơi rèn giũa bản thân cả về thể chất lẫn tinh thần. Đồng thời, sau này ra trường, em sẽ là một người lính trực tiếp bảo vệ chủ quyền quốc gia, của quê hương nên em đã rất yêu thích ngành này”.

Lớp trưởng gương mẫu livestream giải đề

Là một trong những giáo viên đồng hành với Đạt trong hành trình chinh phục kỳ thi này cô Đặng Thị Hoài, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A9 cho biết: “Phúc Đạt là một lớp trưởng gương mẫu, học đều các môn và hoạt động rất năng nổ. Ở trên lớp, Đạt luôn luôn cùng cô sát sao những công việc trên lớp, và có tố chất lãnh đạo, mỗi khi đứng dậy diễn đạt thì đến cô có khi còn thua”.

Cô Nguyễn Thị Minh Thiện, giáo viên dạy Lịch sử của Phúc Đạt chia sẻ: “Đạt là một học sinh rất siêng năng và có khả năng tự học cao, luôn chủ động tìm hiểu kiến thức. Từ sau khi chuyển khối sang Văn-Sử-Địa, Đạt cũng rất nhanh nhạy, trong thời gian rất ngắn mà ôn thi đạt thành tích cao trong kỳ thi THPT Quốc gia.

Cách học của Đạt là nắm chắc sách giáo khoa và ôn thêm các kiến thức tham khảo, rồi chăm chỉ luyện đề, tập trung cao độ vào các môn học, vì cũng có nhiều câu hỏi “mẹo”.

Tôi đánh giá cao khả năng tự học và chia sẻ kiến thức của Đạt. Là lớp trưởng, Đạt còn hay livestream sửa đề và kèm thêm cho các bạn trong lớp, bởi vì không phải chỉ có môn Lịch sử, em ấy còn có tố chất ở nhiều môn học khác”.  

Chia sẻ về gia đình, cậu học trò cho biết: “Gia đình em là một gia đình nhập cư, chỉ có bốn người, đó là ba mẹ, em và em gái nhỏ. Ba mẹ em đều là những người lao động chân tay, ba làm trong lĩnh vực xây dựng, quản lý và thi công, mẹ làm ở khâu đóng gói của công ty may gần nhà. Trong giai đoạn ôn thi căng thẳng, gia đình luôn tạo điều kiện để em dành nhiều thời gian học tập, khi em đột ngột chuyển khối C vào đầu năm lớp 12, ba mẹ luôn tin tưởng và ủng hộ em: Lựa chọn của con, ba mẹ luôn tôn trọng và ủng hộ hết mình, miễn là con tin tưởng mình sẽ làm tốt”.

Ba mẹ Đạt không hề hứa hẹn sẽ có món quà nào, chuyến đi chơi nào sau kỳ thi, nhưng lại có tình yêu thương dành cho đứa con trai đầu lòng, luôn sốt sắng, lo lắng cho con nên thường xuyên tẩm bổ trong suốt giai đoạn ôn thi.

“Thực ra, em không thần tượng duy nhất một người nào cả, đôi khi những con người mà em được đọc được nghe, với tấm gương vượt qua khó khăn mặc cảm cũng trở thành thần tượng của em; những người bạn đồng trang lứa chung lớp chung trường cũng là thần tượng của em; những người lao động, sống san sẻ thân thiện cũng là thần tượng của em; những người nông dân dầm mưa dãi nắng để làm việc giữa đồng cũng là thần tượng; đôi khi em thần tượng cả những lớp đàn em trong trường khi các bạn ấy đã hoàn thành những điều mà em không làm được…

Tuy nhiên, người truyền cảm hứng cho em lại chính là ba mẹ. Ba mẹ em không học cao hiểu rộng, nhưng trong mắt em, ba mẹ thật tuyệt vời, ba mẹ dạy em cách sống tử tế đàng hoàng, nêu cao giá trị tri thức, không đặt nặng tiền bạc hơn tình cảm”, tân thủ khoa thẳng thắn bày tỏ.

Cậu học trò lớp 12A9 tiếp tục giãi bày: “Thực ra mà nói, đây có thể là kỳ thi quan trọng nhất của đời người, bởi nó sẽ là tiền đề để định hướng tương lai, nên em cũng cảm thấy có không ít áp lực.

Tuy nhiên, áp lực thì áp lực, em không để điều đó lấn át tâm trí của mình, biến áp lực thành động lực. Thường thì em sẽ chia sẻ với ba mẹ, thầy cô và bạn bè, mọi người luôn ủng hộ động viên em và tin tưởng nên mỗi lần tâm sự, em như được trút bỏ gánh nặng.

Em tìm đến những sở thích của mình, giải trí , hoặc nghỉ ngơi, tán gẫu với bạn bè, đôi khi “lê la” thưởng thức đặc sản Tây Ninh để giải toả căng thẳng. Sở thích của em thì nhiều lắm, nghe nhạc rap , đọc truyện tranh, chơi game online, chơi rubik, chơi guitar...”.

Phúc Đạt còn một sở thích đặc biệt mà ít học sinh nào nghĩ đến, đó là ngắm hoàng hôn: “Mỗi khi đi học về qua cánh đồng gần nhà, em sẽ chạy chậm hoặc dừng lại để nhìn hoàng hôn, rồi bất chợt em suy nghĩ: “Chúng ta vội vã cả một ngày dài rồi, nên cũng có lúc sống chậm lại, nhìn ngắm mây trời dần buông về chiều, đó cũng là cách giải toả áp lực”.