Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Nguyệt – Trưởng phòng quản lý du lịch (sở Văn hóa-Thể Thao & Du lịch tỉnh Thanh Hóa) - cho biết: “Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 925 cơ sở lưu trú du lịch với 41.300 phòng; 26 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành được cấp phép (07 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 16 doanh nghiệp lữ hành nội địa; 02 chi nhánh du lịch; 01 đại lý du lịch) và hàng trăm đơn vị kinh doanh nhà hàng, vận chuyển khách du lịch. Tình hình dịch bệnh đã làm cho nhiều doanh nghiệp du lịch khó khăn, hoạt động ngưng trệ: nhà hàng, vận chuyển du lịch và các dịch vụ du lịch khác bị đóng cửa, ngừng hoạt động; các cơ sở lưu trú du lịch và doanh nghiệp lữ hành bị hủy phòng, hủy lịch đặt tổ chức sự kiện, hủy tour…”.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn thế giới, ngành du lịch quốc tế cũng như trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt từ giữa tháng Ba, gần như bị ngưng trệ. Ông Phạm Văn Bảy – Phó giám đốc Vietravel (chi nhánh tại Hà Nội) cho biết: “Dịch Covid-19 bùng phát khiến toàn ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, các hoạt động của doanh nghiệp du lịch lữ hành bị tê liệt hoàn toàn trong nhiều tháng. Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ bước đầu nới lỏng cách ly xã hội và cho phép mở cửa lại các điểm du lịch, tham quan phục vụ du lịch nội địa đã giúp các doanh nghiệp làm du lịch lữ hành có cơ hội hồi sinh sau thời gian dài bị ngừng hoạt động”.
Theo ông Bảy, việc cho phép mở cửa du lịch nội địa mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp làm du lịch lữ hành để có thể cạnh tranh "miếng bánh" thị phần. Thị trường khách inbound (du lịch trong nước) và outbound (du lịch nước ngoài) chưa thể khai thác nên phân khúc nội địa sẽ là phân khúc mà tất cả các đơn vị du lịch phải tập trung hướng đến.
Điều đó đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp làm du lịch lữ hành cần nghiên cứu và tìm hiểu về thị trường và nhu cầu thị trường để đưa ra cách kích cầu, khuyến mãi riêng để thu hút khách du lịch. Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, đại diện tổng cục Du lịch (bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) cho biết những khó khăn ngành du lịch đang gặp phải: “Dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động của ngành Du lịch. Do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nên một số nhiệm vụ quan trọng của Ngành du lịch năm 2020 phải tạm dừng, thay đổi, một số chương trình xúc tiến du lịch quốc gia cũng đã phải tạm dừng. Việc hoãn, hủy các sự kiện này ảnh hưởng lớn đến hoạt động xúc tiến quảng bá, kế hoạch làm việc của các địa phương, doanh nghiệp”. “Tình hình dịch bệnh trên thế giới còn hết sức phức tạp nên việc kinh doanh lữ hành quốc tế trước mắt chưa thực hiện được, hoạt động của doanh nghiệp du lịch nhìn chung còn cầm chừng, rất khó khăn. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch vừa và nhỏ khó khôi phục trở lại do thiếu vốn để thực hiện được chính sách ưu đãi, giảm giá mạnh và xây dựng các sản phẩm du lịch mới để thu hút khách du lịch” vị đại diện tổng cục Du lịch thông tin.
Phía Tổng cục du lịch cũng cho biết, bênh cạnh những khó khăn, ngành du lịch nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi hoạt động kinh doanh du lịch. Dự báo quá trình phục hồi toàn bộ các hoạt động du lịch của Việt Nam bao gồm 4 giai đoạn: Giai đoạn đầu chỉ diễn ra hoạt động du lịch nội địa, Giai đoạn hai, thí điểm đón khách quốc tế (trên cơ sở trao đổi khách song phương giữa một số quốc gia đảm bảo an toàn phòng chống dịch); Giai đoạn ba, mở rộng số quốc gia, khu vực thực hiện trao đổi khách quốc tế và cuối cùng các hoạt động cả quốc tế và nội địa diễn ra bình thường.
Các doanh nghiệp ngành du lịch cần chuyển động để thích ứng
Theo nhận định của Tổng cục Du lịch (bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) sau đại dịch, ngành du lịch mở ra những xu hướng mới cần các doanh nghiệp chuyển động thích ứng, du lịch an toàn trở thành mối quan tâm hàng đầu của du khách cùng với đó xu hướng lựa chọn điểm đến gần, du lịch ngắn ngày theo các nhóm nhỏ và du lịch cá nhân. Trong bối cảnh dịch bệnh tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát nhưng tại các thị trường Châu Âu, châu Mỹ và cả các nước trong khu vực dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thị trường du lịch nội địa có khả năng phục hồi nhanh hơn, đây cũng là một trong những yếu tố thuận lợi cho quá trình hồi phục du lịch Việt Nam.
Đ.T