Người dân vùng lũ quét mong chờ được di dời đến nơi an toàn

Anh Ngọc

Những nhà bị nước cuốn trôi thì phải đi ở nhờ, còn gia đình may mắn không bị mất tài sản cũng phải sống thấp thỏm trước nguy cơ sạt lở. Tất cả mọi người vẫn đang ngóng chờ nơi ở mới an toàn.

Đi không được, ở lại cũng không an tâm

Hơn 2 tháng sau trận lũ quét, những gì còn lại trong ngôi nhà của anh Lâm Văn Hợi, trú bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vẫn là sự đổ nát, những cột gỗ xiêu vẹo nằm cạnh khe suối Huồi Giảng.

Dòng nước đã hiền hòa trở lại, người dân đã có thể lội từ bên này sang bên kia bờ. Thế nhưng, khung cảnh tan hoang, mái ngói rơi vỡ, đất và đá án ngữ trong nhà anh Hợi,… là sự thật tàn khốc nhất của trận lũ quét ngày 2/10/2022.

“Lũ về buổi sáng nên cả nhà gồm 6 người, trong đó có 1 trẻ nhỏ chỉ kịp ôm nhau chạy thoát thân. Chúng tôi chẳng mang tài sản gì cả vì lúc đó tính mạng là quan trọng nhất. Khi đến chỗ cao ráo nhìn lại thì nước đã ngập vào tận nóc. Chưa bao giờ tôi chứng kiến trận lũ khủng khiếp như vậy”, anh Hợi nhớ lại.

Lũ qua đi nhưng cũng mang toàn bộ tài sản trong nhà anh Hợi đi theo dòng nước. Ngôi nhà trống trơn, chỉ còn cột nhà với bùn đất. Vì vậy, anh phải đưa gia đình đi ở nhờ nhà người thân.

Bản Hoà Sơn có 244 hộ dân, đồng bào dân tộc Thái chiếm hơn 80%. Sau lũ, bản làng hoàn toàn bị biến dạng, nhiều ngôi nhà rất khó xác định vị trí chính xác vì đã nằm trọn trong dòng khe Huồi Giảng.

Hiện nay nhiều gia đình phải dựng nhà tạm ở để chờ tái định cư.

Theo thống kê, bản Hoà Sơn có 35 ngôi nhà của người dân bị lũ cuốn trôi và làm đổ sập. Cũng vì vậy có tới 135 hộ dân rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”.

Anh Vi Văn Truyền, Trưởng bản Hòa Sơn cho biết, một số phải đi ở nhà người thân, nhưng cũng có rất nhiều người phải làm nhà tạm để che mưa che nắng.

"Nhà tạm dựng sơ sài bằng tre nứa và tấm bạt nên khi mùa đông về thì rất lạnh. Cũng may, sau lũ, các đoàn từ thiện đã trao tặng nhiều nhu yếu phẩm nên người dân bị mất nhà giờ cũng không quá thiếu thốn. Tuy nhiên ai cũng muốn có một ngôi nhà để ở”, Trưởng bản Hòa Sơn nói.

Hơn 20 gia đình nằm chân núi bị đứt gãy nghiêm trọng.

Nằm cách xa con suối Huồi Giảng nên may mắn không bị ảnh hưởng trong trận lũ quét, nhưng hơn 20 ngôi nhà ở bản Hòa Sơn nằm ôm chân núi cũng không thể ở được nữa do nguy cơ sạt lở.

Chỉ vào những vết nứt lớn trên các bức tường, ông Đinh Nho Thành, bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, cho biết nếu mưa dài ngày nữa thì khả năng ngôi nhà sẽ bị đổ sập. “Dãy núi hình vòng cung ôm trọn bản Hòa Sơn đã bị đứt gãy, với lượng mưa tiếp tục như thời gian vừa qua thì toàn bộ quả núi sẽ đổ xuống. Để đảm bảo an toàn, gia đình tôi đã sơ tán toàn bộ tài sản và con người đến ở nhờ bà con trong bản”, ông Thành nói.

Con đường dưới chân núi đã bị hư hỏng nghiêm trọng.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của nứt, sụt lún núi đã làm tuyến đường nhựa từ thị trấn Mường Xén đi xã Tây Sơn, đoạn đi ngang qua địa bàn bản Hòa Sơn bị nứt nẻ, mặt đường bị đùn lên có nơi cao gần 50cm. Sau khi phát hiện sự việc, chính quyền địa phương đã vận động người dân di dời đến ở tạm tại các gia đình đang an toàn trong bản.

Ông Vi Văn Mằn, Chủ tịch UBND xã Tà Cạ cho hay, vài ngày sau trận lũ quét, nhiều ngọn núi ở xã này bắt đầu nứt toác, sạt lở. Tà Cạ có 11 bản thì 8 bản đã xuất hiện các vết nứt, trong đó 4 bản có nguy cơ sạt lở rất cao. Ở một số bản, đất đá sạt lở đã làm sập nhà dân, buộc hàng chục hộ phải di dời khẩn cấp.

Trận lũ quét lịch sử đã khiến hàng trăm gia đình rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất".

Khẩn trương triển khai phương án tái định cư

Theo ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, toàn bộ khu vực bản Hòa Sơn hiện nay đều nằm trong diện báo động đỏ. Huyện đã làm việc trực tiếp với UBND xã Tà Cạ, Ban quản lý bản Hòa Sơn đã thống nhất, trong trường hợp trời mưa to, chủ động, kiên quyết đưa các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao. Về lâu dài, phải lập dự án tái định cư cho các hộ dân, tuy nhiên trong điều kiện ngân sách của địa phương còn hạn chế, huyện sẽ đề nghị tỉnh có phương án hỗ trợ.

“UBND huyện đã khảo sát, tìm được một khu đất rộng chừng 10ha cách khu vực sạt lở chừng 1km để làm khu tái định cư cho người dân, giúp họ ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, kinh phí để làm khu tái định cư này ước tính hơn 70 tỉ đồng. UBND huyện đang trình UBND tỉnh Nghệ An để sớm có nguồn kinh phí thực hiện dự án khu tái định cư”, ông Rê nói.

Dự kiến khu tái định cư ở bản Cầu Tám, xã Tà Cạ.

Dự kiến, khu tái định cư sẽ nằm tại bản Cầu Tám, xã Tà Cạ, với tổng diện tích gần 13 ha, đủ để bố trí tái định cư cho 225 hộ dân. Khi UBND tỉnh phê duyệt dự án, huyện Kỳ Sơn sẽ tiến hành xây dựng ngay các hạng mục cần thiết: xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tự chảy; điện sinh hoạt; nhà văn hóa bản; đường nội bộ, mương thoát nước dọc, ngang… để sớm bố trí tái định cư cho bà con ổn định cuộc sống lâu dài.

Do số tiền quá lớn nên UBND huyện Kỳ Sơn đề xuất tỉnh, tách dự án tái định cư thành 2 giai đoạn, thuộc 2 nguồn vốn đầu tư khác nhau: Nguồn dự phòng của tỉnh và nguồn vốn của quỹ thiện tâm.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và huyện Kỳ Sơn kiểm tra khu vực sạt lở.

Hiện nay, số hộ đã bị lũ cuốn trôi nhà và sập nhà vẫn đang phải ở nhà người thân, hoặc thuê nhà để ở. Do vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là tỉnh cần sớm ban hành lệnh công bố thiên tai khẩn cấp, khi đó khu tái định cư mới được ưu tiên tối đa để huyện tiến hành triển khai xây dựng khu tái định cư kịp tiến độ, sớm bàn giao mặt bằng cho dân làm nhà, ổn định cuộc sống.

Trong chuyến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ tại huyện Kỳ Sơn, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý kiến nghị của huyện Kỳ Sơn thống nhất xây dựng khu tái định cư thành 2 giai đoạn, theo 2 nguồn vốn đầu tư. Huyện khảo sát lại hộ dân cần tái định cư và tham khảo ý kiến của người dân. Phó Chủ tịch tỉnh cũng đề nghị huyện và ngành nông nghiệp rà soát rõ nguồn gốc khu đất tái định cư một cách cụ thể, để báo cáo tỉnh.

Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn, trận lũ quét vào ngày 2/10/2022, đã khiến cho 1 người tử vong; 55 nhà bị thiệt hại hoàn toàn; 49 nhà thiệt hại từ 50%-70% ; 61 nhà thiệt hại từ 30%-50%; 123 nhà thiệt hại dưới 30%; 64 nhà bị ngập nước dưới 1m; 269 nhà phải di dời khẩn cấp. Ngoài ra, lũ còn gây thiệt hại nhiều đối với lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, nước sạch, điện... Tổng thiệt hại do lũ gây ra ước tính 215 tỷ đồng.

A.N