Trong bối cảnh kinh tế của hầu hết các nước trên thế giới đều có mức tăng trưởng âm vì chịu tác động nặng nề từ dịch Covid -19, Việt Nam lập kỳ tích với mức tăng trưởng dương. Đây thực là một kết quả đáng tự hào, dẫu vẫn cần nhiều nỗ lực của toàn thể đất nước nhằm phát huy thành tựu này.
Dữ liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tăng trưởng kinh tế cả nước trong quý III/2020 ước tính đạt 2,62%, cao hơn nhiều mức tăng 0,39% của quý II và nhờ đó giúp GDP cả nước trong 9 tháng đạt mức tăng 2,12%. Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận đây vẫn là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ngân hàng Thế giới dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 2,8% trong năm 2020 và sẽ hồi phục về mức 6,7% trong năm tới. Tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P Global Ratings dự đoán, Việt Nam sẽ là quốc gia có phát triển cao nhì trong số các nền kinh tế tại châu Á trong năm nay.
ASEAN đang là thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN .
Những con số này thực ấn tượng và đáng tự hào khi mà các nền kinh tế thậm chí rất lớn của thế giới vẫn đang chìm trong mức tăng trưởng âm. Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 24/6/2020 cho biết, kinh tế toàn cầu có thể phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930 và có thể tăng trưởng âm 4,9% trong năm 2020, không loại trừ cả các nước ASEAN vốn có tốc độ tăng nhanh nhất thế giới hàng năm.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng âm 7% trong năm 2020, còn khu vực Eurozone tăng trưởng âm 9%. Kinh tế Italy, Pháp và Anh có thể suy giảm tăng trưởng đến hơn 11%.
Thành tựu của Việt Nam được ngợi ca trên nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Asia Times đánh giá cao nỗ lực chống dịch và phục hồi kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Covid-19 bao trùm toàn cầu.
Tương tự các nước láng giềng, nền kinh tế Việt Nam cũng gặp khó khăn sau nhiều tháng chiến đấu với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một ngoại lệ nhờ vào việc ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, với sự tăng trưởng ấn tượng, trang Asia Times nhận định.
Hiệu quả trong việc kiểm soát dịch bệnh đã đưa Việt Nam trở thành nơi an toàn cho các doanh nghiệp quốc tế tới làm ăn kinh doanh cả trong và sau cuộc khủng hoảng Covid-19. Theo cuộc nghiên cứu do tổ chức Deep Knowledge Group của Hong Kong công bố, Việt Nam là nơi an toàn thứ 9 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong lúc dịch bệnh bùng phát, trang tin diễn giải.
Theo Asia Times, nếu vẫn duy trì được động lực phát triển như hiện tại, Việt Nam sẽ trở thành ngôi sao sáng trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu, mở đường cho việc trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu đề ra.
Trước đó, hồi cuối tháng 8, khi nhắc đến thành tựu phát triển kinh tế trong đại dịch của Việt Nam, tờ Jerusalem Post nhận xét: “Dù Việt Nam không tránh khỏi bị ảnh hưởng từ dịch bệnh nhưng triển vọng hồi phục kinh tế của Việt Nam rất tích cực và “tươi sáng nhất châu Á”. Ngoài ra, Việt Nam được đánh giá là có vị thế tốt để thu hút chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng dương cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, của Chính phủ cùng với sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Những nỗ lực của toàn thể đất nước ta đã được đền đáp xứng đáng. Dẫu vậy, cùng với niềm vui, chúng ta vẫn cần phải nỗ lực hơn rất nhiều để tiếp tục tỏa sáng trên trường quốc tế. Khát vọng hùng cường trở lại sau đại dịch đang là động lực với quyết tâm cao độ tạo sức mạnh chiến thắng dịch bệnh.
Thu Hương
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin Pháp Luật.