Người đàn ông với chiếc khuôn bánh trung thu có tuổi

Có một mùi hương rất quen thuộc trên mái tóc hoa râm của người đàn ông đã đi qua nửa cuộc đời. Mùi gỗ xà cừ. Thứ chất liệu đã gần bốn mươi năm theo ông rong ruổi trên các con phố sầm uất mỗi độ tháng Tám về.

thôn Thượng Cung (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội) ai cũng biết đến nghệ nhân Trần Văn Bản – người thổi hồn vào những khuôn bánh trung thu truyền thống bằng gỗ khắc.

Đến gặp ông Bản vào một ngày cận dịp lễ Trung Thu, trời dần dần chuyển tiết, lờ mờ trên mái nhà những mảng sương trắng mang theo chút heo may với mùi xà cừ quen thuộc. Đưa tay kéo tấm mành tre, chút tia nắng sớm xuyên mình qua kẽ hở để lại trên khuôn bánh trung thu những ô tròn khó định dạng. Với miếng khăn được cài cẩn thận trên khe tủ, ông Bản đeo chiếc kính, cứ thế nâng niu, lau tỉ mỉ từng góc cạnh, cán chuôi, phôi mẫu của những khuôn bánh đã theo ông nhiều thập kỷ. Căn nhà ngổn ngang đục, đẽo, kìm, dùi với các kích cỡ khác nhau. Những mảnh gỗ vô hình dang dở trầm ngâm tịch mịch như muốn giãi bày tâm sự, mùi bồ kết hun thoang thoảng từ chiếc sập gỗ kê sát vách nhà.

Một buổi sáng bình dị bắt đầu như bao ngày, người vợ tào khang của ông Bản lại sắm nắm bếp núc, quẩn quanh với đàn gà mái mơ béo núc ních, bà xắn ống quần đến bắp chân, đưa đôi tay thoăn thoắt ném những vụn gạo cho đàn gà háo mồi. Phía sau gian nhà í ới tiếng gọi đánh thức hai đứa nhỏ của anh con cả. Đứa út phụng phịu nhìn ông bố già hồi lâu rồi nhoẻn miệng cười chạy ra sân vác từng ván gỗ xếp ngay ngắn.

Khẽ mỉm cười với bình minh, nhấp ngụm nước vối còn thơm mùi sớm, ông Bản trầm ngâm: “Nhà tôi hồi ấy bé lắm, căn nhà vách đất ba gian không đủ ở. Hồi ấy có nến là sang lắm rồi. Xung quanh là những mẫu khuôn bánh trung thu cổ mà tổ tiên truyền lại có cái hàng trăm năm. Năm ấy tôi mới mười mấy tuổi, đen nhẻm gầy gò, ăn chẳng đủ, cứ theo ông bà chạy từng bữa. Mới đầu nghĩ nghề chỉ làm kế sinh nhai. Rồi qua ngày đoạn tháng nghe tiếng đục đẽo, cứ thế dần ăn sâu vào máu, thầm nghĩ cái nghề cổ truyền không thể để nó mai một được”.

Ông tiếp chuyện: “Bây giờ nhớ lại thương lắm. Hồi ấy khó khăn chứ đâu nhiều máy tiện như bây giờ. Xẻ từng thân gỗ xà cừ hơn trăm tuổi bằng hai bàn tay. Các công đoạn đục, tạo khuôn đều làm thủ công hết, có những ngày đục xuyên cả vào móng vì khuôn bé mà sâu, cắn răng lấy lá dấu dịt vào rồi lại gõ đục tiếp. Mà khó nhất là khi mài đế. Bây giờ có máy tiện còn nhanh, chứ thời xưa có khi cả buổi mới mài xong, còn để ưng ý thì phải sang ngày thứ hai”.

Ông nói tự hào rồi tự tay treo lại các mẫu khuôn trên giá, những khuôn cổ hàng trăm tuổi chắc như bàn thạch nhưng nét đẹp bởi đường trang trí, hoa văn vẫn còn nguyên giá trị.

Trên chiếc kệ gỗ lim, vài chiếc đinh tán được cố định chắc chắn, những chiếc khuôn bánh treo chen nhau trên những sợi dây thép, chốc chốc va vào nhau lộp cộp thoạt trông như bộ cổ âm thời Tây Hán. Cổ kính oai nghiêm pha chút huyền thoại.

Nhìn vào khoảng không pha lẫn mùi gỗ xà cừ hong gió, ông Bản nhớ lại lần chuyến hàng định mệnh từ nhà lên thị xã Sơn Tây cũ. Ông bồi hồi kể lại: “Dự báo đài phóng thanh rằng có bão sắp về. Tôi trông trời đã chuyển màu rồi, mây xám đỏ đen kịt. Bấm bụng định ở nhà cho yên tâm nhưng cô biết đấy, tính tôi không thích trễ hẹn với người đặt. Họ có tin mình họ mới nhờ đến mình. Trừ khi mình không thể đi được, chứ làm nổi thì kể cả bão to hay to hơn tôi vẫn phải đúng hẹn. Cứ thế tôi chất hai bao tải khuôn bánh mới làm lên sau yên xe 81. Đi đến giữa triền đê tôi bị sét đánh tưởng chết”. Ông Bản thở hắt ra tiếp câu chuyện: “Trong khoảnh khắc mập mờ giữa sống và chết, tôi chỉ kịp liếc qua chiếc áo sơ mi cũ rách cuốn vào gầm xe chết máy. Một bên cánh tay cháy sém, tê liệt, bỏng đỏ. Tôi lịm dần. Càng cố gắng gắng gượng, tôi càng không dậy nổi. Trong cơn mê sảng, hai tay tôi cố nắm chặt chiếc khuôn hoa sen vào ngực. Tôi không sợ chết mà là tôi sợ mình bất lực khi nghĩ rằng có lẽ từ nay về sau không thể cầm đục để tạo nét trên những bản gỗ xà cừ.

May sao, tổ tiên còn thương xót không cho tôi “xuống hầu” sớm, cơn hoạn nạn qua đi, vài tháng sau nhờ trị liệu tôi lại bắt đầu cầm lại chiếc dùi chạm, gắng gượng từng đường nét nhỏ nhất. Nghĩ đến giờ vẫn còn run”.

Ngồi bên cạnh người đàn ông ấy hồi lâu, tôi nhận ra đôi tai của ông nghe không được tốt. Chắc có lẽ đó là cái dấu cuộc đời khắc nhớ về một kỷ niệm kinh hoàng chẳng thể quên.

Để làm nên cái hồn của tác phẩm chạm khắc khuôn bánh trung thu truyền thống không phải điều đơn giản. Từ những nhỏ nhặt nhất cũng phải tỉ mỉ, cẩn trọng.

Gỗ để làm khuôn phải là gỗ xà cừ đỏ hàng trăm tuổi, sau khi xẻ về để hong khô, chia thành từng tấm vuông dựng sau xưởng. Công đoạn tạo khuôn phải chuẩn xác từng milimet, người làm có “tâm” sẽ không để “dụng” làm hoen ố những tác phẩm của mình. Tiếp đến là định hình khuôn, chia ô để tiện khắc. Ô chia phải vừa vặn, đều đặn để khi bánh được đặt vào khuôn không bị méo, lúc nướng phải vàng đều. Họa tiết khắc phải sắc nét, có chiều sâu vừa phải bởi nếu lệch sẽ khiến tổng thể bánh không đẹp mắt, dễ vỡ. Cuối cùng là công đoạn trà giấy nhám để làm mịn khuôn, lực dồn cánh tay phải bằng lực bàn tay, bởi nếu mạnh quá sẽ làm mất độ bóng của vân gỗ. Cứ thế mài hàng trăm lần cho đến khi nào cả khuôn bánh mềm mại, cong thon trùng vành mặt trăng tháng Tám, ấy là lúc đạt yêu cầu.

Một mình với hai bao tải khuôn bánh chở từ xã Tiền Phong, Thường Tín lên tận Hàng Quạt, Hàng Mã, tới mọi ngóc ngách làng nghề.

Ban đầu điều ông nhận được là sự từ chối vì những người khách lạ không tin chính ông là tác giả của những tác phẩm sắc nét kia. Cứ thế vài năm kiên trì, giọt mồ hôi thấm đẫm không thể đong đếm được trên vai áo của người đàn ông quá tuổi trung niên. Miệt mài đến tận bây giờ, ông trở thành người bạn đường đáng mến không chỉ của các nhãn hàng có tiếng mà còn là tấm thẻ đáng tin của mọi hiệu bánh trung thu gia truyền.

Dưới bàn tay tài hoa, những nét chạm hiện lên như lân phượng, hài hoà uyển chuyển như tấu khúc tứ bình. Tùng cúc trúc mai, long lân quy phượng, cá chép ngậm trăng rồi cả những loài hoa hàng ngày cũng trở nên huyền diệu dưới đôi bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ ấy. Chai sạn, sần sùi, có những thời điểm vân tay mờ đến không in được để làm chứng minh thư. Ấy mới biết sự yêu nghề và nhiệt huyết của ông lớn đến nhường nào.

Ba mươi lăm năm gìn giữ, không phút giây nào người nghệ nhân ấy nghỉ ngơi bởi tình yêu và sự trăn trở canh cánh ở trong lòng: Thời thế vạn biến xoay vần, những gì đi qua sẽ ở trong tâm tưởng, một mai cái nghề cha ông này qua đi liệu còn đọng lại chút gì trong quên lãng?

Trí nhớ tốt có thể là một điều tốt nhưng sự lãng quên mới là điều lớn lao.

Thế giới hiện đại dần xâm lấn làng quê mang theo những ánh đèn công nghiệp sáng trưng, những cột khói khổng lồ cùng những dịch vụ nhanh chóng. Chẳng còn ai đủ kiên nhẫn để ngồi cả ngày tỉ mỉ từng chi tiết với những khuôn bánh trung thu truyền thống. Bởi người ta có thể dễ dàng tìm mua những khuôn bánh gia công bằng nhựa dập hoa nổi bày bán tràn lan.

Trong một căn nhà nhỏ nằm khiêm tốn cuối cổng làng, bóng nhỏ đổ liêu xiêu của ông nghệ nhân già in trên tường gạch. Tôi bất giác nhớ đến hình ảnh trăm năm cô đơn trong chốn phù hoa hội chợ.

Người nghệ sĩ say mê đi tìm vẻ đẹp của một thời vang bóng, khắc khoải ôm những thước vẽ huyền kỳ trên khuôn bánh trung thu cổ truyền giữa mưu sinh hiện đại - nơi kỷ nguyên công nghệ dần lấn át những giá trị thủ công.

Nhưng dù có khuôn nhựa bánh tàu thì thứ hương xà cừ quyện với khói nướng đặc trưng, không bao giờ trở thành điều muôn năm cũ.

“Tôi nhắc nhở các cháu rằng ở đời không có chuyện không công bằng, chỉ có tâm không công bằng mà thôi. Hãy sống một cách không hờn, không trách, không hận, mọi chuyện đều không để ý thì tâm sẽ bình yên. Cho dù là say, là mê hay tỉnh cũng đều đã trôi qua, nên hãy quên đi…Quý trọng điều trước mắt mới là hạnh phúc” – ông nhìn tôi mỉm cười sau đôi mắt buồn.