Phụ nữ Việt Nam đồng loạt thành "hoa hậu": Vì sao đàn ông chúng tôi bức xúc?

Nói không ngoa khi Việt Nam có lẽ là quốc gia chuộng cái đẹp nhất thế giới, mà đặc biệt là tôn vinh cái đẹp của người phụ nữ bằng các cuộc thi hoa hậu. Về kinh tế, Bloomberg có thể xếp chúng ta đứng sau hàng chục các quốc gia khác, nhưng về số người đẹp đăng quang, Missosology sẵn sàng xếp Việt Nam ở tốp đầu.

Dù chưa từng tổ chức một diễn đàn kinh tế toàn cầu, một cuộc thi về tài năng, kiến thức quy mô tầm cỡ quốc tế nào, nhưng về các cuộc thi sắc đẹp quy tụ cả trăm quốc gia thì chúng ta đã vinh dự là chủ nhà của đủ thể loại, từ Miss World đến Miss Universe, chưa kể đến hàng chục cuộc thi “cây nhà lá vườn”.

Tranh cãi về việc có quá nhiều cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam đã nổ ra từ nhiều năm qua. Người ta đã bàn nhiều đến hệ lụy tích cực và tiêu cực của sự phổ cập sắc đẹp toàn dân, những lời kêu gọi phân loại và hạn chế cấp phép, nhưng rồi các cuộc thi vẫn cứ tăng dần về số lượng. Người người nhà nhà đều là “hoa hậu”, “nữ hoàng”, đôi khi chẳng thấy còn người phụ nữ nào là xấu xí.

Trong thời kỳ hoàng kim 10 năm của các cuộc thi sắc đẹp, những cái tên lên ngôi để lại nhiều dấu ấn có lẽ là quá hiếm hoi. Đây đó lác đác một vài gương mặt chăm chỉ đi từ thiện, tham gia các hoạt động xã hội đúng nghĩa, còn hầu hết đều thấy im hơi lặng tiếng, thỉnh thoảng tham gia sự kiện đút túi trăm triệu, rồi lại về ở ẩn, nói là nhường sân chơi cho đàn em.

Hoa hậu vốn gắn liền với đại gia như một cặp môn đăng hộ đối. Điều này cũng xuất phát từ việc gần như các hoa hậu hay nữ hoàng sắc đẹp thường kết đôi với những đại gia có tiếng, khiến nhiều người vẫn xì xào rằng thi thố cũng chỉ là đòn bẩy để giúp các cô gái có một cuộc sống danh tiếng và vương giả hơn.

Trên thực tế, với sắc đẹp, cùng “nhân cách” rạng ngời, các cô gái đăng quang có quyền lựa chọn những người đàn ông tài năng, tương xứng với mình.

Nhưng nó cũng có những mặt tối ẩn sau cái sự tôn vinh đẹp đẽ kia, khi có những cô gái ngay từ đầu đã muốn tìm kiếm sự đổi đời bằng cách tìm đến các cuộc thi sắc đẹp, chứ không phải vì hướng tới những tôn chỉ cao cả như ban tổ chức đề ra.

Ai cũng hiểu rằng có cầu ắt sẽ có cung, đâu phải cái gì cũng tự nhiên sinh ra. Càng nhiều người muốn thành hoa hậu, các cuộc thi “đẻ” ra càng nhiều.

Đấy là ở các cuộc thi hoa hậu uy tín lâu năm, còn ở các cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ “ao làng”, mọi thứ còn phô diễn theo cách nhảm nhí, nực cười.

Để tổ chức một cuộc thi sắc đẹp quá dễ. Các cuộc thi có tên tuổi rồi thì không nói. Nhưng các cuộc thi tự quy mô nhỏ thì quá đơn giản. Chỉ với công thức Nữ hoàng sắc đẹp + ngành nghề + Việt Nam (hoặc quốc tế) là có ngay một cái tên nghe khá kêu để gọi tên người đăng quang.

Các cuộc thi này chỉ tổ chức ở một hội trường nhỏ, không thấy thông báo đăng ký, không có các hoạt động họp báo, truyền thông bên lề, thậm chí còn chẳng biết phát sóng ở đâu, chỉ thấy bỗng dưng tuyên bố kết quả. Hoa hậu cũng khóc, cũng đẹp rạng ngời, cũng cảm ơn đấng sinh thành như ai đó.

Người ta vẫn thường mô tả các cuộc thi như vậy chỉ có 5 thí sinh tham gia, 3 người mua giải ngay từ đầu chia nhau ngôi vị hoa hậu, á hậu 1, á hậu 2, còn 2 thí sinh còn lại thì là người của ban tổ chức đóng giả. Thế mới có cảnh những cô hotgirl thị phi lộ clip khoe thân, hay “cô dâu 62 tuổi” cũng tự tin đi khoe sắc để giật giải.

Các cuộc thi này sinh ra vì nhu cầu sở hữu danh hiệu của nhiều cô gái. Đôi khi chỉ là phục vụ cho công việc kinh doanh cơ sở thẩm mỹ, đa cấp, đánh bóng tên tuổi, chen chân vào showbiz, lấy le với xã phường thị trấn, tổ dân phố, cơ quan…

Với những khán giả còn tù mù về các cuộc thi sắc đẹp, nghe danh người này người kia được quảng cáo là hoa hậu, là nữ hoàng thì trong lòng ít nhiều cũng cảm thấy ngưỡng mộ đôi chút.

Chúng ta vẫn thường nói “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, “cái nết đánh chết cái đẹp”, nhưng thật sự “cái đẹp đang đè bẹp cái nết”. Thi đẹp thì nhiều nhưng thi về tài năng, đạo đức, kiến thức, nhân văn thì hiếm như vết tàn nhang trên mặt hoa hậu.

Thậm chí, sắc đẹp cũng che lấp mọi chủ đề trên phương diện truyền thông. Báo chí có thể đăng tải thông tin không sót chút nào về các ứng cử viên tham gia cuộc thi hoa hậu đình đám năm nay, các bài phân tích cơ hội thắng kỳ công hơn cả luận văn tiến sĩ, soi kỹ đến từng sợi chỉ trên thớ vải, cây son ứng viên A dùng là của hãng gì, nhưng một tin người tốt việc tốt xảy ra trong xã hội thì gần như quá hiếm hoi.

Người ta vẫn nửa đùa nửa thật rằng, đàn ông Việt Nam cũng bức xúc vì có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp dành cho phái nữ. Họ cảm thấy tổn thương vì có sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng giới ngay giữa thế kỷ 21. Đàn ông cũng có nét đẹp của đàn ông, mà các cuộc thi về sắc đẹp dành cho họ lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ấy là nghịch lý.

Về cơ bản, các cuộc thi hoa hậu không hề xấu, vì nếu xấu nó đã bị cấm ngay từ đầu. Nhưng nó khiến cho khán giả “bội thực” và nhàm chán.

Giờ đây, các cuộc thi chỉ đang phục vụ cho những toan tính của thí sinh hay ban tổ chức, thay vì đáp ứng nhu cầu của khán giả. Nó gây ra nhiều tranh cãi, từ mua giải cho đến hoa hậu có lối sống không đạo đức.

Cho đến lúc này, sắc đẹp chưa phải là giá trị bị tẩy chay (có lẽ là không bao giờ) và các cuộc thi hoa hậu sẽ vẫn sống khỏe, nhưng rốt cuộc cái gì ít thì quý, còn nhiều sẽ chẳng mấy ai trân trọng. Sau cùng, khán giả sẽ dần thờ ơ và chuyển sang các “món ăn” ngon hơn, dư vị đậm đà, ý nghĩa hơn. Vì đẹp, rốt cuộc cũng chỉ để ngắm mà thôi.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Thịt lợn đắt gấp đôi, 100 nghìn đi chợ, dâu đảm vẫn nấu được mâm cơm 4 món 5 người ăn

Thứ 6, 20/12/2019 | 09:16
Thịt lợn tăng thì giãn ăn thịt lợn ra, chuyển sang ăn thực phẩm khác. Có cái gì mà các bà nội trợ cứ “sốt xình xịch” lên vì giá thịt lợn thế nhỉ? Không dám nhận mình là phụ nữ đảm đang nhưng những ngày này, cầm 100 nghìn đồng đi chợ, tôi vẫn lo cho gia đình 5 người bữa ăn sung túc 4 món đàng hoàng.

Bụi mịn, ô nhiễm công nghiệp và nỗi oan than tổ ong

Thứ 4, 18/12/2019 | 09:45
Đã gần chục ngày nay, Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc ngập chìm trong bầu không khí ô nhiễm khủng khiếp. Thế nhưng, trong khi toàn dân ngày ngày vẫn phải hít căng lồng ngực thứ không khí bẩn đó thì cơ quan quản lý về môi trường không hề có một biện pháp cấp bách nào.

200.000 USD và quà mừng quan chức

Thứ 3, 17/12/2019 | 14:34
Ngoài số tiền 200.000 USD cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận từ Phạm Nhật Vũ do tưởng là quà mừng, liệu vị Bộ trưởng có theo thói quen mà nhận được món quà nào khác hay không? Và số tiền đó bao năm qua có được kê khai minh bạch trong bản lý lịch hàng năm?

Lương tháng 20 triệu, chồng chìa tay xin vợ 100.000 đồng tiền cà phê

Thứ 3, 17/12/2019 | 08:12
Tôi từng chứng kiến anh ấy chìa tay xin vợ 100 nghìn đồng đi cà phê với bạn mà bà vợ còn ráo hoảnh: “Làm gì mà hết 100 nghìn?”?!

Chuẩn hoa hậu của thế giới đang thay đổi như thế nào?

Thứ 2, 16/12/2019 | 20:00
Mùa hoa hậu 2019 thế giới đã kết thúc với chiến thắng thuộc về hai mỹ nhân da màu ở Hoa hậu Thế giới, Miss Word và Hoa hậu Hoàn Vũ, Miss Universe. Cuộc thi kết thúc nhưng dư vị để lại với nhiều tranh cãi, bởi tiêu chuẩn về hoa hậu đã có sự thay đổi lớn.

Cắt đôi que thử HIV ở Xanh Pôn: Lây truyền "căn bệnh thế kỷ" kiểu mới?

Thứ 5, 12/12/2019 | 20:32
Chiến thắng kép của đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam tại SEA Games có thể khiến dư luận tạm nguôi cơn giận để say men chiến thắng với các cầu thủ, nhưng không vì thế mà vụ vê bối xét nghiệm tại Xanh Pôn chìm đi.