Nhìn nỗi đau vườn chuối, sinh viên “hô biến” giấy xanh bảo vệ môi trường

Cẩm Mịch

Trăn trở về giải pháp bảo vệ môi trường và đau lòng nhìn những vườn chuối “đánh mất” lợi nhuận của người nông dân, nhóm sinh viên tung chiêu sản xuất giấy xanh cho cuộc sống xanh.

Niềm trăn trở vì thu nhập cho người nông dân

Vượt qua hơn 600 dự án, nhóm sinh viên trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh giành giải nhất cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020” (SV-STARTUP 2020) với ý tưởng làm giấy từ cây chuối.

Ngay thời khắc được vinh danh ở vị trí cao nhất, các thành viên tham gia dự án như “vỡ òa” bởi những nỗ lực của cả nhóm đã được ghi nhận và thông điệp vì cuộc sống xanh.

Không giấu nổi niềm vui, sinh viên Lê Thuỵ Tường Vân (trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh) cho biết, nhóm chưa từng dám mơ kết quả này. “Đến tận đêm qua, nhóm đã thức đến 2h sáng để chỉnh sửa và chuẩn bị tốt nhất cho phần dự thi. Tuy trước đó, chúng tôi chưa từng nghĩ dự án sẽ giành giải Nhất, nhưng điều này cũng rất xứng đáng với công sức và sự nỗ lực trong nhiều ngày qua” - Tường Vân cho biết.

Nhắc đến ý tưởng sản xuất giấy xanh từ phế phẩm nông nghiệp, Tường Vân chia sẻ: “Túi nilon là một vật dụng rất quen thuộc với mỗi gia đình người Việt, nhưng lại cực kỳ gây hại cho môi trường bởi tính khó phân hủy. Để bảo vệ môi trường, người ta đã nghĩ đến một sản phẩm thay thế đó là những chiếc túi giấy. Tuy nhiên, để có mọt chiếc túi giấy, người ta thường phải đốn cây để lấy nguyên liệu và chắc chắn không có một tốc độ trồng cây nào theo kịp tốc độ đốn cây.

Vậy nên, chúng tôi mang đến một giải pháp tối ưu, mang tên giấy xanh, đây là loại giấy sử dụng phế phẩm nông nghiệp và sử dụng rất ít hóa chất công nghiệp”.

Sinh viên Trịnh Ngọc Vân Anh (Trưởng nhóm dự án) tiếp lời: “Dự án giấy xanh ra đời với mong muốn tác động tích cực đến 3 lĩnh vực của cuộc sống: môi trường, cộng đồng và kinh tế. Hiện nay, Việt Nam chúng ta có khoảng 60-70 triệu tấn phế phẩm nông nghiệp được tạo ra mỗi năm, 80% trong số đó là không được sử dụng, lãng phí và gây ô nhiễm môi trường. Giấy xanh sẽ giúp giải quyết vấn đề này.

Ngoài ra, chúng tôi mong muốn, việc sử dụng giấy xanh cũng giúp cho cộng đồng nâng cao ý thức về sử dụng môi trường và tạo ra một nguồn kinh tế mới, tăng thêm thu nhập cho người nông dân Việt Nam”.

“Quê tôi ở Tây Ninh, xung quanh nhà trồng rất nhiều chuối, nhưng mỗi khi về quê, tôi đầu nhìn thấy những thân cây chuối xơ xác, trơ trọi. Nhiều khi, chỉ cần có sự cố thiên tai một chút là “thổi bay” thu nhập của người dân. Khi theo dõi thông tin trên báo chí, tôi nhận thấy có những giai đoạn mà người nông dân không thể xuất khẩu chuối ra nước ngoài, đầu tư không có lợi nhuận. Thật đáng thương khi cả năm ròng rã chăm sóc, chỉ trông vào đó mà mưu sinh, cuối cùng lại thành công cốc!

Chính vì vậy, chúng tôi có ý tưởng sẽ tìm ra một con đường có thể hỗ trợ người nông dân vớt vát được phần nào, thu hồi vốn... Ban đầu, người dân thấy chúng tôi chặt hết thân chuối, xung quanh nhà trống huơ trống hoác, không biết chúng tôi định làm gì, chỉ thấy mang theo lên TP.Hồ Chí Minh, thì cũng khá tò mò. Sau khi sản xuất thành công, nhóm chúng tôi chia sẻ về dự án, người nông dân mới biết đến và rất đón nhận” - Vân Anh nhớ lại.

Vì vội vàng mà làm thủng nồi áp suất

Những ngày đầu, nhóm sinh viên vẫn còn loay hoay nghiên cứu để tìm ra kỹ thuật làm giấy, cũng có lúc gặp phải những khó khăn. Vân Anh tiết lộ: “Vì còn đang là sinh viên nên tôi vừa phải hoàn thành các môn học trên lớp, vừa phải tập trung nghiên cứu để tìm ra các loại giấy có chất lượng tốt nhất. Nhiều hôm, chúng tôi phải ở lại phòng thí nghiệm đến tận 22h. Sau đó về nhà phải chuẩn bị cho môn học ngày mai trên lớp.

Hồi đầu, lúc phơi giấy, chưa có nghiên cứu làm sao cho giấy không bị nhăn nhúm, bất mãn muốn bỏ đi hết, giận lẫy, không muốn làm. Trước đó, đã bỏ công sức mấy ngày trước, mà sau khi thành giấy bị rách và nhăn nhúm như giấy vụn.

Chưa kể, lúc nấu cũng xảy ra nhiều sự cố. Trong lúc nấu bột năng thành keo để kết dính giấy, có nhiều khi bất cẩn, tôi bị nước sôi dội vào tay, bỏng nguyên bàn tay, tủi thân muốn khóc… Rồi nhiều khi bất cẩn, nấu mà bị hỏng dụng cụ, vỡ bình thủy tinh là chuyện thường xuyên. Bao công sức làm từ sáng đến chiều mà lại đổ sông đổ biển. Có lúc hụt hẫng muốn bỏ cuộc luôn… ”.

“Đáng nhớ nhất là vào một đêm gần đến ngày thuyết trình cuộc thi SV-STARTUP 2020, chúng tôi gấp rút hoàn thiện nhiều sản phẩm để trưng bày. Trong lúc đó, tôi nảy ra ý tưởng sẽ dùng nồi áp suất để nấu được nhiều hơn, nhưng quên mất rằng, không thể dùng hóa chất trong nồi chuyên nấu đồ ăn, cuối cùng, bị thủng luôn đáy nồi. Đáng lẽ, chúng tôi phải nấu trong bình thủy tinh, còn trong công nghiệp làm giấy thì sẽ dùng nồi chuyên dụng, chỉ vì lúc đó em muốn làm một mẻ lớn mà phạm sai lầm.

Qua dự án, em cũng rèn được cho bản thân tính kiên nhẫn hơn rất nhiều. Không phải cứ vội vàng là có thể làm được một mẻ giấy lớn. Đôi khi, một vài thành viên trong nhóm cũng có những mâu thuẫn khi bất đồng ý kiến, nhưng mỗi khi làm ra sản phẩm ưng ý, lại thấy đó chỉ là những điều rất nhỏ nhặt” - Vân Anh khẽ cười.

Nói về những học trò của mình, cô Hoàng Thị Tuyết Nhung, giảng viên hướng dẫn của dự án không giấu được sự xúc động: “Đây là một dự án đầy tâm huyết của cả cô và trò. Cô trò đã đi cùng nhau gần hai năm. Trong giai đoạn đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các em sinh viên vẫn không nản lòng, vẫn cố gắng cùng cô thực hiện, ngày đêm tìm hiểu ra cách làm giấy. Hy vọng dự án sẽ được nhiều người quan tâm sau khi đạt giải thưởng SV-STARTUP 2020. Vì như thế, lối sống xanh của người Việt Nam sẽ càng được lan tỏa nhiều hơn. Giải thưởng này là động lực rất lớn cho các bạn sinh viên thực hiện nhiều dự án hơn nữa trong tương lai”.

Hiện tại, nhóm đã đề xuất phía nhà trường hỗ trợ máy móc, phát triển dự án theo xu hướng chuyển giao công nghệ. “Mỗi vùng miền đều có sẵn tài nguyên chuối, sẽ không thể vận chuyển về một mối, nên nhóm sẽ chuyển giao công nghệ cho người nông dân để mỗi địa phương có một cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, có thể sản xuát giấy và chuyển về cho chúng tôi tạo hình thành thành phẩm. Sau đó, tiến đến mở rộng dần quy mô.

Khi chúng tôi đưa ra kế hoạch như vậy, một số đại diện hợp tác xã trồng chuối cũng rất mong đợi được tiếp nhận và hướng dẫn công nghệ để tận dụng thân chuối sản xuất giấy” - cô Hoàng Thị Tuyết Nhung cho biết.

Phế phẩm chứa xenlulozo đều có thể thành nguyên liệu

Dự án “Phế phẩm nông nghiệp - Tài nguyên giấy bao bì” (còn gọi là “Giấy xanh”) do nhóm sinh viên: Trịnh Ngọc Vân Anh, Lê Thị Bích Phượng, Phạm Thái Bình, Lê Thụy Tường Vân, Trần Út Thương thực hiện, dưới sự hướng dẫn của giảng viên Hoàng Thị Tuyết Nhung. Trước khi giành giải Nhất trong cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020”, dự án “Giấy xanh” đã ghi dấu ấn khi dẫn đầu vượt qua sự chọn lọc khắt khe trong cuộc thi “Sáng kiến giảm rác thải nhựa” được tổ chức bởi tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên - WWF.

Trong cuộc thi SV-STARTUP 2020, giám khảo tò mò về nguyên liệu sản xuất giấy, đại diện nhóm đã chia sẻ: “Tất cả những loại phế phẩm nông nghiệp có xenlulozo, tùy vào mong muốn ra sao về chất lượng đầu ra, độ bền, độ dai của giấy... để chọn đầu vào: xác lúa, ngô, chuối... Còn về màu sắc của giấy, chủ yếu sản phẩm có màu nâu hoặc vàng nâu. Hoàn toàn có thể làm trắng hơn nhưng sẽ phải tăng hóa chất và chúng tôi không muốn như vậy nên chỉ muốn tăng những hoa văn độc đáo chứ không muốn thêm hóa chất. Trong giai đoạn này, chúng tôi muốn tham quan, khảo sát các nhà máy làm giấy và nghiên cứ thêm để sản xuất ra giấy bền hơn, trong mọi điều kiện thời tiết”.

C.M