Nhìn từ vụ bà giết cháu ở Nghệ An: Đau lòng gia đình ông bà - cháu ở những miền quê

Một tay nuôi cháu từ khi còn đỏ hỏn, giờ cháu hư hỗn phận làm ông làm bà chẳng biết làm sao…

img

Không chỉ tôi mà hẳn nhiều người cũng thấy xót xa, căm phẫn khi đọc được thông tin bà nội hại chết cháu ở Yên Thành, Nghệ An. Nguyên do, theo bà thì là vì cả bố cháu bé và cháu bé đều hỗn láo với bà. Nghĩ cảnh một tay chăm cháu từ tuổi lên 3 nay cháu lại hỗn láo, bà không kiềm chế được mà ra tay sát hại.

Nguồn cơn sự việc thế nào còn phải điều tra nhưng câu chuyện đau lòng này thực ra lại chẳng hề xa lạ.

Năm 2000, một vài xã ở tỉnh T.B. rộ lên phong trào chuyển ruộng lúa thành ao nuôi tôm. Thấy nuôi tôm lãi quá, người người nhà nhà rồi cả xã cả huyện đua nhau đào ruộng thả tôm. Ngân hàng sẵn sàng cho vay tín chấp đến hàng chục triệu đồng. Giống, thức ăn, thuốc chữa bệnh ... được các công ty bán chịu với lãi suất thấp và hẹn khi thu mua tôm thành phẩm mới thu gốc.

Mọi sự đều thuận lợi và ai cũng hi vọng chờ con tôm lớn. Nhưng sự đời tréo ngoe, trước ít nhà nuôi thì nước còn sạch không bị ô nhiễm, giờ nhà nhà nuôi tôm thì tôm bị bệnh và chết hàng loạt. Sự chăm sóc của các công ty thuốc cũng không xuể họ đành bán thuốc cho dân tự chữa. Tôm chết dân lại vay tiền mua tôm giống để gỡ lại, những vuông tôm còn khoẻ mạnh và cuối vụ gọi Công ty thu mua thì họ từ chối vì con Tôm tồn dư kháng sinh cao vượt tiêu chuẩn cho phép...

Khốn nạn, cả miền quê lúa đang yên lành thì giờ con tôm làm cho khánh kiệt, mỗi nhà nông đều ôm vài trăm triệu tiền nợ lãi ngân hàng, ruộng thì giờ thành ao không trồng được lúa nữa. Thế là thanh niên trai tráng “Nam tiến” làm thuê để lại các miền quê chỉ còn ông bà già nuôi cháu và hàng tháng chờ các bố mẹ tha hương gửi tiền về...

Có dịp vào tỉnh T.H. làm từ thiện tôi lại gặp lại câu chuyện trên. Theo thông tin chúng tôi sẽ đến cứu trợ một gia đình “bố mẹ đã chết, để lại bà già nuôi ba cháu nhỏ, các cháu đã phải bỏ học hàng ngày đi kiếm rau và bắt cá tôm để sống”.

Trong đoàn đi tìm gia đình đó chúng tôi mời thêm mấy anh cán bộ tỉnh Đoàn để dễ tìm nhà. Hỏi mãi cuối cùng cũng đến một xã trước đó vốn là điển hình nuôi tôm giờ thì tiêu điều hoang vắng. Vào đến nhà đó thì mới té ngửa ra: Chẳng có đứa trẻ mồ côi nào hết. Gia đình cũng nuôi tôm rồi ôm nợ ngân hàng gần tỉ đồng, nhà đất đã cầm cố ngân hàng, bố mẹ đi làm thuê xa, ra cả nước ngoài... để lại đám con dại cho bà già gần 80 tuổi chăm nom và tự sống ...

Tâm sự với tôi, một bà lão của chốn quê mùa ấy kể: “Ở làng tôi nhà nào chả như thế này. Các con tôi bỏ đi vào Nam hết để lại cả lũ cháu nheo nhóc, chứ các cháu có mồ côi đâu”.

Rồi bà rươm rướm nước mắt: “Chúng nó đi tháng thì gửi tiền về, có tháng không, có khi ba bốn tháng chả có tiền. Ở nhà bà cháu đói lắm, kiếm được gì ăn nấy, học phải bỏ, nhà còn đồ đạc gì thì bán đi cầm cự... Trước nuôi con đã khổ nhưng lúc ấy mình còn khoẻ, còn ruộng cấy, giờ già cả lại không còn ruộng đành chịu đói thôi... có lúc muốn bỏ ra thành phố làm ôsin giúp việc cho người ta nhưng nhìn lũ cháu bơ vơ lại đành ở lại... Khổ lắm các anh các chị ạ...".

Chúng tôi nghe bà già kể mà ai cũng muốn khóc.

Ôi những miền quê “ nuôi tôm hoá nghèo” giờ tang thương thế này sao? Tương lai những đứa trẻ kia sẽ ra sao? Bao giờ những người bố người mẹ kia mới trả hết nợ để trở về???

“Mà chúng ngang bướng lắm, ông bà già rồi có nhắc nhở dạy bảo cũng chẳng được, chúng cãi lem lẻm. Có lúc nhìn cháu hư hỗn mà nuốt nước mắt chịu... Bố mẹ còn khó dạy con chứ huống chi nữa là ông bà già”... lời kể của bà già như ám ảnh chúng tôi trên đường trở về.

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

img