Hơn 6h sáng, chị Nguyễn Thị Hiền (29 tuổi, trú tại Hà Nội) nhanh chóng đứng vào dòng người đang đứng xếp hàng sát cửa trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (tại trụ sở Cầu Giấy).
Chị Hiền cho biết, ngày hôm qua chị có đến nhưng không lấy được số thứ tự do đi muộn vì bận trông con nhỏ 17 tháng tuổi. Lần này chị rút kinh nghiệm, nhờ người trông con để đi sớm hơn.
Người dân xếp thành hàng dài từ sáng sớm để làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp.
Làm kế toán tại một công ty du lịch tư nhân, từ hồi tháng Ba khi công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, công ty buộc phải cắt giảm nhân sự, nên chị bị mất việc. Hơn 3 tháng nay, chi tiêu của gia đình ba người phụ thuộc vào số tiền lương nhân viên văn phòng 9 triệu đồng của chồng chị.
“Cuộc sống hai vợ chồng gặp khá nhiều khó khăn, cùng với việc nuôi con nhỏ nên tôi đến để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hy vọng là với số tiền trợ cấp hơn 3 triệu đồng/tháng, phần nào sẽ giúp tôi trang trải cuộc sống trong thời gian chờ tìm công việc mới”, chị Hiền rầu rĩ nói.
Gần 7h, khu vực sân và lối vào khu nhà làm việc của trung tâm, dòng đã rồng rắn kéo dài trăm mét từ cổng trung tâm ra vỉa hè đường Trung Kính.
Họ thuộc nhiều ngành nghề như nhân viên bán hàng, kỹ thuật điện tử, kế toán, công nhân may mặc, hướng dẫn viên du lịch, kỹ thuật xây dựng…Nhiều người cho biết, họ tranh thủ đi sớm để còn thời gian làm được nhiều công việc khác.
Anh Bùi Lâm Tùng (35 tuổi) - là đầu bếp gần 5 năm tại một nhà hàng trên phố Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội) cũng đến sớm xếp hàng để nhận kết quả. Phía trước anh cũng có hơn 50 người đang xếp hàng để chờ.
“Khi đến đây làm thủ tục tôi đã có đầy đủ giấy tờ rồi nhưng đến cũng không được giải quyết ngay mà người ta cho mình một cái giấy hẹn, 15 ngày sau quay lại. Trước tôi đến từ 6/5, sau đó họ hẹn đến 19/5 đến nộp hồ sơ, sau khi nộp xong thì thủ tục rất nhanh gọn. Hôm nay họ hẹn trả kết quả”, anh Tùng chia sẻ.
Trên khoảng sân rộng khoảng vài chục mét vuông của trung tâm, ông Ứng Doãn Hùng liên tục đo thân nhiệt cho người xếp hàng.
Trời dịu mát nhờ có cơn mưa giải nhiệt, mồ hôi vẫn rịn ra trên trán người đàn ông ngoài 50 tuổi. Theo chia sẻ của ông Hùng, gần 2 tháng nay, bình quân buổi sáng ông đo thân nhiệt cho khoảng 700 người, có ngày cao điểm 900 người.
Theo quan sát của phóng viên Người Đưa Tin Pháp Luật, lượng người lao động đông, trong khi số lượng hồ sơ được nhận và giải quyết mỗi ngày có hạn nên có người đến vài lần vẫn chưa xong thủ tục buộc các nhân viên hoạt động hết công suất.
Nhân viên trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội làm việc hết công suất.
Sau tấm kính ngăn cách của khu tư vấn trên tầng hai, 24 nhân viên bộ phận một cửa thoăn thoắt soát hồ sơ, tra thông tin, người tư vấn cho lao động làm thủ tục.
Phía dưới, gần năm chục chiếc ghế chờ kín chỗ, còn phía bên trong văn phòng làm việc của Trung tâm tập hồ sơ đăng ký trợ cấp thất nghiệp chất cao khắp các bàn. Trung bình, mỗi trường hợp đăng ký hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ mất khoảng 20-30 phút.
Khi trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nói, trung bình một ngày có từ 400-600 người đến làm thủ tục.
Người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là lao động nữ dưới 35 tuổi chiếm khoảng 30%, nữ trên 35 tuổi chiếm 30%; lao động nam dưới 35 tuổi chiếm tỷ lệ khoảng 23% và nam trên 35 tuổi chiếm 22%.
Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Trong tháng 5/2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp nhận khoảng 11.600 hồ sơ đề nghị giải quyết trợ cấp thất nghiệp, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Tính từ đầu năm nay đến ngày 3/6, trung tâm đã tiếp nhận hơn 35.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tính đến cuối tháng Tư, dịch Covid-19 đã khiến ít nhất 5 triệu lao động giảm hoặc mất việc, kéo tỷ lệ có việc làm xuống thấp nhất 10 năm qua.
Theo quy định, người lao động muốn thụ hưởng chính sách này cần mang hồ sơ hợp lệ nộp tại trung tâm dịch vụ việc làm do nhà nước quản lý, trong vòng 3 tháng từ ngày chấm dứt hợp đồng. Vì vậy, dự đoán từ nay hết tháng Bảy, áp lực sẽ còn lớn hơn nữa vì nhiều người khoảng tháng 4 mới bắt đầu mất việc”, ông Thảo nhận định.
Ngoài ra, vị Giám đốc này còn cho biết, trung tâm có 13 sàn vệ tinh ở các huyện ngoại thành. Song, vì tâm lý người lao động muốn đến cơ sở chính để làm thủ tục mới yên lòng nên dẫn đến tình trạng quá tải. Để người dân không phải xếp hàng chờ đợi, trung tâm đang thử nghiệm trong vòng 1 tháng cho ứng dụng đăng ký online, mỗi ngày giải quyết 40 lượt.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, bà Nguyễn Thị Quyên - Phó Cục trưởng cục Việc làm (bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thời điểm hiện tại, doanh nghiệp bắt đầu cho lao động trở lại, vì vậy, thị trường lao động ngừng việc có xu hướng giảm, đây là tiến hiệu tốt.
Theo thống kê của các Trung tâm Dịch vụ việc làm 63 tỉnh, thành phố, đến ngày 10/6/2020, cả nước có 478.943 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cả nước đến hết tháng 5/2020 là 343.376 người (tăng 18,7% so với cùng kỳ 5 tháng đầu năm 2019); với tổng số tiền là 6.028 tỷ đồng. Riêng trong tháng 5/2020 số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 157.945 người bằng 144,2% so với tháng 5/2019.
P.D