Những chiến sĩ y tế “căng mình” chạy đua thời gian xét nghiệm Covid-19

Anh Ngọc

Để có kết quả chính xác nhất nhằm lên phương án chữa trị, các nhân viên y tế đã kiên cường, dũng cảm đối mặt với trực diện với virus SARS-CoV-2.

Trực tiếp gặp F0 điều tra dịch tễ

Ngay sau khi nhận được thông tin có 1 ca bệnh dương tính với virus SARS-CoV-2, các cán bộ y tế thuộc đội truy vết thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Nghệ An nhanh chóng di chuyển đến nơi đang điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Đối với nhiều người, khi nghe đến bệnh nhân mắc Covid-19 thì lập tức tránh xa thật nhanh. Nhưng đối với đội truy vết, mỗi khi nghe tin có trường hợp nhiễm mới lại phải nhanh chóng tiếp cận. Nhiệm vụ của họ là lấy thông tin từ những ca F0 để điều tra, truy vết các trường hợp F0, F1 và F2 khác.

Bác sĩ Nguyễn Huy Anh, cán bộ đội truy vết cho biết: “Khi tham gia vào nhiệm vụ này, anh em xác định có thể là mắc Covid-19 bất kỳ lúc nào và chuẩn bị tâm lý cho cả mình và người thân. Bởi việc đối diện với F0 thì nguy cơ bị nhiễm vô cùng cao”.

Bác sĩ Huy Anh nhớ lại, một hôm mọi người nghe có đồng chí trong nhóm lên cơn sốt, ngay sau đó anh em đặt trong tình trạng báo động. Bởi nếu một người chắc may bị lây, công tác điều tra, truy vết sẽ ảnh hưởng rất lớn. Tuy nhiên, rất may là cho đến thời điểm hiện nay, bằng các biện pháp nghiệp vụ nên các cán bộ truy vết đều đã tránh được virus đáng sợ này.

“Công tác điều tra, truy vết đòi hỏi phải vừa nhanh nhạy, vừa khéo léo. Biết dự đoán và gợi hỏi để các F0 khai đúng, khai đủ. Từ việc truy mốc dịch tễ bao gồm địa điểm, sự kiện bệnh nhân đã từng tham dự từ đó truy ra từng F1. Nếu bỏ quên mốc dịch tễ thì đồng nghĩa sẽ bỏ xót rất nhiều F1. Sau khi đã nắm được thông tin người bệnh tiếp xúc với ai, đi những đâu, làm những gì, sẽ đề xuất những khu vực cần khoanh vùng, cách ly”, bác sĩ Huy Anh nói.

Để có những thông tin chính xác nhất của từng ca bệnh, ca nghi ngờ mắc bệnh, lực lượng truy vết, điều tra dịch tễ phải làm việc không ngừng nghỉ với áp lực vô cùng lớn. Chỉ cần nghe được thông tin ở đâu có ca mắc, nghi ngờ mắc bệnh là họ lại “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.

Ông Nguyễn Văn Định - Giám đốc Trung tâm CDC Nghệ An cho biết, đơn vị có tổng số 221 cán bộ, bác sỹ và nhân viên y tế. Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Vinh (13/6) đến nay, trung tâm đã huy động toàn bộ để truy vết, lấy mẫu và làm xét nghiệm.

“Việc truy vết, điều tra các trường hợp F0, F1, F2 được xem như một trong những biện pháp quan trọng và mang tính chiến lược để cắt đứt đường lây truyền của virus SARS-CoV-2. Bởi, bản chất của vấn đề truy vết chính là xác định được nguồn lây nhiễm của ca bệnh, xác định những người có yếu tố nguy cơ về lây nhiễm dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng sẽ đưa ra những quyết định khoanh vùng, cách ly kịp thời”, ông Định nói.

Đối diện với virus SARS-CoV-2

Đặc biệt, nhiệm vụ quan trọng nhất và cũng nguy hiểm nhất của CDC Nghệ An là tiến hành xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của các trường hợp liên quan đến Covid-19.

Bác sĩ Đặng Văn Tiến - khoa Xét nghiệm, chuẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng cho biết, công việc tại đây vô cùng nguy hiểm và rủi ro. Bởi anh và đồng nghiệp phải tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm từ các huyện, các đơn vị trong tỉnh gửi về rồi nhập vào máy tính trước khi đưa lên phòng xét nghiệm.

“Mình cầm mẫu bệnh phẩm cũng được xem như là trực tiếp tiếp xúc với chính người đó. Trong đó có các trường hợp F0. Do vậy trong quá trình cầm ống đựng mẫu bệnh phẩm, nếu không cẩn thận thì mình cũng có những nguy cơ nhất định” bác sĩ Tiến cho hay.

Sau đó, quy trình xét nghiệm Covid-19 gồm các phòng: tách chiết mẫu bệnh phẩm, pha hóa chất Mix, phòng chạy máy PCR và phòng kết quả. Trong 4 phòng trên thì phòng tách chiết mẫu bệnh phẩm được cho là “bẩn” nhất, vì kỹ thuật viên phải tiếp xúc trực tiếp với mẫu bệnh phẩm.

Đây là phòng áp lực âm được thiết kế đặc biệt, với 2 lớp cửa ra vào. Cửa đưa mẫu bệnh phẩm từ bên ngoài vào cũng có khóa riêng, mở bên ngoài thì bên trong đóng và ngược lại. Cửa đưa mẫu bệnh phẩm từ phòng tách chiết mẫu bệnh phẩm sang phòng Mix và phòng chạy PCR cũng tương tự.

Kỹ thuật viên Hồ Vĩnh Tiến cho biết: “Công việc ở khu vực này cũng đặc thù, luôn phải mặc đồ bảo hộ, nên hầu như tất cả đều phải điều chỉnh đồng hồ sinh hoạt cá nhân. Có khi 4 - 5 tiếng không uống nước, không đi tiểu. Cũng có lúc chuẩn bị thay ca nghỉ thì có mẫu nghi dương tính được các bệnh viện test nhanh rồi chuyển lên nên chúng tôi lại tiếp tục làm việc cho đến khi có kết quả mới đổi ca”.

Theo kỹ thuật viên này, mặc dù luôn mặc đồ bảo hộ y tế và các xét nghiệm đều được thực hiện trong phòng áp lực âm nhưng rủi ro nhiễm virus vẫn rất cao. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ, vì mục tiêu chiến thắng dịch, tất cả mọi người đều cố gắng 100% sức lực, chạy đua với thời gian để có kết quả sớm nhất.

Bác sĩ Bùi Thu Thủy - Trưởng Khoa Xét nghiệm cho hay: “Trước kia hay bây giờ cũng vậy, cán bộ, kỹ thuật viên phòng căng mình làm ngày, làm đêm cho kịp. Ăn tại khoa, nghỉ tại khoa, mỗi người đều nỗ lực hết sức. Bộ đồ chống dịch, găng tay và khẩu trang là vật bất ly thân. Mỗi lần lấy mẫu, xét nghiệm dài nhiều giờ, khi cởi đồ ra thì mồ hôi ướt đằm như tắm. Nhưng mỗi cán bộ đều rất nỗ lực đề hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Đánh giá công tác xét nghiệm có vai trò rất quan trọng, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 khẳng định, từ những kết quả xét nghiệm của CDC là cơ sở để điều tra, truy vết các trường hợp F1, F2. Trên cơ sở phân tích các dữ liệu, CDC đã kịp thời tham mưu cho ngành Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đưa ra những giải pháp kịp thời, thần tốc, quyết liệt, hiệu quả.

Bài 4: Cuộc chiến giành giật sự sống với “tử thần” mang tên Covid-19

A.N