Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực tháng 4/2020

Nội dung: Hoàng Mai

Từ tháng 4/2020 sẽ có nhiều chính sách quan trọng trong lĩnh vực giao thông, lao động - tiền lương, xuất bản,… chính thức có hiệu lực thi hành.

Từ 1/4/2020, taxi công nghệ không bắt buộc phải gắn hộp đèn

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Cụ thể, Nghị định này quy định, từ 1/4/2020, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE TAXI” là 06 x 20 cm.

Đặc biệt, cũng từ 1/4/2020, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe với kích thước tối thiểu là 12 x 30 cm. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” trên kính phía trước và kính phía sau xe.

Thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương tại 3 tập đoàn, tổng công ty

Ngày 17/2/2020, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 20/2020/NĐ-CP về việc thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Theo đó, Nghị định 20 quy định về việc thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP; Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.

Đáng chú ý, từ 1/4/2020, mức lương cơ bản của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cao nhất là 70 triệu đồng/tháng; Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát là 60 triệu đồng/tháng; Kiểm soát viên là 50 triệu đồng/tháng.

Bỏ một số quy định xử phạt hành chính về điều kiện hoạt động xây dựng

Nội dung này được đề cập tại Nghị định 21/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

Theo đó, bãi bỏ một số hành vi vi phạm về điều kiện hoạt động xây dựng tại Điều 23 Nghị định 139 như sau:

- Đối với tổ chức hoạt động xây dựng

+ Không có hợp đồng lao động với những cá nhân đảm nhận những chức danh chủ chốt theo quy định.

+ Những chức danh chủ chốt không có chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực đặc thù của dự án theo quy định

- Đối với nhà thầu nước ngoài: Không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử theo quy định khi tham gia các hoạt động xây dựng.

Nghị định 21/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2020.

Xử phạt vi phạm quy định báo cáo về hoạt động đo đạc và bản đồ

Theo Nghị định 18/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ có hiệu lực từ 1/4/2020 thì mức phạt tiền tương ứng đối với các hành vi vi phạm quy định báo cáo về hoạt động đo đạc và bản đồ như sau (áp dụng đối với cá nhân):

- Phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo cơ quan cấp phép hoạt động đo đạc và bản đồ khi có sự thay đổi người phụ trách kỹ thuật hoặc khi có sự thay đổi địa chỉ trụ sở chính.

- Phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện báo cáo về hoạt động đo đạc và bản đồ theo quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ.

Hiện hành, phạt tiền 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện chế độ báo cáo trong hoạt động đo đạc và bản đồ theo quy định.

Người đủ 15 tuổi được sử dụng thẻ tín dụng phụ

Nội dung này được đề cập tại Thông tư 28/2019/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 25/12/2019 về hoạt động thẻ ngân hàng và có hiệu lực từ ngày 1/4/2020 tới đây.

Ngoài những đối tượng đang được sử dụng thẻ ngân hàng hiện nay, Thông tư còn bổ sung một số đối tượng mới như:

- Người từ đủ 15 đến 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự: Được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước (thẻ phụ)

- Tổ chức đủ điều kiện mở tài khoản thanh toán: Được sử dụng thẻ ghi nợ (thẻ chính)

- Tổ chức là pháp nhân: Được sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước (thẻ chính).

Hướng dẫn hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô từ 1/4/2020

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định 355/QĐ-BGTVT về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, thay thế, bãi bỏ trong lĩnh vực đường bộ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bao gồm:

- Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định

- Bản sao văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải

- Bản sao hoặc bản chính Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử).

Ngoài ra, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đối với hộ kinh doanh vận tải gồm:

- Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Quy định về bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông

Ngày 24/2/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

Theo đó, tổ chức, cá nhân được phép khai thác hoặc kinh doanh cát, sỏi khi tập kết cát, sỏi lòng sông sau khai thác tại các bến, bãi phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Khu vực bến, bãi chứa cát, sỏi nằm trong phạm vi cảng đường thủy nội địa theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa

- Trường hợp bến, bãi trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hoặc liên quan đến đê điều phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều.

- Phải lắp đặt bảng thông báo để công khai thông tin của bến bãi tập kết cát, sỏi với các nội dung:

+ Địa chỉ cung cấp cát, sỏi được tập kết tại bến bãi

+ Lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, sỏi mua - bán tại bến bãi, diện tích bến bãi.

Nghị định 23/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2020.

Trả lương không đúng hạn, doanh nghiệp bị phạt đến 100 triệu đồng

Ngày 1/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 28/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/4/2020, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thay thế Nghị định 95/2013/NĐ-CP và Nghị định 88/2015/NĐ-CP trước đó.

Đáng chú ý là quy định xử phạt đối với người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn cho người lao động. Theo đó, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền:

- Từ 5 đến 10 triệu đồng nếu vi phạm từ 1 đến 10 người lao động

- Từ 10 đến 20 triệu đồng nếu vi phạm từ 11 đến 50 người lao động

- Từ 20 đến 30 triệu đồng nếu vi phạm từ 51 đến 100 người lao động

- Từ 30 đến 40 triệu đồng nếu vi phạm từ 101 đến 300 người lao động

- Từ 40 đến 50 triệu đồng nếu vi phạm từ 301 người lao động trở lên

Mức phạt này được áp dụng với người sử dụng lao động là cá nhân. Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt gấp 2 lần. Và như vậy, doanh nghiệp sẽ bị phạt tối đa 100 triệu đồng nếu chậm trả lương cho người lao động.

Phạt đến 20 triệu nếu tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội

Đầu tháng 2, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.

Theo Nghị định này, cá nhân có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Đồng thời, mức phạt này cũng được áp dụng đối với các hành vi:

- Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc

- Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…

Mức lương của chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Ngày 1/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 27 năm 2020 sửa đổi một số nội dung về chính sách tiền lương của cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài hoạt động khoa học, công nghệ ở Việt Nam. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.

Theo đó, mức lương được trả theo phương thức thỏa thuận. Tuy nhiên, việc thỏa thuận phải được xác định trên cơ sở mức lương của các vị trí tương đương trong các tổ chức nước ngoài hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Cán bộ tư pháp không được nhận xét vào sơ yếu lý lịch của công dân

Thông tư 01/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 23/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch có hiệu lực từ ngày 20/4.

Theo quy định về chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân, người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng thực theo mẫu quy định tại Nghị định số 23/2015. Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình...

Hoàng Mai