Những chuyến xe đi trong "bão tố", đưa tình người đến với miền sơn cước

Nhâm Thân

Sau bão số 5, huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thiệt hại nặng nề, nhiều bản làng ngập chìm trong dòng nước xiết. Từ miền xuôi, những chuyến xe ngược nắng, ngược "bão tố"" đưa tình người, đưa sự sẻ chia đến với miền sơn cước đang trong cơn hoạn nạn.

Sau giông bão lịch sử

Ngày 25/9, tức đã gần 1 tuần lễ cơn bão số 5 đi qua miền Trung. Nhiều địa phương hối hả thu dọn tàn tích của bão, tăng gia sản xuất. Thế nhưng với huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam dư chấn của bão số 5 vẫn còn quá nặng nề.

Thực tế bão chẳng càn qua Tây Giang, cũng chẳng hô gió gọi giông ở vùng đất này. Nhưng ảnh hưởng của bão là mưa lớn như trút nước đã khiến thượng nguồn nơi đây xảy ra lũ quét, lũ ống. Lũ tràn vào làng, lũ cắt phăng những cây cầu ngang sông, lũ khiến lợn trâu chết hết…

Những ngôi làng tan hoang sau lũ, bão.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Pơlong Pleng, Phó Trưởng phòng Văn hoá – Thông tin huyện Tây Giang chưa hết giật mình khi nhớ lại cơn lũ.

Vị Phó phòng gọi đây là cơn lũ lịch sử mà rất lâu rồi miền cơn cước Tây Giang chưa phải gánh chịu. "Rất may không có thiệt hại về người nhưng tài sản, hoa màu, gia súc, đất sản xuất của hàng vạn hộ dân gần như mất trắng", ông Pleng nói.

Hay như lời ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, nhớ đêm 18/9, mưa lớn ào ào khiến lũ quét về nhanh làm người dân không di tản kịp trâu bò, tài sản. Số lượng gia súc, gia cầm của người dân bị lũ cuốn tương đối nhiều. Có thời điểm các tuyến giao thông của huyện có 130 điểm sạt lở, cuốn trôi nhiều cầu treo, cầu cống gãy đổ. Hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt và điện thắp sáng cũng hư hại nặng.

Theo báo cáo của UBND huyện Tây Giang, tất cả 70 công trình thủy lợi trên địa bàn huyện bị sạt lở, bồi lấp, cuốn trôi, hư hỏng…, ước thiệt hại 15 tỷ đồng; 97 công trình nước sinh hoạt bị ảnh hưởng, thiệt hại 12 tỷ đồng; trường học bị thiệt hại khoảng 3,2 tỷ đồng; nhà cửa, tài sản bị thiệt hại khoảng 5,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều diện tích lúa, hoa màu, cây nông nghiệp, cây dược liệu bị hư hỏng; gần 400 con gia súc, hơn 3.900 con gia cầm, nhiều hồ cá của người dân bị cuốn trôi…, gây thiệt hại khoảng 8,9 tỷ đồng.

Những cây cầu vốn đã sơ sài nay càng thêm bi thảm sau lũ. Vì mưu sinh, người dân miền cao bao đời vẫn đánh đu với tử thần qua những cây cầu, khúc sông như thế này.

Thiệt hại về vật chất có thể đong đếm, nhưng về tinh thần vì vô kể. Lũ dữ đến là lúc năm học mới sắp bắt đầu, là lúc Tết Trung thu đa chờ đón lũ trẻ. Thế nhưng tất cả nay chỉ còn lại là sình lầy, là tan hoang vì mưa bão ở làng Tà Vang, xã A Tiêng, huyện Tây Giang. Nơi đây là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt thiên tai vừa qua. Lũ đến ngôi làng Tà Vang bên sườn núi bị nhấn chìm, ngập sâu trong nước. May mắn sao thiệt hại về người là chưa có, tuy nhiên, nhiều tài của người dân đã bị lũ cuốn trôi. Mưa gió đi qua, bà con rũ bùn đứng lên nhưng sao khó khăn vẫn chồng chất quá.

Ngược nắng, ngược gió về với sơn cước

Đoàn xe tải của nhóm "Đà Nẵng Tình người" do "cơ trưởng" Trần Đăng Vinh xuất phát từ TP. Đà Nẵng từ tinh mơ sáng nay đã quá trưa rồi cũng chẳng thể tiếp cận được các vùng sạt lở của Tây Giang. Giao thông cô lập, đường xá ách tắc. Có đoạn cả đoàn xuống thi nhau hò đẩy phương tiện nặng trịt qua bùn lầy, đất đá, qua cả con suối xiết.

Những chuyến xe vượt qua bao khó khăn để đến với sơn cước Tây Giang

Theo ông Vinh, gần 2 tháng qua, nhóm của ông chưa một phút ngơi nghỉ. Trước đó, TP. Đà Nẵng bị dịch Covid-19 tấn công. Những thành viên trong nhóm tề tựu nhau lại kêu gọi từ thiện, ủng hộ rồi bỏ công bỏ sức ra vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm cho các điểm cách ly, các bệnh viện, những người khó khăn vì đại dịch.

"Xúc động vô cùng vì thời điểm ấy TP. Đà Nẵng nhận được sự ủng hộ từ các địa phương miền núi Quảng Nam. Nơi đây đa phần còn khó khăn nhưng các cô, chú đồng bào vẫn nhường cơm sẻ áo với Đà Nẵng thân yêu. Tôi còn nhớ như in hình ảnh cậu bé vác măng rừng đi ủng hộ. Nay Đà Nẵng vượt qua đại dịch, Tây Giang gặp hoạn nạn vì lũ dữ, chúng tôi lên đường. Như sự tri ân, như trách nhiệm với cộng đồng, như lá làng đùm lá rách", ông Vinh xúc động nói.

Khó khăn, thách thức sau bão lũ đối với đồng bào miền núi Quảng Nam là không hề nhỏ.

Cũng như ông Vinh, bà Hồ Thị Thanh Huyền người sáng lập nhóm "Rau 0 đồng Đà Nẵng" cùng cộng sự gồng gánh hơn 250 phần quà là gạo, muối, bánh từ Đà Nẵng lên Tây Giang. Ước mơ cũng nhóm chỉ là Trung thu sắp đến, những đứa trẻ nơi miền ngược nắng sẽ có thêm gói bánh, đôi dép. Đơn sơ, giản dị thôi nhưng ấm áp lắm tình người.

Cách Tây Giang vạn dặm xa, cũng trong ngày 25/9, chuyến xe quân hàm xanh của cán bộ chiến sĩ Công an TP. Đà Nẵng hướng về đồng bào huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Hàng trăm xuất quà, bánh kẹo được trao gửi đến các em học sinh và thầy cô giáo nơi đây. Một cái Tết trung thu sớm được tổ chức ấm áp nơi mái trường mẫu giáo xã Trà Tập. Tiếng cười, tiếng nói rộn ràng của một vùng.

Cậu bé vác măng rừng đi ủng hộ gây "sốt" cộng đồng mạng. Những phần quà ấm áp được trao gửi đến em, đến bạn bè em.

Ông Pơlong Pleng, Phó Trưởng phòng Văn hoá – Thông tin huyện Tây Giang: “Những món quà mang đậm hơi ấm của cộng đồng, xã hội sẽ giúp bà con miền cao sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Qua đây cũng thể hiện sự keo sơn, thắm thiết 2 miền xuôi ngược”.

N.T