Những điều ít biết về nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh: “Người trẻ chơi jazz hãy dũng cảm chinh phục đam mê"”

Lạc Thành

NSƯT Quyền Văn Minh (sinh năm 1954) được coi là một trong những người đầu tiên khởi xướng dòng nhạc Jazz ở Việt Nam. Ông không phải là người được đào tạo âm nhạc chính quy nhưng ông được thừa hưởng dòng máu nghệ thuật từ cha mẹ. Ông tự học kèn clarinette và saxophone từ năm 14 tuổi vì không có điều kiện học ở trường nhạc và từ đó gắn bó luôn với cây kèn saxophone. Mới đây, ông đã tâm sự với PV về công việc của mình…

Chơi nhạc gì cũng phải biết sáng tác…

Chào nghệ sĩ Quyền Văn Minh, cách đây gần 40 năm, ở Việt Nam gần như chưa có ai biết về Jazz, vậy ai đã giới thiệu ông đến với dòng nhạc này?

Tôi đến với nhạc Jazz hết sức tình cờ. Hoàn cảnh gia đình lúc đó không cho phép tôi theo học trường nhạc. Có rất nhiều lí do mà tôi không muốn nhắc tới. Hoàn cảnh thực tế lúc đó, tôi chỉ có thể học bằng cách nghe. Tôi nghe các ca khúc cách mạng, nhạc đám cưới hoặc chiều Chủ nhật đạp xe ra vườn hoa Hàng Đậu, nghe chương trình của phát thanh... Tất cả những thứ đó đều là âm nhạc. Nhưng tôi biết rằng ở trường nhạc (Nhạc viện Hà Nội) hình như họ có những loại hình những tác phẩm lớn hơn và nuôi tham vọng học lỏm.

Lúc ấy, tôi thường đạp xe đạp đến cửa trường để nghe ngóng. Không thể tiếp cận các lớp học, tôi nghe được nhiều âm thanh từ trong trường. Những âm thanh đó thật cuốn hút nhưng rất lộn xộn. Chính những bài học đầu tiên đã nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ của tôi.

Nhạc sĩ Quyền văn Minh là người "đặt nền móng" cho nhạc Jazz Việt Nam.

Ở tuổi ngoài 60 và đã thấy một thế hệ kế cận con đường xây dựng nhạc Jazz ở Việt Nam, tôi tin ông đã cảm thấy hài lòng. Nghệ sĩ Quyền Văn Minh bắt đầu có thể nghỉ ngơi được rồi?

(Cười lớn) Tôi không về hưu đâu! Tôi vui vì những người trẻ kế cận chúng tôi như nghệ sĩ trẻ Tuấn Nam. Nam và thế hệ của cậu ấy đang làm khiến tôi hài lòng. Công sức mình cả cuộc đời ít nhiều đã có được thành quả nào đó. Nhưng điều đó càng khiến tôi có thêm động lực để tiếp tục làm nhiều hơn.

Nếu dịch bệnh không diễn biến phức tạp, tháng 10 tôi sẽ thực hiện một đêm diễn tại Nhà hát lớn. Từ giờ tới cuối năm, tôi cũng sẽ ra mắt album mới dưới định dạng đĩa nhựa. Tại Jazz club cũng sẽ xây dựng mô hình mini show hàng tháng. Đây là ý tưởng cũng do nghệ sĩ trẻ Tuấn Nam mở màn hồi tháng 7 vừa rồi và tôi thấy tạo ảnh hưởng rất tích cực trong cộng đồng nghệ sĩ trẻ.

Con người tôi không thể ngồi yên một chỗ hay đơn giản là nghỉ ngơi được. Tôi phải luôn làm việc mới thấy mình đang thực sự sống. Còn nhiều việc các bạn trẻ phải làm và tôi muốn mình tiếp tục giữ vai người đồng hành và chia sẻ với họ những điều cần thiết.

Nghệ sĩ Quyền Văn Minh biểu diễn trên sân khấu.

Nhưng trên một phương diện nào đó, câu hỏi của tôi có phần hơi tế nhị, ông có bao giờ nghĩ vì quen với việc “nhìn ông Minh” nên lớp nghệ sĩ hậu bối bị sức ỳ cản trở?

Đó là một nhận định đúng và bản thân tôi cũng đau đáu về điều đó nhiều năm nay… Duy trì Jazz club là tôi muốn có một sân chơi, một nơi có thể gọi là “đầu ra” cho người chơi Jazz mà trước hết chính là những thế hệ học trò của mình. Mục tiêu của tôi là 7 ngày trong tuần, sẽ có 7 ban nhạc Jazz khác nhau chơi. Hãy thử tính nhẩm thôi, nếu làm được thế, đã có bao nhiêu nghệ sĩ chơi Jazz đều đặn.

Nhưng tất cả những điều đó thực tế tôi vẫn đang chỉ có thể nỗ lực tạo ra và duy trì phong trào chơi nhạc Jazz. Bản thân các buổi diễn tôi tổ chức cũng mang tính sư phạm nhiều hơn. Chúng ta đang ngồi đây là Bình Minh Jazz club, chỉ 3 bước chân sang bên kia đường là Nhà hát lớn Hà Nội. Khoảng cách vật lý đó ngắn. Nhưng khoảng cách về nghệ thuật thì lại không ngắn như vậy.

Vậy bạn đã đã đủ tầm vóc, đủ tự tin để bước sang đường chưa? Jazz đang ghi dấu ấn với Tuấn Nam và Quyền Thiện Đắc. Khi các bạn ấy bước sang đường, họ đang đặt ra những giá trị mới cho nhạc Jazz ở Hà Nội. Bởi họ đủ độ chín về tài năng rồi và giờ đây, họ cũng đã đủ chín về tư duy để bước lên sân khấu, chơi một đêm nhạc của họ. Ở đó, tôi – Quyền Văn Minh là một vị khách mời.

Đưa Jazz trở lại với sân khấu biểu diễn, làm nóng lại phong trào chơi Jazz và truyền cảm hứng cho những thế hệ nghệ sĩ của hôm nay và tương lai. Điều gì ông còn muốn những người tiếp bước mình làm được nữa?

Tôi vừa nhận lời làm khách mời trong buổi biểu diễn của Tuấn Nam, tôi hy vọng rằng, sự kết hợp giữa một nghệ sĩ già và một người trẻ sẽ tạo nên sự khác biệt. Tôi muốn nói về một chi tiết trong buổi diễn tới đây. Ban đầu các bạn ấy đề nghị tôi chơi một bản bossa nova nổi tiếng. Sau mấy hôm, tôi bảo Tuấn Nam là muốn chơi bản Nhớ về Hậu Giang do tôi sáng tác. Tất nhiên là Nam và ban nhạc đồng ý ngay.

Tại sao tôi chọn tác phẩm này? Tôi muốn nói với các nghệ sĩ trẻ trong đêm diễn 2 điều. Thứ nhất, hãy luôn nhớ mình là người Việt Nam. Chơi nhạc Jazz hay nhạc gì cũng vậy, phải có được tiếng nói riêng của mình trong đó. Đó cũng sẽ là cách để mình “nói chuyện” với nghệ sĩ quốc tế và tạo nên giá trị riêng của mình. Điều thứ hai, tôi muốn các bạn cũng đừng quên một phần việc quan trọng của người nghệ sĩ. Đó là sáng tác. Phải viết được ra thứ âm nhạc của mình mới được.

Nghệ sĩ đang tự “ám thị” Jazz kén khán giả

Nghệ sĩ Quyền Văn Minh dành nhiều lời khen tặng cho nghệ sĩ trẻ Tuấn Nam.

Vì sao ông nhận lời biểu diễn với vai trò khách mời đặc biệt trong buổi hoà nhạc của nghệ sĩ trẻ Tuấn Nam tại Nhà hát lớn Hà Nội vào ngày 16/8 tới đây?

Vì tôi cảm thấy mình đã không còn cô độc với khát vọng Jazz nữa! Tuấn Nam là nghệ sĩ Jazz ở thế hệ con cháu đối với tôi. Tôi biết Nam từ ngày cậu ấy mới thi tuyển vào Nhạc viện Hà Nội. Khi đó, Nam đăng tuyển khoa piano cổ điển nhưng tôi đã nói với bố Nam rồi cậu ấy sẽ chơi Jazz. Và chỉ vài năm sau, Nam chuyển sang khoa Nhạc Jazz.

Học tại Việt Nam rồi đi nước ngoài tu nghiệp, về nước có thời gian làm giảng viên rồi Tuấn Nam chơi nhạc đại chúng. Và vừa rồi, cậu ấy tổ chức mini show tại jazz club của tôi trước khi mời tôi tham gia chương trình riêng của mình. Tôi nhận lời ngay vì cảm thấy rất xúc động. Cả cuộc đời tôi đã thực hiện công việc mở con đường mòn cho nhạc Jazz ở Việt Nam. Thậm chí, tôi “cống hiến” cả anh con trai Quyền Thiện Đắc cho Jazz. Và bây giờ, khi con đường mòn đã có, bắt đầu xuất hiện những điểm sáng tiếp tục dẫn lối cho Jazz như đêm nhạc của Tuấn Nam.

Ông cảm nhận như thế nào khi thấy nghệ sĩ trẻ chơi Jazz?

Chúng ta có đội ngũ nghệ sĩ chơi Jazz nhưng nghịch lý là chúng ta lại có quá ít buổi diễn nhạc Jazz thường xuyên. Những concert có concept, diễn ra trang trọng tại Nhà hát Lớn, được đầu tư bài bản, truyền thông và bán vé như Nam đang làm vô cùng quý hiếm. Thậm chí nếu để ý anh sẽ thấy, ở Hà Nội, các buổi diễn nhạc Jazz còn ít hơn cả nhạc cổ điển!

Hai nghệ sĩ trẻ Quyền Thiện Đắc và Tuấn Nam là lực lượng trẻ kế cận nhạc Jazz.

Tuấn Nam không phải nghệ sĩ trẻ duy nhất hay đầu tiên gắn bó với nhạc Jazz ở Hà Nội. Còn rất nhiều người khác, họ cũng đang theo đuổi Jazz bằng nhiều cách như Quyền Thiện Đắc, như Nguyễn Bảo Long hay Nguyễn Tiến Mạnh… Đó là chưa kể những nghệ sĩ trẻ hơn nữa đang theo học và chơi tại Jazz club của tôi hàng đêm. Chính vì thế buổi diễn của Tuấn Nam và các nghệ sĩ trẻ đồng hành cùng cậu ấy tới đây sẽ là cú hích có trọng lượng với các nghệ sĩ trẻ khác để đời sống của Jazz ở Hà Nội nói riêng và cả Việt Nam nói chung sôi động hơn.

Nghệ sĩ Quyền Văn Minh "phiêu" trên sân khấu.

Như ông chia sẻ, chúng ta có lực lượng nghệ sĩ nhạc Jazz nhưng tại sao lại có ít khán giả tiếp cận được những chương trình như vậy?

Có nhiều lý do để lý giải điều đó. Nhưng tôi nghĩ rào cản lớn nhất vẫn là tư duy của chính người nghệ sĩ. Chúng ta “ám thị” quá lâu với quan niệm khán giả đại chúng không nghe được thứ âm nhạc này. Nghệ sĩ cuối cùng cứ lẳng lặng với nhau trong Jazz club, phục vụ một nhóm khán giả thân quen mà không nghĩ đến việc bước ra sân khấu lớn. Chính vì thế tôi mới nói cái cần là những người dám làm. Chứ với tình trạng cứ đứng nhìn nhau và… nhìn ông Minh thì sẽ khó mà từ đường mòn lên đường trải nhựa được.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

L.T