Những đứa trẻ bị bỏ rơi ngay trong trái tim cha mẹ

Thanh Lam - Thu Huyền

Trong khoảng thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra những vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng của trẻ nhỏ khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa giằng xé về một thế hệ bị “bỏ quên” và hơn cả, dấu hỏi về câu chuyện trách của người làm cha, mẹ.

Nỗi đau đi theo suốt cả cuộc đời…

Là người luôn đau đáu về vấn đề bảo vệ quyền trẻ em, khi trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, bà Đặng Thị Thanh - Giám đốc trung tâm tư vấn Pháp luật cho người chưa thành niên (đơn vị trực thuộc hội Luật gia Việt Nam) nói rằng, những vụ việc đau lòng liên quan đến trẻ em xảy ra thời gian gần đây như: Vụ mẹ đẻ bỏ rơi con dưới hố ga trong nắng nóng hơn 40o C ở Hà Nội, bé trai bị bỏ rơi khi chưa cắt rốn bị hoại tử và bốc mùi ở TP.HCM… đều xuất phát từ nguyên nhân là do cha mẹ, đặc biệt là người mẹ, có thể không có điều kiện chăm sóc trẻ chu đáo.

Để xảy ra những vụ việc bé trai “tò mò” bé gái xảy ra tại một lớp mầm non ở Hải Phòng, phụ huynh để quên con 29 tháng tuổi ngay trên xe khiến bé nhập viện trong tình trạng nguy kịch ở Vĩnh Phúc, hay vụ việc đau thương xảy ra ở Nghệ An khi bé trai 5 tuổi bị bắt cóc càng đặt ra câu hỏi lớn về sự thiếu sát sao của bậc phụ huynh đối với con trẻ trong cuộc sống hàng ngày.

Theo bà Thanh, gia đình phải chịu trách nhiệm ban đầu đối với quá trình xã hội hóa của con trẻ. Khi đó, giáo dục và nuôi dưỡng là hai yếu tố then chốt quyết định tạo nên tài năng và nhân cách của mỗi con người. Song thực tế vì nhiều lý do khác nhau, một bộ phận gia đình đã không còn thật sự là “tổ ấm” để trao truyền yêu thương, chăm lo, dạy dỗ, giáo dục và nuôi dưỡng con trẻ. Ở đó, cấu trúc gia đình lỏng lẻo, liên kết giữa các thành viên trong gia đình bị đứt gãy.

Bà Đặng Thị Thanh cho rằng những sự việc này sẽ ám ảnh đứa trẻ suốt cuộc đời.

Trong suốt quá trình công tác của mình, bà Thanh cùng các cộng sự của mình đã gặp và chứng kiến rất nhiều câu chuyện đau lòng khi trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành, ngược đãi và bị bỏ rơi.

“Hậu quả mà người lớn gây ra cho con trẻ rất nặng nề. Sự ám ảnh, sự sợ hãi sẽ, tất cả sẽ in hằn trong tâm trí của các con đến suốt cuộc đời. Đã từng tiếp túc với những đứa trẻ như vậy, điều đầu tiên tôi cảm nhận được là các con có một sự mặc cảm, tự ti về bản thân vô cùng lớn. Đó chính là điều mà người lớn, những bậc phụ huynh do vô tình hay cố ý đã làm tổn thương những đứa con của mình”, bà Thanh chia sẻ.

Đáng thương hay đáng trách?

Nhìn nhận về sự việc, bà Tô Thuỵ Diễm Quyên – Cố vấn giáo dục cấp cao của tập đoàn Microsoft, cho rằng, những vụ việc đã nêu chỉ là một phần nhỏ trong số hàng trăm, hàng nghìn những vụ việc đã xảy ra tương tự đối với những đứa trẻ khác.

Bà Tô Thuỵ Diễm Quyên

“Trước khi kết hôn, hoặc khi chuẩn bị có con, những người sắp sửa trở thành cha, mẹ hãy tự đặt cho mình những câu hỏi: Phải dành thời gian cho gia đình như thế nào? Cần học thêm điều gì để phù hợp và tốt nhất cho gia đình nhỏ của mình? Làm cha mẹ là cả một quá trình, không phải ngày một ngày hai, đó thực sự là một sứ mệnh khó khăn và cực kỳ vất vả. Đừng có nghĩ con ăn no, mặc đủ là cha mẹ hoàn thành trách nhiệm. Sự thiếu hiểu biết của cha mẹ ảnh hưởng xuyên suốt đến quá trình phát triển và trưởng thành của một đứa trẻ”, bà Quyên nói.

Vị chuyên gia nhận định, bất cứ câu chuyện nào cũng phải xem xét ở dưới góc độ là gốc rễ, không thể chỉ giải quyết mình phần ngọn.

“Nói về những trường hợp trẻ bị bỏ rơi, tất cả đều có nguyên do của nó. Khi người phụ nữ mang thai không được người đàn ông hay gia đình quan tâm chăm sóc. Vì vậy, dẫn đến việc người mẹ bỏ con, chịu sự chửi bới thậm tệ từ dư luận, nhưng cũng phải nhìn vào trách nhiệm của người đàn ông, người cha. Những đứa trẻ thiếu đi sự quan tâm thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến suốt cuộc đời. Khi ai đó kể cho những đứa trẻ đó nghe về câu chuyện mình bị bỏ quên, bị đối xử như thế nào, bị ruồng bỏ ra sao. Lúc đó, chúng sẽ hận cha mẹ, hận cuộc đời. Đó là câu chuyện về tương lai của những đứa trẻ mà ai cũng có thể đự đoán được”, bà Quyên nhìn nhận.

Tuy nhiên, bà Quyên cho rằng những trường hợp bỏ rơi con cũng phải nhìn nhận ở góc độ tâm sinh lý bất ổn định của sản phụ sau khi sinh, những biến cố về tâm lý, cú sốc về tinh thần...đều có thể là nguyên nhân dẫn đến những hành vi sai lầm của họ.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, mọi hành vi xâm phạm quyền trẻ em đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả gây ra. Theo luật sư Thơm, luật Trẻ em 2016 nghiêm cấm bố mẹ bỏ rơi, bỏ mặc con của mình, kể cả khi vừa sinh ra. “Cụ thể, trong trường hợp người mẹ bỏ con vừa sinh giữa trời nắng 400C, hành vi của người phụ nữ tuy là nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa thỏa mãn dấu hiệu tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự về tội vứt con đẻ nên không cấu thành tội phạm. Hành vi vi phạm pháp luật này bị xử lý bằng biện pháp hành chính theo theo điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 10- 15 triệu đồng đối với hành vi "Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh".

Khó khăn khi xử lý các vi phạm xâm hại trẻ em do chính cha mẹ gây ra

Để có cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng cục Trẻ em (bộ LĐ-TB&XH).

Thưa ông, thời gian gần đây, những vụ việc liên quan đến trẻ em gây xôn xao dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, những sự việc đau lòng xảy ra, trách nhiệm chính thuộc về bậc làm cha, làm mẹ. Ông có nhận định như thế nào về vấn đề này?

Những hành vi nêu trên là hành vi xâm hại trẻ, trong đó có những hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Pháp luật quy định, cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con, yêu thương con. Vì vậy, bố mẹ phải có ý thức không được phép bạo lực gia đình, xâm hại trẻ. Không phải mình là cha mẹ, đẻ con ra muốn làm gì thì làm, trẻ em luôn được pháp luật bảo vệ.

Như ông nói, những hành vi xâm hại trẻ em cả về sức khoẻ, tính mạng của trẻ đã được quy định. Nhưng dường như, dư luận vẫn cảm thấy mức xử lý cho các hành vi này là quá nhẹ?

Ông Đặng Hoa Nam chia sẻ với PV.

Chúng ta đã có hệ thống quy định pháp luật về xử lý các hành vi xâm hại trẻ em cả hành chính và hình sự. Theo tôi, trước mắt phải tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có thực quyền, đặc biệt là chính quyền địa phương để xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em nói chung ở mức độ hành chính.

Tiếp đó là đối với cha mẹ, các thành viên trong gia đình đây là thách thức, trở ngại lớn từ trước đến nay. Bởi, thông thường các bậc cha mẹ và các thành viên trong gia đình xâm hại trẻ nhưng chưa đến mức xử lý hình sự thường rất khó giải quyết, xử lý.

Quay trở lại câu chuyện bé trai bị bỏ rơi ở hố ga tại Sơn Tây, cơ quan chức năng đã tìm được người mẹ. Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt câu hỏi là nếu người mẹ biết ăn năn hối cải thì có nên giao đứa trẻ đó về lại với một người mẹ như vậy hay không?

Theo tôi, phải đánh giá theo hướng dẫn, kết hợp giữa cơ quan pháp luật và các chuyên gia về mặt tâm lý, chuyên gia về bảo vệ trẻ em, theo đúng quy trình của Nghị định 56 của Chính phủ quy định một số điều chi tiết về luật Trẻ em.

Cần đánh giá về tâm lý cũng như khả năng bảo vệ trẻ em của bà mẹ này có thực hiện được hay không, trước mắt thì phải có một hình thức chăm sóc thay thế, có thể là gia đình hoặc các trung tâm chăm sóc trẻ em. Thêm nữa, người mẹ này phải thực thi nghiêm pháp luật, một bà mẹ mà bỏ rơi con, gây nguy hiểm cho con như thế thì trước hết phải xử lý nghiêm.

Trẻ em là người yếu thế cần được bảo vệ, nhưng thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ việc đau lòng. Ông nhìn nhận như thế nào về mức độ xử lý các trường hợp đã gây tổn hại cho trẻ?

Cũng có những lỗi là do cố ý, hoặc có những lỗi là vô tình, vô ý bỏ quên trẻ trong xe là do thiếu kiến thức, kỹ năng. Giáo dục cho dù là cố ý hay vô hại cũng đều dẫn đến những ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, danh dự của trẻ.

Trẻ em cũng như người trưởng thành, đều là con người nên những quyền an toàn về sức khỏe, tính mạng được pháp luật bảo vệ, tất cả hành vi vi phạm đều bị xử lý. Chưa nói trẻ em là đối tượng nhỏ tuổi, khả năng phòng vệ, tự phòng ngừa của các em rất yếu. Vì thế, bất kỳ hành vi xâm hại nào đều là tình tiết tăng nặng.

Thêm nữa, phải có những biện pháp đồng bộ hơn, trước hết là tăng cường giáo dục gia đình, giáo dục cha mẹ với tính chất nêu gương và chống lại sự xuống cấp về mặt đạo đức xã hội.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

T.L - T.H