Mới đây, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Ngô Văn Quý cũng vừa ký, ban hành văn bản về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Văn bản được đưa ra trong bối cảnh các địa phương liên tục ghi nhận ca mắc mới và một số trường hợp dương tính có lịch trình phức tạp tại Hà Nội. UBND Hà Nội vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết, thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch như rửa tay sát khuẩn; đeo khẩu trang; hạn chế tập trung đông người (từ 30 người); giữ khoảng cách tối thiểu 1 m khi tiếp xúc. Nhà hàng, quán bia phải bố trí khách ngồi cách nhau tối thiểu một mét và nhân viên phải đeo khẩu trang, từ 0h ngày 19/8.
Phó chủ tịch HN Ngô Văn Quý vừa ký văn bản vận động người dân không tụ tập, hàng quán phải giãn cách.
Chia sẻ về việc người dân tụ tập đông người mùa dịch, ông Ngô Văn Quý cho hay: “Các quán bia hơi thường tập trung đông người, nếu có ca bệnh thì nguy cơ lây lan rất lớn. Bên cạnh việc giãn cách chỗ ngồi, tổ chức đo thân nhiệt cho khách vào, thành phố khuyến khích nhà hàng, quán bia, giải khát sử dụng vách ngăn. Người dân cố gắng không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết, nếu phải ra đường thì thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang”.
Các quán ăn đêm trên vỉa hè phố Đồng Xuân vẫn chen chúc nhau không tuân thủ khoảng cách quy định. (Ảnh chụp tối 16/8/2020).
Nói về ý thức của một số người dân hiện nay trong công tác phòng dịch chuyên gia xã hội – giáo dục Đào Ngọc Cường cho PV Người Đưa Tin Pháp Luật hay: “Tôi có cảm giác là đợt dịch Covid lần 2 này, người dân chủ quan rất nhiều, có thể thấy rằng các nơi công cộng như thang máy, chợ dân sinh, sân chơi… người dân vẫn không có ý thức đeo khẩu trang. Nhiều quán bia, quán nhậu vẫn đông đúc. Một người bạn của tôi còn mạnh miệng nói rằng: Covid ở đâu, chứ có ở chỗ anh ấy đâu… Đó là một suy nghĩ thiển cận, và có thể nói là xuẩn ngốc. Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nếu mỗi người dân không tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng thì sẽ rất nguy hiểm. Tâm lý “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” xuất hiện ở nhiều người, điều nay cần lên án để ai cũng có ý thức hơn…”.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Tuấn (Bệnh viện Nông Nghiệp) cho PV Người Đưa Tin Pháp Luật biết: “Chính phủ và các bộ ngành đều đang chung tay để dập dịch Covid- 19, và chúng tôi cần người dân đồng thuận cùng bởi chỉ có sự đồng lòng, quyết tâm có ý thức cộng động mới đẩy lùi được dịch bệnh đang lan tràn trên thế giới. Thế nhưng, thực tế còn rất nhiều người dân có ý thức chưa cao, họ vẫn tụ tập ăn uống, chơi bời, đua xe, đánh bài… với nhau, điều này cực kỳ nguy hại.. Nguy cơ lây nhiễm Covid – 19 là khó tránh khi chúng ta không biết được ai trong số những người đến ăn uống ở đó mang mầm bệnh. Nhất là khi những người mắc Covid- 19 có nhiều người lại không hề có triệu chứng.
Ngay cả khi không có dịch Covid – 19, có thể các bệnh truyền nhiễm lây qua đường nước bọt, ăn uống hoặc đường hô hấp cũng đã luôn luôn thường trực, tiềm ẩn khi tụ tập nhậu nhẹt ở quán bia. Có rất nhiều bệnh truyền nhiễm có thể lây truyền dễ dàng qua đường ăn, uống. Chẳng hạn như bệnh lao phổi, bạch hầu… các bệnh truyền qua đường hô hấp đều có khả năng lây chéo cho người sinh hoạt chung khi ngồi uống, ăn rồi hét hò với nhau. Qua tiếp xúc gần, qua các hạt nước bọt cũng có thể lây từ người khác bệnh như cúm, sởi, viêm họng liên cầu khuẩn, thậm chí là quai bị”.
Các lực lượng chức năng đã ra quân vận động, nhắc nhở người dân tuân thủ nghiêm quy định.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Tuấn cho biết thêm, tuy dịch đã có những diễn biến mới ở 3 miền nhưng nhiều người dân vẫn không có thói quan đeo khẩu trang, rửa tay ở nơi công cộng: “Nếu ý thức người dân như vậy, dịch Covid- 19 sẽ còn diễn biến phức tạp và gặp nhiều khó khăn. VVì thế chúng tôi kêu gọi cộng đồng cùng Chính phủ chung tay từ những việc nhỏ như không tụ tập nhậu nhẹt, thực hiện vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, chỉ cần giãn cách một chút, chúng ta sẽ có những tháng ngày không dịch bệnh bình yên”.
Về vấn đề này bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế công cộng Tp.HCM bình luận: “Tôi có quan sát các nhà hàng, quán ăn mùa dịch Covid -19 thì thấy rằng, những chỗ ấy vẫn khá đông, người dân nên hạn chế ra ngoài ăn uống, không tụ tập nơi đông người theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Việc tụ tập ở những nơi có rất nhiều người lạ sẽ có nguy cơ lây nhiễm khó lường. Ngoài nguy cơ nhiễm Covid-19, các bệnh truyền nhiễm khác như cũng có thể truyền qua đường miệng, nước bọt như bệnh viêm màng não, nhiễm khuẩn do virus herpes, lở mồm long móng… thông qua nước bọt còn sót lại trên ly, cốc”.
CháBác sĩ Nguyễn Xuân Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế công cộng Tp.HCM.
BS Nguyễn Xuân Mai nhấn mạnh, khi đi ngồi ở quán bia, nhà hàng, đa số thực khách khi đến quán là ngồi ngay vào bàn, gọi món và ăn mà không quan tâm đến việc rửa tay trước khi ăn. Dùng các món ăn trực tiếp bằng tay mà không vệ sinh bàn tay là phản khoa học. Thói quen này rất không vệ sinh, nguy cơ gây bệnh, nhất là bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Bàn tay là nơi tiếp xúc nhiều thứ nên trú ngụ rất nhiều vi khuẩn. Bàn tay bẩn dễ dàng trở thành kẻ trung gian mang vi khuẩn, xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Vì thế việc đeo khẩu trang, rửa sạch tay và ý thức của người dân là điều quan trọng nhất.
Chia sẻ với PV, chuyên gia xã hội học Khánh Hà (Học viện Báo chí tuyên truyền) cho hay: “Xã hội hiện nay ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, nếu có người “tặc lưỡi” cho rằng, Covid không nguy hiểm, thì người bạn của anh ta sẽ có xu hướng suy nghĩ như vậy. Nhưng đây là suy nghĩ lệch lạc, cần điều chỉnh. Chúng ta đã có gần 1.000 người nhiễm Covid- 19 và nhiều người tử vong liên quan đến Covid – đó là con số đáng báo động. Người dân cần tự mình phòng ngừa cho mình và cho xã hội. Nếu bất chấp tụ tập chơi bời, họ chẳng khác gì những “xác sống” mà đợi đến ngày bị nhiễm bệnh và còn nguy hiểm cho cộng đồng… Hãy nhìn vào mắt trẻ con, hãy nhìn vào mắt người già mà sống sao có ý thức, để cùng chung tay đẩy lùi Covid- 19”..
Luật sư Đoàn Xuân Hương (Đoàn luật sư Hà Nội) chia sẻ: “Hành vi tụ tập đông người được xử phạt căn cứ theo điểm c khoản 4 Điều 11 Nghị định số 176/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định về việc không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng. Nếu đó là hành vi tụ tập đông người, ăn nhậu trong thời điểm cách ly, có dấu hiệu làm lây lan dịch bệnh thì mới có thể xử lý hình sự. Cụ thể, người nào biết mình đã nhiễm bệnh, nhưng vẫn cố tình tụ tập để lây lan cho người khác thì đây là hành vi là cấu thành tội. Đối với cán bộ, đảng viên, nếu có hành vi tụ tập, tiệc tùng trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, ngoài xử phạt như người dân bình thường, còn bị xử lý về mặt Đảng”..
L.T