Những “siêu nhân” lấp lánh giữa bùn non

Cẩm Mịch

Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua không chỉ khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn mà còn tàn phá sức sống nhiều trường học tại miền Trung. Chẳng chịu khuất phục trước gian lao, những “siêu nhân” giảng đường vẫn đang miệt mài dang tay chở che mỗi học trò.

Bức tâm thư đượm tình của “thầy giáo làng”

Đó là bức tâm thư của một thầy hiệu trưởng nơi rốn lũ, trước ngày đón học sinh quay trở lại trường sau những ngày thầy trò xa cách do chịu ảnh hưởng của mưa lũ.

Nằm giữa một trong những khu vực bị ngập sâu của tỉnh Quảng Bình, trường THPT Quảng Ninh không tránh khỏi cảnh bị hư hỏng, thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh. Ngôi trường vừa bị trận lũ lịch sử giữa tháng 10 nhấn chìm trong biển nước, hàng trăm học sinh của trường vừa trải qua cơn đại hồng thủy chưa từng có suốt hơn 100 năm qua.

Nước rút, thầy Quý cùng tập thể cán bộ, giáo viên của trường đến dọn dẹp, sắp xếp lại đồ đạc, dụng cụ học tập còn sót lại một cách hoàn chỉnh, ngăn nắp để đón học sinh trở lại trường.

Để hàng trăm học trò của mình có thể yên tâm đi học sau khi nước rút, thầy Hà Văn Quý - Hiệu trưởng trường THPT Quảng Ninh (Quảng Bình) - đã chia sẻ một bức tâm thư trên trang cá nhân. Trong thư, thầy ân cần dặn dò học sinh không nhất thiết phải mặc đồng phục hay học bài cũ; áo ố cũng đừng tự ti, chỉ cần đủ ấm; xe hỏng đến trễ cũng được, miễn là an toàn; hãy dành thời gian hỏi han bạn bè thầy cô...

Bức tâm thư của “thầy giáo làng” Hà Văn Quý đã nhanh chóng được cộng đồng mạng chú ý và chia sẻ. Nhiều đồng nghiệp như thấu hiểu hơn về những nỗi đau của “khúc ruột miền Trung”, Đọc bức thư thấm đẫm tình người của thầy hiệu trưởng Hà Văn Quý, có đồng nghiệp đã phải thốt lên: “Không biết thầy Quý là dân chuyên Toán hay chuyên Văn nữa”.

Không chỉ là những dòng nhắn nhủ ấm áp, bức tâm thư của thầy Quý còn đáng quý vô cùng, bởi những bài học nhân cách, những giá trị nhân văn muốn truyền đạt cho mỗi học trò.

Trước đó, thầy Quý cũng đã viết thư kêu gọi sự giúp đỡ học trò: “Hiện nay, có rất nhiều học sinh trường THPT Quảng Ninh (Quảng Bình) nói riêng và cả khu vực vùng Nam của huyện Quảng Ninh nói chung đã bị trôi mất và ướt hết áo quần, sách vở, bút viết... Vì vậy, nhà trường chúng tôi tha thiết kêu gọi các o, các bác, các chú, các anh chị em bạn bè, các em học sinh, sinh viên đang sinh sống trên mọi miền của Tổ quốc, xin tiếp tục mở lòng hảo tâm, dù ít hay nhiều, dù chưa có điều kiện thì hãy chia sẻ thông tin để bạn bè biết, ủng hộ cho các học trò vùng quê khó khăn, chuẩn bị để được đi học trở lại!”.

Sau khi kêu gọi, thầy Hà Văn Quý đã cùng các thầy cô trong trường lênh đênh trên những con thuyền, lặn lội ghé thăm từng gia đình, góp phần hỗ trợ cho mỗi học sinh trong khu vực.

Được biết, thầy Hà Văn Quý sinh năm 1983, nguyên là học sinh chuyên Toán của trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp, tốt nghiệp trường đại học Sư phạm Huế. Thầy Quý được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường THPT Quảng Ninh từ tháng 7/2020. Thầy Quý tự nhận mình là “thầy giáo làng”.

Không ít đồng nghiệp lớn tuổi hơn cũng phải tấm tắc trước những lời thủ thỉ chân thành, cũng như những tình cảm đáng trân quý mà thầy Quý dành cho học trò của mình. TS Lê Thống Nhất đã phải xuýt xoa: “Hàng vạn trái tim đã khâm phục một thầy hiệu trưởng sinh năm 1983!”.

Chưa dọn xong lũ, đã lo chạy bão

Những ngày qua, các tỉnh miền Trung phải liên tiếp đón những đợt lũ chồng lũ, đội ngũ giáo viên các địa phương cũng phải “căng mình” khắc phục hậu quả mưa lũ và sẵn sàng cho những “cuộc chiến” mới.

Ngày 28/10, sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình lại có công điện khẩn, yêu cầu các trường học, đơn vị trực thuộc thông báo cho học sinh nghỉ học và tạm dừng mọi hoạt động giáo dục để phòng tránh bão số 9.

Trước diễn biến này, cô giáo Đinh Thị Phương Nhạn - Hiệu trưởng trường tiểu học số 2 Quảng Văn (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) - cho biết: “Từ tháng 9 đến nay, trường đã bị ngập 5 lần. Sau khi khẩn trương khắc phục hậu quả trận lũ lụt lịch sử, nhà trường đã sớm đón học sinh trở lại trường, triển khai công tác dạy và học được 1,5 ngày. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của bão số 9, ngay khi nhận được điện khẩn của Sở, nhà trường lập tức thông báo cho học sinh nghỉ học. Đồng thời, triển khai các công tác ứng phó mưa bão.

Trường nằm ở vùng thấp trũng, dễ bị ngập lụt nếu mưa bão xảy ra, vì thế, đợt bão số 9 này, bên cạnh việc di dời tài sản, thiết bị dạy học, nhà trường cũng tăng cường công tác gia cố để tránh gió lùa đánh sập cửa và hư hại tài sản bên trong các phòng học”.

“Hiện tại, có 55 học sinh sống cùng gia đình trong nhà tạm ở gần trường, đang bị ngập sâu, nhà trường đã lên kế hoạch kêu gọi hỗ trợ cho các em. Đồng thời, chúng tôi cũng đang trong quá trình tìm kiếm và vận động sách vở cho học sinh toàn trường, dự kiến, ngày 31/10, sách sẽ đến tay các em” - cô Nhạn chia sẻ.

Cô Đoàn Thị Thanh Bình - Hiệu trưởng trường tiểu học số 1 An Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) - cũng thông tin: “Trong đợt mưa lũ vừa qua, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường cũng thiệt hại khá nhiều, trường bị ngập gần 3 m. Mấy ngày mưa lụt thì trường cũng phải cắt cử người trực để bảo vệ tài sản khi nước dâng lên cao, các thầy cô thay nhau “trực chiến”.

Chúng tôi vừa mới dọn lũ trong 5 ngày, còn chưa xong, dự định đến sáng hôm sau cho học sinh đi học trở lại thì lại nhận thông báo về bão số 9, toàn trường lại phải nghỉ. Chiều ngày 28/10, mưa to, nhà trường lại tiếp tục chạy lụt”.

“Còn nhớ, trong đợt lụt thứ nhất, học sinh vào học từ 7h30, đến 8h, thấy tình hình nước ngoài sông dâng cao nên nhà trường phải thông báo cho phụ huynh đến đón học sinh về.

Gia đình học sinh cũng bị ngập, tài sản bị hư hỏng hoặc bị nước lũ cuốn trôi, sách vở của các em cũng bị ướt hết, thậm chí, nhà của nhiều học sinh còn bị sập, rất thương... Bước đầu, nhà trường cũng đã kêu gọi các nhà hảo tâm, ủng hộ sách vở để học sinh có thể sớm trở lại trường khi đã an toàn” - Hiệu trưởng trường tiểu học số 1 An Thủy chia sẻ thêm.

Trước thử thách của thiên nhiên, hình ảnh những người thầy hết lòng vì học sinh lại hiện lên thật lấp lánh giữa muôn lớp bùn non và mênh mông nước lũ... trở thành những tấm gương đáng trân quý giữa đời thường.

Dưới đây là bức thư xúc động của thầy hiệu trưởng Hà Văn Quý gửi cho học sinh trước ngày đi học trở lại sau đợt lũ lụt vừa qua:

“Thân gửi các em học sinh!

Vậy là nước lũ đã rút, nhiều gia đình đang cố gắng dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc, và thầy biết nhiều em cũng đang sắp xếp áo quần, sách vở - dù không còn nhiều để xếp - chuẩn bị ngày mai đi học trở lại.

Ngày mai đi học, các em không nhất thiết phải mặc đồng phục, không nhất thiết phải áo trắng, áo dài và nếu có ố vàng một chút cũng không sao, đừng quá tự ti, đừng quá lo lắng, miễn là áo quần đủ khô, đủ ấm em nhé!

Ngày mai đi học, các em không nhất thiết phải mặc dép có quai hậu (như quy định của Đoàn trường), chỉ cần có cái để xỏ vào chân, bùn lấm một tí cũng được, sứt mẻ một tí cũng được, miễn là đủ để ngăn rác bẩn hay cây gai đâm vào chân, em nhé!

Ngày mai đi học, các em nhớ dậy sớm một tí, đề phòng chiếc xe yêu thích ngày nào bỗng dưng “dở chứng”, mình có thể làm một cuốc “bộ hành” giữa trời Thu xanh mát, hoặc có thể ra đường ngóng chúng bạn “hốt-dùm-tui-đi”, và nếu trễ một chút cũng không sao, miễn là đi đủ chậm và an toàn, thấy ai trách thì nhớ mỉm cười và cúi đầu xin được thông cảm, em nhé!

Ngày mai đi học, nếu chưa có đủ sách vở hoặc bút viết, xin các em đừng quá lo lắng, thầy cô còn có nhiều bài học làm người, bài học cho tinh thần tương thân tương ái, bài học về giá trị cốt lõi của học trò trường Quảng Ninh mà đôi khi các em chỉ cần dùng trái tim để “learn by heart” mà không phải ghi chép gì nhiều, em nhé!

Ngày mai đi học, nếu cũng không còn cặp sách để đựng đồ cũng không sao, các em có thể bỏ tất cả vào một bao ni lông, cột thật chặt, và nhớ ghi rõ tên và trường để bà con gửi trả về nếu lỡ nước có cuốn trôi, em nhé!

Ngày mai đi học, khoan hãy học bài cũ, các em có thể dành thời gian hỏi han bạn bè, thầy cô sau đợt lụt vừa rồi, và nhớ đừng chê cười nếu như crush của mình mặc đồ không được đẹp, đi dép không được “mốt” hay thấy một bao ni lông lăn lốc trong góc bàn cuối lớp, em nhé!

Ngày mai và nhiều ngày tới nữa, các nhà hảo tâm cũng sẽ đến với các em (như họ đã hứa với thầy cô), thầy mong các em biết trân quý những đồ dùng mà mình nhận được, nếu có hơi cũ, hơi rách tí thì cũng mong các em hiểu, đó không chỉ là cuốn vở, tấm áo mà còn cả tấm lòng tương thân tương ái của các bác, các o, các chú, các anh chị em, và đặc biệt từ các bạn học sinh cùng trang lứa từ mọi miền khắp cả nước, các bạn học sinh ấy, dù còn nhiều nghèo khó nhưng vẫn đóng góp ủng hộ một vài cuốn vở hay 10.000, 20.000 đồng... Họ đã dành cho đồng bào miền Trung nói chung và trường chúng ta không chỉ tiền của, sức lực, thời gian, không chỉ sự cho - nhận thông thường, mà còn cả tấm lòng yêu thương đến nghẹn lòng, em ạ!

Và cuối cùng, ngày mai đi học, thầy mong các em vẫn bình tĩnh, tự tin và mỉm cười, còn người là còn của, đừng quá lo lắng, đừng quá bi quan, thua keo này ta bày keo khác, chỉ cần cố gắng từng tí một, vượt qua những trở ngại trước mắt, không ngừng học tập, và thầy tin, tươi sáng sẽ sớm đến với chúng ta!

Chào mừng các em học sinh trở lại trường THPT Quảng Ninh sau những ngày lũ lụt!

Yêu và thương các em thật nhiều!

Thầy giáo làng của các em.

27.10.2020”.

Nhìn trò đi học nhờ, thầy chỉ thấy thương...

Trò chuyện với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, thầy Nguyễn Công Tươi - Hiệu trưởng trường THPT Võ Chí Công (huyện Tây Giang, Quảng Nam) - cho biết: “Đợt mưa lớn kéo dài cuối tháng 9 vừa qua khiến sạt lở đất đá xuống khu nội trú học sinh, không đảm bảo điều kiện ăn ở, việc dạy và học của thầy cô và học sinh.

Chính vì vậy, 277 học sinh trong trường phải di dời về học tạm tại trường THPT Tây Giang, cách đó khoảng 40km. Việc di dời diễn ra trong khoảng 3 ngày, với sự tham gia của toàn bộ thầy cô nhà trường cùng sự hỗ trợ của lực lượng chức năng tại địa phương. Trong quá trình di dời, do thời tiết cũng diễn biến bất thường nên mất khá nhiều thời gian.

Hiện tại, học sinh đi học ổn định tại môi trường mới. Cũng có những mặt bỡ ngỡ đối với học sinh và giáo viên khi sinh hoạt và học tập tại không gian không phải chính thức của nhà trường. Nhìn thì chỉ thấy thương học trò nhiều nhất. Nhưng tất cả cũng là vì sự an toàn cho các em!”.

Được biết, năm 2019, thầy Nguyễn Công Tươi từng được biết đến là người thầy tâm huyết, hết lòng vì học trò, lặn lội đi xin cho trò từ cuốn sách, quyển vở tới đôi dép, cây bút để học trò người Cơ Tu không vì thiếu thốn mà bỏ ngang đường theo con chữ.

Thầy cô băng rừng, lội bùn non dọn lớp

Mưa lũ làm hư hại nhiều tài sản, sổ sách của trường tiểu học & THCS Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị). Lũ rút, trường lại ngập trong lớp bùn đến nửa mét.

Thầy Nguyễn Văn Tý - Hiệu trưởng trường tiểu học &THCS Hướng Việt - cho biết, mặc dù lũ đã rút nhưng do địa bàn xã Hướng Việt đang bị chia cắt, cô lập nên công tác khắc phục hậu quả đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước đó, để vào được trường nắm tình hình, thầy hiệu trưởng cùng các giáo viên phải đi vòng từ Quảng Bình. Đến đoạn rừng núi, các thầy để lại xe máy, trèo rừng lội suối hơn 20 km mới vào đến trường.

“Đặc biệt, trên địa bàn, các em học sinh chủ yếu là người đồng bào, dân tộc thiểu số, cuộc sống rất khó khăn, bình thường để động viên các em đến lớp đã khó, nay gặp cảnh lũ lụt, tàn phá trường lớp, vận động các em trở lại trường sau lũ lại càng khó khăn hơn” - thầy Tý bộc bạch.

C.M