Những số phận khốn khổ tại “xóm chạy thận” lao đao trước dịch Covid-19

Anh Ngọc

Cuộc sống vốn đã khổ, nay còn khó khăn hơn đối với hàng chục bệnh nhân đang chạy thận tại bệnh viện Giao thông Vận tải Vinh.

"Hú hồn" khi có ca nhiễm Covid-19 đến khám

“Xóm chạy thận” nhân tạo thực chất là một trụ sở bỏ hoang được cải tạo và cho thuê nằm đối diện bệnh viện Giao thông Vận tải Vinh (phường Quán Bàu, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An). Đây là nơi trú ngụ của 15 bệnh nhân là những người bị suy thận giai đoạn cuối, khi chức năng của thận đã bị suy giảm từ 85 đến 90%.

Mắc căn bệnh hiểm nghèo nên cuộc sống vốn đã khốn khó, nay dịch bệnh ập đến việc mưu sinh của họ càng túng quẫn hơn bao giờ hết. Thậm chí, đại dịch này đã nhiều lần “dậy sóng” khiến các bệnh nhân đứng ngồi không yên.

Ông Lô Vĩnh Tình, trú xã Tam Thái, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An phải lặn lội hơn 200km tới đây điều trị bệnh. Bà Vang Thị Huyến (64 tuổi, vợ ông Tình) cũng đành phải đi theo chồng để chăm sóc, lo lắng từng bữa cơm hàng ngày.

Trong một lần bà vào bệnh viện nhận tiền hỗ trợ cho chồng, bất ngờ nhận được thông báo tất cả mọi người phải ở lại làm xét nghiệm vì có ca bệnh nhiễm Covid-19 từng đến viện khám. “Tôi không mang điện thoại nên không báo được cho ai. Mãi sau 2 ngày 1 đêm khi có kết quả âm tính cả thì tôi mới được ra về. Thời điểm này cả xóm ra trêu vì không thấy tôi về ông ấy đi tìm khắp nơi, còn khóc nữa”, bà Huyến kể.

Từ khi dịch bùng phát, xóm trọ chạy thận chỉ trông chờ vào những bữa cơm từ thiện mới có đầy đủ rau canh thịt cá. Hôm thì cả xóm nhận cơm của phường, hôm của bệnh viện, có hôm của những nhà hảo tâm, những đoàn thiện nguyện đến trao tặng.

Ông Tô Văn Lan (64 tuổi), trú huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã gắn bó 6 năm với xóm chạy thận này. Sống một mình, sức khỏe lại yếu nên bữa ăn của ông phụ thuộc vào từ thiện. “Có bữa không đủ suất nên mọi người lại san sẻ cho nhau. Giờ dịch bệnh, anh em chỉ biết nương tựa, giúp đỡ nhau qua ngày thôi”, ông Lan chia sẻ.

Nhớ nhà lắm nhưng không thể về

Phòng bên cạnh là vợ chồng ông Lê Văn Hường (70 tuổi) và bà Ngô Thị Khả (70 tuổi) trú xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông Hường bị thận mãn, đa nang khiến bụng của ông lớn như mang thêm 1 chiếc trống.

Ngoài tuần 3 lần lọc máu, vài tháng ông Hường còn phải hút dịch ở bụng cho đỡ to, bớt nặng nề. Để chăm sóc chồng, bà Khả cũng khăn gói vào để có vợ có chồng.

Bệnh tật nên ngoài những lần vào viện lọc máu, ông Hường chỉ đứng trước cửa nhìn cuộc sống bên ngoài, còn bà Khả hàng ngày vẫn đi khắp các tuyến phố nhặt ve chai. Thông thường, bà cũng nhặt bán được vài chục nghìn, có ngày may mắn được cả trăm nghìn.

Tuy số tiền không nhiều nhưng có thêm chi phí cho vợ chồng bà trang trải những ngày chạy thận. Thế nhưng, từ ngày dịch bệnh Covid-19 ập đến, bà Khả chỉ dám đi loanh quanh khu trọ nhặt ve chai nên thu nhập giảm hẳn. Khi thành phố Vinh tiến hành cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, bà không còn dám ra ngoài nhặt ve chai, thu nhập cũng vì vậy đã mất.

“Nhà 6 đứa con, chúng lập gia đình cả rồi. Trước thỉnh thoảng các con vào thăm cũng đỡ nhớ, giờ dịch bùng lên, các con cháu không vào được, cũng không gửi đồ vào được. Mong dịch sớm qua đi để chúng tôi được về nhà ít bữa...”, ông Hường nói.

Bác sỹ CKII Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng khoa Thận tiết niệu và lọc máu, bệnh viện Giao thông Vận tải Vinh cho biết, từ ngày 13/6, thành phố Vinh xuất hiện ca đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2, bệnh viện vẫn hoạt động bình thường. Đến ngày 19/6, thành phố Vinh thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19 thì hầu hết bệnh nhân ở lại bệnh viện.

“Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng ca dương tính tăng lên, bệnh viện đã vận động bệnh nhân và người nhà ở lại để điều trị, tránh rủi ro khi đi lại. Một số người sống trong trụ sở cũ của xí nghiệp. Cuộc sống của họ đa số đều khó khăn. Chúng tôi cũng mong các nhà hảo tâm giúp đỡ để các bệnh nhân có thêm sự động viên để tiếp tục chữa trị”, bác sĩ Mạnh nói.

A.N