Nỗi đau… sinh viên giỏi!

Sinh viên giỏi- niềm tự hào của gia đình, nhà trường bỗng bị công an điều tra vì trồng “nấm thức thần”(còn gọi nấm ma túy) trong nhà, sau đó rao bán trên mạng xã hội. Sự bất ngờ này thành đòn chí mạng đánh vào sự hãnh diện của đấng sinh thành. Nó là hiện thân của nỗi đau kiểu “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”.

Ảnh minh họa

Học để thành tài. Học để áp dung kiến thức vào phát minh, sáng chế có ích cho xã hội. Nhưng sinh viên giỏi của trường ĐH Bách Khoa này đã lạc lối trong biển tri thức mênh mông ấy. Sinh viên ấy chui mình vào tổ kén, thai nghén điều xấu bung ra thành hậu quả gây hại cho cộng đồng.

Nam sinh viên bị bắt vì trồng nấm ma túy để bán kiếm tiền và đã phải nhận rất nhiều sự chỉ trích. Việc em làm sai, nam sinh phải chịu sự trả giá, phải chịu sự phán xét của pháp luật nhưng phía sau đó là những nỗi lòng thầm kín của một học sinh giỏi.

Tại cơ quan công an, nam sinh này bộc bạch nỗi lòng sâu kín: Do suốt ngày vùi đầu vào học hành, bị stress nặng nên em đã tìm đến "nấm thức thần" để giải khuây rồi nảy sinh ý định tự nghiên cứu trồng để sử dụng và bán. Nghe lời “tự thú” của em, chắc hẳn những bậc phụ huynh cũng cảm thấy xót xa.

Có bao nhiêu ông bố, bà mẹ có thể hiểu hết nỗi khổ của con? Người làm cha, làm mẹ có giật mình trách bản thân đã thiếu sự quan tâm đến con. Kỳ vọng con nối dài cuộc sống của mình mà tạo cho con quá nhiều áp lực. Đứa trẻ không còn tuổi thơ. Đứa trẻ già trước tuổi. Đứa trẻ lao vào con đường tội lỗi tự đánh mất tương lai!

Cách đây chưa lâu, câu chuyện của nữ sinh lớp 7 trường THCS Tân Lâm (trú tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) để lại thư tuyệt mệnh rồi tử tự trong lớp học. Trong thư, nữ sinh này xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút, khi không đạt được kết quả tốt như kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô nên quyết định quyên sinh... Nỗi đau xé nát tâm can người làm cha mẹ. Sự quan tâm đến con trẻ đã thành muộn nhưng nó đã đánh thức, cảnh tỉnh cho biết bao người.

Chuyện học giỏi, học dốt có phần là di truyền, có phần là thiên phú và ai cũng có nỗi niềm riêng. Nhưng cuộc đời là vòng xoáy vô định, tương lai là sự trừu tượng khó ai biết trước. Có những học sinh giỏi chỉ trên sách vở bước ra đời thành “gà công nghiệp”, có những học sinh “đội sổ” chẳng vào đại học nhưng vào đời lại thành danh. Thế giới đã ghi nhận những tỷ phú chưa từng ngồi trên giảng đường đại học, khi còn là học trò thì cá tính nghịch ngợm kiểu “rạch giời rơi xuống”.

Thay vì trách móc trẻ, bắt trẻ làm những gì cha mẹ mong muốn, người làm cha mẹ hãy cùng con đối mặt với nhịp độ học căng thẳng, chạy đua với thời gian mỗi ngày. Hãy đặt mình vào các con để biết, bản thân con em ta luôn phải “căng mình” để có thể đáp ứng với nhịp độ ấy. Sự “lệch pha” trong tâm lý, lứa tuổi và mối quan tâm của người lớn dẫn tới việc trẻ lựa chọn cách “tự xử” và dễ dẫn đến những hành động sai.

Trường hợp nam sinh viên năm thứ nhất trường đại học Bách Khoa chắc hẳn cũng không nằm ngoại lệ? Em học giỏi, em được thầy cô bạn bè đánh giá là ngoan hiền nhưng ngoan không có nghĩa sẽ không… sai đường.

Trẻ bội thực rồi những lời trách móc, ra lệnh. Trẻ cần sự thấu hiểu, lắng nghe. Một nghìn lời nói không bằng một lần cầm tay trẻ cùng đi trên con đường đúng. Một cây non được uốn nắn, chăm chút sẽ mọc thẳng và khỏe mạnh trước thách thức của giông bão.

Xin hãy bao dung con trẻ. Em sai rồi, để cho em được sửa chữa!

Hương Lan *Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

Tiêu chí chọn điểm 10 cho đầu vào: Sẽ xuất hiện chạy điểm, áp lực đè lên vai của học sinh

Thứ 3, 23/04/2019 | 13:30
Theo các chuyên gia giáo dục, việc xét tuyển vào cấp 2 với học bạ toàn điểm 10 của trường chuyên Amsterdam là tiêu chí rất cứng và ngặt. Điều này sẽ dễ xuất hiện chạy điểm, áp lực đè lên vai nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh.