Nỗi khổ kim tiền và sự ảo tưởng đặc quyền

Sự giàu có đôi khi mang lại cho người sở hữu nó những đặc quyền trong nhiều lĩnh vực cuộc sống. Có những người lạm dụng một cách hợm hĩnh để tác oai tác quái, nhưng có người lại sợ điều đó khiến mình bị xa lánh.

Jennifer Risher là một nữ triệu phú Mỹ với khối tài sản ước tính hơn 10 triệu USD. Cả cô và chồng đều từng làm việc tại Microsoft vào đầu những năm 90 và sau này là gã khổng lồ công nghệ đình đám Amazon. Risher sinh trưởng trong một gia đình trung lưu còn chồng cô lớn lên trong nghèo khó. Vậy nên, cả hai vẫn giữ lối sống giản dị và những thói quen tiết kiệm từ thuở hàn vi thay vì tiêu xài tiền bạc một cách phóng khoáng, hưởng thụ.

Không giống như tưởng tượng của nhiều người về cái gọi là hạnh phúc của giới thượng lưu, trong cuốn sách We Need To Talk: A Memoir About Wealth (Tạm dịch: Chúng ta cần nói chuyện: Tản mạn về sự giàu có) sắp ra mắt, Jennifer Risher bày tỏ những lo lắng của cô và chồng khi đối mặt với sự giàu có ngày càng tăng. Đó là những cạm bẫy tiềm ẩn, các mối quan hệ xã hội trở nên chông chênh và những tác động trong giáo dục con cái - mọi thứ khiến Jennifer Risher choáng ngợp.

Lớn lên trong một gia đình có cha mẹ sống tiết kiệm, cô bắt đầu lo lắng về tác động của tiền bạc với con cái, khi những đứa trẻ chỉ mới 4 tuổi và 6 tuổi đòi phải đi máy bay riêng, hoặc ngồi khoang hạng nhất mỗi khi di chuyển. Những mối quan hệ xa lánh cũng khiến Risher phiền lòng. Một người bạn thậm chí đã không mời gia đình Risher tham dự một buổi diễn, vì lo lắng rằng một gia đình giàu có như cô sẽ chỉ hài lòng với hàng ghế đầu. Điều đó khiến Risher sốc và cảm thấy cô độc. Để bày tỏ tình cảm, Risher tặng anh trai món quà trị giá 20.000 USD nhưng nó lại khiến chính người thân của cô cảm thấy tự ti, khó xử.

Cuộc sống dư dả giúp Jennifer Risher không phải chật vật với mối lo nhà cửa, trang trải chi phí sinh hoạt giống như bao gia đình khác tại Mỹ. Nhưng, cô cảm thấy mình trở nên lạc lõng với những người xung quanh khi ai cũng nghĩ rằng một người giàu có như cô sẽ không thể hòa hợp với họ. Họ nghĩ, một người giàu như Risher sẽ hách dịch, kệch cỡm như bao người khác. Thế nhưng, Risher chưa bao giờ muốn sự giàu có làm thay đổi bản tính và đảo lộn cuộc sống của cô đến vậy. Với cô, kim tiền cũng là một nỗi khổ.

Tuần trước, có một phát ngôn khác liên quan đến sự giàu có khiến dư luận Việt Nam bất bình. Khi trả lời trên tạp chí nước ngoài, người nhà bệnh nhân 17 (BN 17) nói cô ta bị mạng xã hội kỳ thị, bị bệnh viện làm lộ bí mật đời tư khi điều trị Covid- 19 tại Việt Nam. Đáng chú ý, người chị của BN 17 nói: “Chúng tôi có quá nhiều đặc quyền”; “Họ ghen tỵ vì chúng tôi giàu có”, để nói về lý do khiến cô và em gái hứng chịu chỉ trích sau khi mắc Covid-19.

Lý lẽ của người này ngay lập tức vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, trong đó đa phần là những chỉ trích từ dư luận. Bởi rõ ràng, BN 17 hoàn toàn là người có lỗi khi trở về từ vùng dịch nhưng lại cố tình khai báo gian dối về hành trình di chuyển, không chủ động cách ly, khiến cho mầm bệnh lây lan khắp nơi.

Điều đáng nói là khi sự việc đã qua đi, công chúng đã tha thứ và dần quên thì người trong cuộc lại xới lên câu chuyện bằng những tuyên bố sai sự thật. Thậm chí người này còn hợm hĩnh tự cho mình giàu có nên người khác mới ghen tỵ chứ không chịu nhận ra sai lầm đáng trách của bản thân đã khiến cả xã hội vất vả thế nào.

Suy nghĩ và cách cảm nhận của mỗi người về sự giàu có của mình luôn khác biệt. Jennifer Risher là triệu phú đất Mỹ nhưng luôn cảm thấy những hệ lụy của đồng tiền khiến cô mất đi những giá trị chuẩn mực, còn chị em BN 17 thì cho rằng bản thân thuộc về giới thượng lưu, họ cũng phải có những đặc quyền hơn người khác.

Không cần phải so sánh với Jennifer Risher, một ví dụ khác đối nghịch với BN 17 là Tiên Nguyễn – một cô gái xuất thân giàu có khác được xác định là bệnh nhân thứ 32 mắc Covid-19 tại Việt Nam. Sau khi tiếp xúc BN 17, Tiên Nguyễn tự thuê máy bay về Việt Nam để tránh nguy cơ lây nhiễm, đồng thời tiến hành cách ly và chữa trị. Hành động của cô đã được dư luận đánh giá cao, chiếm nhiều thiện cảm.

Có thể thấy, bạn giàu có hay không công chúng không quan tâm, cũng không ghen tỵ hay dèm pha. Bạn chỉ cần có trách nhiệm với cộng đồng, thể hiện bởi sự khiêm tốn, thân thiện thì bạn có giàu có hay nghèo khó cũng đều đáng nhận được sự mến mộ.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

Bệnh nhân số 17: Không có thuốc chữa cho kẻ vô ơn

Thứ 6, 25/09/2020 | 15:31
Bệnh nhân số 17 - mã hiệu quen thuộc từng là tâm điểm chỉ trích của dư luận hồi tháng 3 vừa qua đã quay trở lại. Nhưng lần này, sự tái xuất của cô không đi kèm lời cảm ơn mà thể hiện sự vô ơn.