Nỗi lo bằng giả

Vài tháng trở lại đây, hàng trăm sinh viên đại học Manav Bharti (MBU) ở bang Himachal Pradesh, Ấn Độ sống trong nỗi lo bằng cấp của họ có thể bị mất giá trị khi giới chức nước này mở cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc bằng giả.

MBU trở thành đối tượng bị điều tra sau khi Ủy ban Tài trợ Đại học (UGC) gửi văn bản tới các cơ quan liên quan của bang Himachal Pradesh vào tháng 8/2019. Phía UGC thông báo rằng MBU đã bán khoảng gần 500 nghìn tấm bằng giả trong suốt bảy năm qua với sự giúp đỡ của các cơ sở liên kết ở Punjab, Haryana, Rajasthan, Uttar Pradesh, Bihar, Delhi, Tây Bengal và Nam Ấn Độ.

Với việc vụ điều tra đang trở thành tâm điểm, những người có bằng tốt nghiệp MBU đang lo lắng về tương lai của chính mình. Họ đã thành lập một nhóm đòi công lý từ chính quyền. “Trường đại học đang bị điều tra về một số hoạt động bất hợp pháp và bị cáo buộc là giả mạo bằng cấp. Chúng tôi đang đau khổ và tìm kiếm công lý”, một cựu sinh viên MBU giấu tên nói với Hindustan Times.

Những sinh viên này lo lắng rằng bằng cấp thật của họ có thể bị đội điều tra gom chung vào các bằng cấp giả. Các cuộc điều tra sơ bộ do cảnh sát Himachal tiến hành cho thấy trường đại học đã sử dụng mã đăng ký tốt nghiệp cho nhiều sinh viên. Bởi vậy, sinh viên cho rằng số đăng ký trên bằng cấp của họ có thể bị mất hiệu lực.

“Chúng tôi là những sinh viên chân chính, nhưng bằng cấp của chúng tôi có thể trở nên không hợp lệ chỉ vì chúng tôi đã được trường đại học cấp số đăng ký đáng ngờ. Việc của sinh viên không phải là xem họ được phân bổ số đăng ký nào. Các trường đại học và các cơ quan quản lý của chính phủ phải xác minh những điều này. Phần lớn những người tốt nghiệp MBU thuộc tầng lớp trung lưu thấp, và giờ đây họ có thể đang trên bờ vực mất việc làm. Một số người mới nhận bằng tốt nghiệp nhưng chưa được xác nhận”, một cựu sinh viên khác cho biết. Nhiều sinh viên đang chuẩn bị bước vào kì thi cuối cùng cũng chia sẻ, họ không thể tập trung vào việc học vì những tranh cãi xoay quanh vấn đề này.

Vấn nạn bằng cấp giả vốn được coi là thực trạng báo động chưa có hồi kết ở Ấn Độ. Mới đây, cảnh sát cũng bắt giữ nhóm 3 người cùng tang vật là 500 bằng cấp giả ở thành phố Vadodara bang Gujarat. Trong 8 tháng qua, cảnh sát Ấn Độ đã bắt giữ 4 băng nhóm làm bằng giả khác. Các băng nhóm này có mạng lưới ở nhiều bang và thường bị triệt phá do một số khách hàng không hài lòng khiếu nại với cảnh sát.

Mới đây, theo kết luận điều tra vụ án “Giả mạo trong công tác” vừa được cơ quan An ninh điều tra (bộ Công an) ban hành, trường đại học Đông Đô (Hà Nội) bị cáo buộc đã cấp hơn 600 bằng cử nhân tiếng Anh giả trong thời gian qua. Theo kết luận điều tra, dù chưa được bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo hệ văn bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh nhưng Trần Khắc Hùng (chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Đô) đã chỉ đạo cấp dưới làm giả các quyết định, ồ ạt tuyển sinh.

Đáng chú ý có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, thậm chí là nâng ngạch thanh tra viên, thi tuyển công chức... Đây không phải lần đầu tiên đại học Đông Đô có những bê bối nghiêm trọng như vậy. Với những sai phạm, yếu kếm mang tính hệ thống từ nhiều năm, ngôi trường này thậm chí đã từng bị đề nghị cho giải thể.

Thế nhưng câu chuyện của đại học Đông Đô cũng giống như trường MBU ở Ấn Độ. Những đối tượng chủ mưu gây ra vụ việc có thể bị trừng trị theo pháp luật, nhưng thiệt thòi nhất vẫn là sinh viên, học viên theo học tại trường, những người đặt trọn niềm tin và có cả tương lai phía trước để rồi phải đón nhận tiếng xấu không mong muốn.

Ở đời có nhiều thứ giả mạo không gây hại nhưng bằng cấp giả lại là một điều không được phép tồn tại. Bằng cấp, chứng chỉ là một tờ giấy chứng nhận cho quá trình học tập, rèn luyện của cá nhân đối với một chuyên môn nhất định. Nó giống như một sự bảo chứng cho trình độ của người này khi so với người khác và là cơ sở để sắp xếp vào vị trí công việc, mức lương, đề bạt tương xứng.

Kẻ không có chuyên môn ngồi nhầm chỗ sẽ gây hại cho cơ sở, ảnh hưởng đến công việc, các khía cạnh liên quan trong cuộc sống. Nghiêm trọng hơn, vô năng mà ngồi lên vị trí cao sẽ càng hại cho dân, cho đất nước. Do đó, những kẻ chủ mưu, cấu kết giúp đỡ những kẻ mang bằng giả đi lên như vậy xứng đáng gọi là giặc.

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

Đại học Đông Đô cấp bằng giả: Hé lộ danh sách 15 cơ sở liên kết

Thứ 6, 27/11/2020 | 11:20
Theo kết luận điều tra vụ án “Giả mạo trong công tác” vừa được cơ quan An ninh điều tra ban hành, trường đại học Đông Đô đã gửi thông báo tuyển sinh cho 15 cơ sở.