Nhạc sĩ Lê Minh Sơn nói về việc bản quyền âm nhạc: Chất xám, sự sáng tạo phải được bảo vệ

Lạc Thành

“Tôi thấy bị xúc phạm khi mình sáng tác, làm công việc nghệ thuật nhưng người khác “chôm chỉa” rất nhanh. Họ khai thác để làm kinh tế, thu tiền từ khách mà coi nhạc sĩ như người vô hình”. Đó là chia sẻ của nhạc sĩ Lê Minh Sơn khi nói về bản quyền âm nhạc…

Chào nhạc sĩ Lê Minh Sơn, có vẻ như nhạc sĩ đang bị coi là người vô hình khi vi phạm bản quyền âm nhạc trở thành chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”?

Cứ nói đến chuyện bản quyền trong âm nhạc tôi lại đau đầu. Đây là chuyện biết rồi khổ lắm nói mãi nhưng lần nào nói cũng thấy… buồn. Bản thân Lê Minh Sơn là một nhạc sĩ đương đại, nhưng tác phẩm của mình bị “xài chùa” rất nhiều. Có lần tôi vào quá cà phê, thấy tác phẩm của mình được ca sĩ lạ cover mà cũng chả thấy ai xin phép mình. Có những nhà hàng, quán cà phê mang phong cách “đồng quê”, hợp với những bài của Lê Minh Sơn, họ còn làm cả một kho bài hát của tôi, nhưng tuyệt nhiên họ không liên lạc để xin phép bản quyền.

Không riêng gì tôi, rất nhiều nhạc sĩ khác cũng bị tình trạng như vậy. Người ta cứ tự nhiên sử dụng những bài hát của mình, không hề xin phép, chứ chưa nói là trả tiền tác quyền. Tôi thấy bị xúc phạm khi mình sáng tác, làm công việc nghệ thuật nhưng người khác “chôm chỉa” rất nhanh. Họ khai thác để làm kinh tế, thu tiền từ khách mà coi nhạc sĩ như người vô hình. Thật chán.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn.

Theo nhạc sĩ, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?

Ở Mỹ và Pháp, nhiều nhạc sĩ chỉ cần sáng tác một bài mà bài ấy nổi tiếng thì cũng sống sung sướng cả đời. Vì họ được trả tiền bản quyền nghiêm túc. Tôi lấy ví dụ ở Mỹ, Luật bản quyền đã có vào năm 1937, họ làm rất chặt về vấn đề bản quyền, đặc biệt là bản quyền trên môi trường Internet.

Mới đây nhất, qua báo chí, tôi được biết có trường hợp một cậu sinh viên chỉ gửi một đường link bài hát cậu ấy thích cho bạn thôi, mà an ninh mạng bắt được và bị phạt tới 60.000 USD. Ở nước ngoài, họ quy đó là tội ăn cắp. Họ coi sự sáng tạo của con người là tài sản, nên sự sáng tạo được bảo vệ rất chặt.

Từ đó mới thấy, anh em nhạc sĩ ở nước ngoài họ rất sướng, vì những sáng tạo của họ được tôn trọng, được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt. Nhạc sĩ ở nước ngoài sống hoàn toàn bằng thu nhập từ tác phẩm, hoàn toàn sống bằng tác quyền. Ca sĩ sống bằng nguồn thu từ băng đĩa và những show diễn.

Còn ở Việt Nam, các nhạc sĩ vẫn trầy trật tự… đi tìm công lý cho mình. Tuy hiện nay có trung tâm Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) do nhạc sĩ Phó Đức Phương lập nên, giờ là anh Đinh Trung Cẩn tiếp quản nhưng dường như, việc bản quyền âm nhạc vẫn chưa làm rốt ráo được. Bởi vì, bản thân khán giả chưa thấy tầm quan trọng của việc “xài chùa”. Họ tặc lưỡi, cứ nghe đi, có ai biết, ai kiểm tra đâu… thế là chết chúng tôi rồi. Ngay cả VCPMC cũng không đủ người để đi khắp nơi, vào các quán cà phê để thu tiền bản quyền âm nhạc. Mọi việc đang dựa trên tính tự giác của người dùng nhạc hiện nay thôi.

Như anh nói, các nhạc sĩ đang tự “đi tìm công lý cho mình”. Vậy, anh sẽ làm gì để góp sức chấm dứt tình trạng này?

Phần âm nhạc trực tuyến đang bỏ ngỏ ở Việt Nam khiến nhiều nhạc sĩ kêu lắm. Họ bị Youtube và các mạng xã hội khác dùng “chùa” bài hát mà không biết kêu ai mà hỏi. Các nhạc sĩ già thì chịu rồi, công nghệ, máy tính còn không dùng được nên có khi cũng không biết bài hát của mình được sử dụng vào đâu. Vì vậy, tôi muốn mở công ty bản quyền âm nhạc trực tuyến trong thời gian tới để các tác phẩm âm nhạc phải được minh bạch khi sử dụng. Một đất nước thật sự văn minh và phát triển, đầu tiên phải bảo vệ được chất xám, sự sáng tạo của con người.

VCPMC đang quản lý việc sử dụng âm nhạc ở các quán karaoke, băng đĩa, biểu diễn tại sân khấu… Nhưng, việc quản lý bản quyền trên mạng thì tôi chưa thấy thật sự có hiệu quả. Đây là một khoảng trống mà công ty của tôi có trách nhiệm lấp đầy. Chúng tôi sẽ có một cách làm mới để có thể đòi quyền lợi cho các nhạc sĩ tốt nhất.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Trước câu hỏi, làm sao chấm dứt được tình trạng vi phạm bản quyền nhức nhồi, LS Quang Vinh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) khẳng định: “Dù tình trạng “xài chùa” chất xám xảy ra rất nhiều, nhưng, sẽ khó mà chấm dứt được. Chỉ còn cách hạn chế mà thôi! Trong đó, người sáng tạo ra tác phẩm phải nhanh chóng đăng ký bản quyền để được pháp luật bảo hộ. Hiện nay, các nhà sáng tạo đã quan tâm nhiều hơn đến việc bản quyền. Khi phát hiện ra sự việc, họ lập tức lên tiếng bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình, thậm chí khởi kiện ngay để đòi quyền lợi. Hơn nữa, giao lưu quốc tế càng rộng bao nhiêu, thì vấn đề bản quyền càng được coi trọng. Thực tế, đã có rất nhiều vụ tranh chấp bản quyền quốc tế đã xảy ra. Nếu tình trạng vi phạm luật sở hữu trí tuệ trên diện rộng kéo dài sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, mất niềm tin và uy tín của nhau”.

L.T