alt=

Nhắc đến NSƯT Nguyễn Hải, có lẽ người ta sẽ nhớ đến đôi mắt nhỏ, điệu cười nhếch mép, gương mặt góc cạnh của ông. Và như một định mệnh, với vẻ bề ngoài không dễ nhìn ấy, ông sinh ra để dành cho vai phản diện. Ông diễn "sâu" và khán giả nhập tâm quá nên đã có lần, Nguyễn Hải bị khán giả… đuổi đánh.

Kẻ ngoại đạo đóng đinh với những vai phản diện"

Hiếm có ai như NSƯT Nguyễn Hải bén duyên với nghệ thuật bằng hai chữ tình cờ để rồi chữ duyên ấy kéo ông vào vòng xoay điện ảnh. Ông nguyên là kĩ sư khai thác hầm và lò tốt nghiệp trường Đại học Mỏ Địa chất và có 6-8 tháng làm việc ở tỉnh Quảng Ninh.

Thế nhưng, không ai ngờ rằng mùi than đất mỏ lại khéo tạo nên một đam mê ít người ngờ tới. Năm 1986, ông tốt nghiệp Khóa 7, Đại học Sân khấu - Điện ảnh, hơn nữa lại là sinh viên lớn tuổi nhất của khóa học.

Chẳng biết từ bao giờ, NSƯT Nguyễn Hải cũng không biết mình yêu nghề diễn viên như thế nào và yêu bao nhiêu cho đủ. NSƯT Nguyễn Hải cũng giằng xé nội tâm ghê lắm khi phải từ giã môi trường Khoa học kĩ thuật để bước sang lĩnh vực văn học - nghệ thuật.

Nói về quyết định "rẽ ngang" của mình, NSƯT Nguyễn Hải cho hay: "Nói nghe thì đơn giản, nhưng để có được quyết định chuyển hướng, để đỗ được vào trường Sân khấu điện ảnh là cả 1 sự hi sinh, giằng xé và cả 1 quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của bản thân tôi".

5 năm sau, Nguyễn Hải được vào biên chế, đội mũ và đeo quân hàm xanh Thiếu úy, anh nhớ lại: "Những năm học trong trường Sân khấu điện ảnh, tôi có đóng duy nhất 1 vai phản diện là vai Thiết trong vở kịch Ông không phải là bố tôi của tác giả Lưu Quang Vũ.

Thời gian đầu về đoàn kịch Công an nhân dân, tôi cũng chỉ đảm nhiệm vai chính diện. Một lần, NSND Lê Hùng quyết định cho tôi thử sức với 1 vai phản diện trên sân khấu. Kể từ đó, tôi liên tục đảm nhiệm các vai phản diện trong hàng thập kỷ liền. Không chỉ trên sân khấu kịch, các đạo diễn điện ảnh cũng liên tiếp mời tôi đảm nhiệm rất nhiều vai "người xấu" trên truyền hình. Cho tới thời điểm hiện tại, mặc dù thỉnh thoảng tôi vẫn vào vai chính diện, nhưng khán giả lại chỉ nhớ tới những vai phản diện mà thôi".

Nổi tiếng với những vai diễn phản diện, để lại nhiều ấn tượng với khán giả, Nguyễn Hải gây ấn tượng mạnh với vai diễn Trịnh Khả trong "Chuyện làng Nhô", Minh "hói" trong "Cổ cồn trắng", tướng cướp Hoàng Đạo trong "Cái chết của con thiên nga" và vai lão Cấn tàn bạo, máu lạnh trong “Quỳnh búp bê”.

Thời Nguyễn Hải "làm mưa làm gió" trên màn ảnh nhỏ cũng là thời đỉnh cao của phim truyền hình Việt. Khi ấy, diễn viên nói riêng và văn nghệ sĩ nói chung được công chúng trọng vọng, yêu mến vô cùng. Thế nhưng bi kịch nhất đối với những diên viên chuyên vai ác có lẽ là việc công chúng cứ nhầm lẫn rằng ngoài đời tôi cũng ác như trên phim.

Quả thực, để theo được nghiệp diễn và để hoàn thành tốt gần 20 vai phản diện trong suốt 30 năm qua, ngoài tình yêu nghề cháy bỏng, Nguyễn Hải đã phải tôi luyện cho bản thân 1 tinh thần thép. Bởi, không chỉ công chúng hằn học, chửi bới anh mà ngay cả những người thân trong gia đình cũng từng quay lưng.

Anh trầm ngâm: “Những lúc như vậy, tôi cũng thấy chua xót, cay đắng lắm chứ! Nhưng bây giờ, khi đã nhiều tuổi, tôi lại cảm thấy bình thường và vui vẻ chấp nhận điều đó. Bởi, nói cho cùng, do mình diễn tới ngưỡng nào đó nên khán giả mới ấn tượng và phản ứng như vậy".

Bi kịch với Nguyễn Hải không chỉ dừng ở đó, bởi quá thành công với những vai diễn độc ác khiến hình ảnh của anh trong mắt các con cũng trở nên rất đáng sợ: "Năm con trai tôi học lớp 5, bạn bè thường xuyên trêu chọc, mắng mỏ rằng: "Bố mày là tên tội phạm", "Mày là con nhà mất dạy"… Con trai tôi sợ hãi và buồn rầu tới mức thường xuyên bỏ học”, nghệ sĩ Nguyễn Hải chìm vào khoảng lặng buồn.

Để hóa thân thành nhân vật, khiến nhân vật sống được cũng phải tư duy cho nó, để nó có hình hài, có khuôn dáng. Tất cả những vai ông đóng, đều là những nhân vật đã được quy luật điển hình hóa chi phối. Quá nhập vai cùng lối diễn xuất thần, nghệ sĩ Nguyễn Hải chạm đến tận cùng cảm xúc ghét bỏ của khán giả màn ảnh nhỏ.

Cay đắng, tủi cực là vậy, nhưng Nguyễn Hải chưa một lần muốn từ bỏ nghiệp diễn: "Đã gọi là nghiệp thì không thể nào bỏ được. Hơn nữa, từ thời còn đôi mươi, tôi đã sẵn sàng từ bỏ cuộc sống bình yên, an nhàn của 1 kỹ sư để theo đuổi nghề diễn thì chẳng có lý gì tôi lại từ bỏ nó.

Gặp NSƯT Nguyễn Hải, ngoài đời hẳn nhiều người sẽ bất ngờ. Anh là người đúng giờ, tỉ mỉ và cẩn trọng trong từng ngôn từ sử dụng.

Bỏ túi với nhiều vai phản diện ấn tượng nhưng ngoài đời, NSƯT Nguyễn Hải là người hướng thiện, luôn muốn “dốc bầu tâm sự” những mặt xấu xa của cuộc đời.

Có người nói, do cái mặt ông trông "đểu đểu" nên hợp vai. Ông thích loại vai này, khẳng định mình hợp với nó và nhiều người cũng phát hiện ra ở ông đó là khuôn mặt dành cho điện ảnh, dành cho vai phản diện.

Dẫu như thế nào, ông vẫn có một tình yêu lớn cho dạng vai phản diện. Tất nhiên, khi đã yêu thì yêu tất, kể cả vai phản diện hay chính diện, kể cả vai chính lẫn vai phụ, không có số phận.

Cũng có nhiều lời khen, chê với nhưng vai diễn phản diện của ông. Với nghề diễn điều đó không hề dễ dàng. Với vai không có số phận, diễn viên vẫn phải diễn cho tròn vai. Vai diễn nào cũng phải thử sức kể cả những vai không có danh phận, nếu là người nghệ sỹ đích thực, với tài năng của mình, anh ta cũng phải tạo cho nó một số phận chứ; còn nếu thiếu hụt mặt nào đó về xây dựng hình tượng nhân vật thì tác giả, đạo diễn có thể sáng tạo cùng với diễn viên, để cho "ra" nhân vật, "tròn" vai diễn.

NSƯT Nguyễn Hải chia sẻ: Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng nhất của một diễn viên hóa thân vai phản diện đó là vốn sống, sự quan sát và biết tích lũy. Anh ta cũng phải biết cách sắp xếp các ô trong bàn màu của mình. Đi buôn người ta cũng cần có vốn cơ mà.

Anh ta cũng phải đi nhiều nữa. Tôi thích câu của cha ông ta: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Và phải qua nhiều cái "sàng" như thế mới "khôn" được. Nhưng nói như thế không có nghĩa, ai cũng có thể khôn ra được đâu. Đi nhiều có khi còn dại ra đấy. Đi ở đây tôi muốn nói là đi để mà học!

Với những vai phản diện mình nói những tiếng nói thay họ. Cần mình nói những điều họ muốn nói. Điểm mạnh nhất của vai phản diện ở chỗ, các đạo diễn thường chêm vào miệng họ những câu mà bản thân những người tốt, những người trung lập không dám nói.

Thực ra đó là cách các tác giả mượn nhân vật phản diện để nói hộ tâm tư của họ. Và tiếng nói ấy phát ra ở cái lúc mà những nhân vật phản diện phân rã thành những nhân vật đa tính cách, lúc mà lương tri họ bừng tỉnh.  

Làm gì có chuyện xem một nhân vật hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu mà không thấy nó nhạt. Cũng đừng nghĩ nhân vật chính diện lúc nào cũng tốt. Họ tốt về động cơ nhưng có thể xấu về hành vi. Diễn dạng vai nào cũng thế, nếu bỏ rời tính logic, bỏ đi tính khoa học, bỏ đi tư duy hình tượng đầy đủ thì khó có thể trở thành hình tượng nghệ thuật, thì nhân vật ấy khó trở thành hình tượng nghệ thuật.

Chuyện tình đến từ góc sân và khoảng trời

Đến thời điểm hiện tại, ngoài danh hiệu NSƯT, Nguyễn Hải còn là diễn viên mang hàm Đại tá, nguyên Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn kịch nói Công an nhân dân.

Nam nghệ sĩ từng chia sẻ rằng, vì "giao diện" không thể gây thiện cảm được với mọi người, ông từng rất khó khăn khi theo đuổi bà xã của mình.

Vì khi là sinh viên học chung lớp ở trường Sân khấu Điện ảnh, vợ ông từng không thích những người chuyên đóng những vai phản diện. Và bằng sự chân thành và bí kíp "mưa lâu thấm dần" của mình, Nguyễn Hải đã chinh phục được người đẹp.

Tuy nhiên đến khi ra mắt gia đình nhà vợ, nam diễn viên lại bị "bố vợ tương lai" tuyên bố với con gái thẳng thừng trước mặt rằng: “Mày mà lấy thằng này, ngày nó đánh cho mày trăm trận”, khiến nam nghệ sĩ vô cùng bối rối.

Dẫu vậy, suốt bao nhiêu năm chung sống, nam nghệ sĩ luôn tâm niệm phim là phim còn trong gia đình, “bát đũa có lúc còn xô” thì to tiếng có thể khó tránh nhưng chuyện động tay động chân là điều không được phép xảy ra dù với bất cứ lý do gì.

Do đó, lúc nào nói về vợ và con, ông cũng thể hiện một sự trân trọng và yêu thương bởi đó chính là hậu phương vững chắc nhất mà người nghệ sĩ này có. Bởi họ là những người hiểu biết về nghệ thuật, biết chia sẻ, cảm thông và yêu thương với nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Nguyễn Hải tâm sự: “Tôi là người không ra gì với cô ấy (cười lớn). Đàn ông có mấy người ra gì đâu. Không ra gì là thế nào? Đầu tiên là vui đâu chầu đấy, bạn bè rủ rượu bia là đi luôn, bỏ cơm nhà. Hai nữa, nghĩ mình là chồng người ta mình có quyền to tiếng với vợ, quát vợ. Nhưng, tôi hay nói với vợ, anh hư nhưng không hỏng”.

Người nghệ sỹ thường mơ mộng, lãng mạn, với NSƯT Nguyễn Hải thì trong mọi lĩnh vực phải tỉnh táo. Tỉnh táo để yêu, để mà đắm say, để mà mông muội và phiêu du.