NSƯT Quỳnh Liên: Nơi nào cần là sẵn sàng hát...hát tới lúc hết pin

Mai Thu

“Bài hát lần đầu tiên tôi hát trong ngày 30/4 – ngày cả dân tộc Việt Nam vỡ òa niềm vui chiến thắng đó là ca khúc Chào anh giải phóng quân, Mừng mùa xuân đại thắng của nhạc sĩ Hoàng Vân. Điều đáng nhớ là khi ấy toàn hát bằng loa pin cầm tay để phục vụ bà con cô bác đang cày cấy trên đồng ruộng…”, NSƯT Quỳnh Liên chia sẻ.

Cả nước đang hướng về ngày kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020), NSƯT Quỳnh Liên – người được mệnh danh “họa mi hót nơi biên cương” cũng có những chia sẻ đầy xúc động khi được cất cao tiếng hát trong giờ khắc lịch sử quan trọng.

NSƯT Quỳnh Liên cất cao giọng hát vút ngàn khi mới 12 tuổi trên quê hương Hải Phòng. NSƯT Quỳnh Liên cho biết, khi còn là ca sĩ của đoàn ca múa Công an nhân dân vũ trang Trung ương (tiền thân của đoàn nghệ thuật BĐBP ngày nay) thì việc mang tiếng hát của mình phục vụ những người chiến sĩ biên phòng và đồng bào các dân tộc khắp mọi miền biên cương Tổ quốc là nhiệm vụ của người nghệ sĩ đồng thời cũng là một chiến sĩ như nghệ sĩ Quỳnh Liên. Mà đã là người lính thì không thể lùi bước dù “mưa bom bão đạn”, dù phía trước là hiểm nguy thì vẫn quyết tâm tiến lên.

“Biết bao chuyến đi phải vượt qua gian nan vất vả mới đến được các đồn chốt biên giới, tận mắt chứng kiến sự hy sinh quả cảm của những người lính “nơi đầu sóng ngọn gió” chúng tôi mới thấy những vất vả của mình chẳng thấm tháp gì. Đó cũng chính là lý do không cho phép người nghệ sĩ lùi bước, mang tiếng hát vang vọng khắp núi rừng, tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ. Nhiều năm gắn bó và trải nghiệm thực tế ngay cả trong cuộc chiến tranh biên giới khốc liệt nhất đã tạo thành bản năng và tôi cứ thế bước tiếp một cách rất tự nhiên”, NSƯT Quỳnh Liên nhớ lại.

NSƯT Quỳnh Liên kể rằng, những năm đi phục vụ chiến sĩ biên phòng và đồng bào các dân tộc chuyện hát không có micro, không có sân khấu, không có ánh sáng là hết sức bình thường. Một người nghệ sĩ – chiến sĩ như NSƯT Quỳnh Liên đã hát bằng cả trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ. Mỗi lần lên sân khấu NSƯT Quỳnh Liên hát 3 bài thành 6 bài vì khán giả luôn yêu cầu hát đi hát lại. Nhìn những ánh mắt khao khao âm nhạc của các chiến sĩ, những cánh tay vung theo nhịp điệu cùng tiếng hò reo cổ vũ không ngớt như truyền thêm sức mạnh cho người nghệ sĩ để có thể cháy hết mình. Dù nhiều lần hát xong có nghệ sĩ lên cơn sốt suốt đêm nhưng sáng hôm sau vẫn hành quân tiếp. Bởi, tất cả những tình cảm của người lính, của khán giả luôn là nguồn cảm xúc vô tận để nghệ sĩ được thăng hoa. Hơn nữa, chỉ cần nhớ đến ánh mắt hạnh phúc của những người lính như “nuốt” lấy từng lời ca, điệu múa khiến nghệ sĩ như có thêm sức mạnh.

NSƯT Quỳnh Liên bảo, mỗi chuyến hành quân của cuộc đời nghệ sĩ đều đong đầy những kỷ niệm. Khó khăn mấy cũng chẳng thấm tháp so với những hy sinh, gian khó mà người lính nơi biên cương, hải đảo, nơi rừng sâu đã phải trải qua.

Hơn 40 năm hoạt động âm nhạc nhưng NSƯT Quỳnh Liên vẫn không thể quên những năm tháng được truyền lửa qua giọng ca. NSƯT Quỳnh Liên nhớ nhất 30/4/1975 đất nước thống nhất, lúc đó chị mới 15 tuổi nhưng đã được mọi người đặt cho cái tên là “chim sơn ca đất cảng” vì từ 12 tuổi đã hát líu lo những bài ca cách mạng ngay trên mâm pháo của các đơn vị quân đội bảo vệ Cảng Hải Phòng. Trong thời điểm đế quốc Mỹ dội bom B52 khốc liệt xuống TP. Hải Phòng và Thủ Đô Hà Nội, NSƯT Quỳnh Liên đã hát những bài như Quê hương tôi, Tình Bác sáng đời ta, Xa khơi…Và cứ như thế vẫn là những bản tình ca cách mạng “chim sơn ca” lại cất cao tiếng hát cho tới ngày Miền Nam được hoàn toàn giải phóng.

“Bài hát lần đầu tiên tôi hát trong ngày cả dân tộc Việt Nam vỡ oà với niềm vui chiến thắng đó là ca khúc của Nhạc sĩ Hoàng Vân “Chào anh giải phóng quân, Mừng mùa xuân đại thắng”.

Điều đáng nhớ là toàn hát bằng loa pin cầm tay để phục vụ bà con cô bác đang cày cấy trên đồng ruộng; Các anh chị thanh niên đang xây dựng những công trình thuỷ lợi; Các chiến sĩ san lấp những hố bom do máy bay Mỹ để lại trên quê hương. Cứ nơi nào cần là tôi sẵn sàng hát, hát tới lúc míc hết cả pin và phải hát “chay”.

Tất cả đã trở thành những ký ức tuổi thơ không thể nào quên của tôi và đúng như một định mệnh đã gắn liền với cuộc sống và sự nghiệp âm nhạc của người nghệ sĩ - chiến sĩ Quỳnh Liên với những bản tình ca cách mạng trong suốt 40 năm qua”, NSƯT Quỳnh Liên bày tỏ.

M.T