Nước mắt chảy ngược

Mấy ai hiểu, mấy ai thấu và mấy ai để tâm đến nước mắt chảy ngược? Ta thường mải miết bước đi trong cuộc mưu sinh mà quên đi việc phải nhìn lại, quên mất việc chỉ cần quay đầu sẽ được chiêm ngưỡng kỳ quan đẹp đẽ nhất của tạo hoá – đó là mẹ.

Vậy nên cũng dễ hiểu khi những đứa con bất hiếu của bà Tiêu Thị An (78 tuổi) ngụ ấp Tân Phước, xã Tân Thuận, H.Đầm Dơi, Cà Mau đang bị đưa lên “giàn thiêu đạo đức”, khi chuyện của họ được công khai. Theo đó, một người mẹ có 4 người con trai, song lại bị chính con dâu và cháu nội để lại trong căn nhà cũ đã bỏ hoang từ lâu. Bà nằm dưới nền đất trong một buổi chiều và cả một đêm mà không ai hay biết.

Suy nghĩ, lương tâm, cảm xúc của bạn như thế nào khi nhìn vào bức ảnh này?

Không ai biết bà đã nghĩ gì khi bị bỏ lại, bà mong điều gì trong suốt cả đêm nằm chơ vơ dưới nền đất lạnh của căn nhà không cửa. Ngay khi bức ảnh này được chụp bà cũng im lặng. Chẳng ai biết bà đang nghĩ gì.

Phải chăng bà không nói do bệnh tật khiến việc cất lời trở nên khó khăn? Phải chăng bà nằm yên vì căn bệnh làm bà không thể cử động? Hay, bà thực sự không còn gì để nói? Chẳng ai biết cả, vì câu trả lời là sự im lặng đến tái tê về nhân tình thế thái và lòng người. Câu trả lời treo ở đó như cái lưng còng hình dấu hỏi trên nền đất lạnh.

Vậy, bạn thấy gì?

Tôi thì thấy một người phụ nữ buông mình trong sự nghiệt ngã, một người mẹ nuốt những uất hận đau đớn vào lòng. Đôi mắt vô hồn và cái mím môi thật chặt trên gương mặt đầy những vết hằn thời gian ấy khiến tôi ám ảnh. Đó là người phụ nữ đã hy sinh xuân thì để chào đón 4 cậu con trai. Đó là người mẹ đã hy sinh sức khoẻ, hy sinh những thú vui của đời để lăn lội mưu sinh nuôi 4 đứa trẻ nên người… Và rồi, sau tất cả sự hy sinh ấy bà trở thành “món đồ cũ” bị khúc ruột của chính mình truyền tay nhau và rồi để lại ở nền đất trong căn nhà bỏ hoang.

Nước mắt có bao giờ chảy ngược?

Điều gì đã khiến những đứa con quên đi bổn phận của mình? Phải chăng ơn nghĩa sinh thành không đủ sức nặng để trở thành đối trọng của lo toan tồn tại?

Ai cũng biết đến cụm từ “cuộc sống là khó khăn”. Cụm từ ấy được nhắc nhiều đến mức ta coi nó là sáo rỗng. Nhưng, cuộc sống đúng là vậy. Ra khỏi vòng tay mẹ, ta bước vào đời bằng nước mắt, mồ hôi và đương nhiên đầy rẫy những tủi hận. Hai thế giới ấy khác biệt đến vậy, sao ta lại quên? Sao khi ta bước vào chiến trường mà lại quên đi mất đã từng được sống ở thiên đường bình yên trong vòng tay cha mẹ?

“Nhân thân nan đắc”,… mấy ai trong chúng ta thấu cảm tận cùng được điều này?

Tương truyền thời cổ đại có Thuấn vì chữ hiếu mà được nhường ngôi. Chuyện là, Thuấn nhiều lần bị cha, mẹ kế và em ghẻ tìm cách hại chết. Thấy được sự ác tâm ấy nhưng Thuấn vẫn một lòng cung kính cha mẹ, từ ái với em. Hiếu hạnh của Thuấn cảm động thiên địa. Vua Nghiêu, vì cảm động đức hạnh ấy mà chọn Thuấn làm người kế vương vị… Câu chuyện đã xưa nhưng bài học vẫn sẽ còn mãi.

Bách thiện hiếu vi tiên, trong trăm thứ hạnh tốt, chữ Hiếu xếp đầu. Xếp đầu vì nó được coi là nền tảng. Khi nền tảng ấy bị mục ruỗng, cái gì có thể đứng vững trên đó? Ta sao có thể xứng đáng sống như một con người khi nền tảng đạo lý không còn? Và nỗi đau hiện hình trên câu chữ: “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng/Con nuôi cha mẹ tính tháng, tính ngày...”Nói đến chữ Hiếu mà ta phải đặt ra quá nhiều câu hỏi… Một điều đáng buồn!

Nước mắt chảy xuôi là lẽ thường nhưng nước mắt cần chảy ngược. Vì, đó là đạo lý, đạo làm người, đạo làm con...

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

Rơi nước mắt ngày khánh thành ngôi nhà tình thương của 2 anh em mồ côi

Thứ 3, 23/06/2020 | 10:28
Trên bàn thơ nghi ngút khói hương được đặt trịnh trọng trong ngôi nhà còn mùi sơn mới, bà con hàng xóm ai cũng rơi nước mắt vì giờ đây 2 người con của cô giáo Thủy đã có một chốn ở, hẳn dưới suối vàng người phụ nữ xấu số cũng đã an lòng.