Nước sạch sông Đà sặc mùi lạ: Đầu độc bằng câm lặng

Sau khi phát hiện váng dầu thải trên đầu nguồn dẫn nước vào nhà máy, công ty Nước sạch sông Đà đã báo cáo chính quyền địa phương và công an tỉnh Hòa Bình, thuê người dân địa phương vớt dầu, nâng hàm lượng clo, nhưng… hàng nghìn người dân Thủ đô cách Hòa Bình chưa đầy 100km chỉ biết hoang mang lo lắng khi dùng nước sặc mùi lạ.

img
img

Đêm 8/10, một xe ôtô tải loại 2,5 tấn bơm dầu đổ trộm ra suối Trâm. Trong đêm, khu vực có mưa to nên dầu tràn ra suối Trâm, lan đến kênh dẫn nước vào nhà máy Nước sạch sông Đà..

Sáng 9/10, công ty đã nắm bắt được sự việc, tiến hành thuê người dân địa phương vớt dầu. Cùng thời điểm đó, cách nhà máy nước chừng vài chục km, hàng nghìn người dân bắt đầu thắc mắc khi thấy nước sinh hoạt có mùi lạ.

Đến ngày 14/10, công ty Nước sạch sông Đà mới có báo cáo gửi sở Xây dựng về hiện tượng dầu loang.

Trả lời trước báo chí, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc công ty cổ phần đầu tư Nước sạch sông Đà khẳng định: “Sau sự cố, nhà máy vẫn tiếp tục vận hành bình thường và kết quả xét nghiệm nước sau sản xuất do công ty kiểm tra đảm bảo theo tiêu chuẩn của bộ Y tế, khẳng định 100% không lọt thì không dám nhưng kết quả kiểm nghiệm chất lượng hàng ngày của nhà máy thì vẫn đạt chất lượng”.

Việc người dân vẫn ngửi thấy “mùi lạ” được vị đại diện công ty Nước sạch sông Đà “nghĩ là mùi clo” và đang trong quá trình tiếp tục kiểm nghiệm nên chưa “lên tiếng”.

Hành động này nếu không phải cố tình bưng bít, thì có thể định nghĩa là gì? Chỉ vì muốn bảo vệ cái mác đẹp đẽ không muốn có thêm những vết đen của công ty, hay đảm bảo quy trình vận hành của nhà máy, mà phải đánh đổi bằng sự “lừa gạt” khách hàng, cố gắng che đậy sự thật trước mắt khách hàng.

Rõ ràng, chất lượng nước sạch có liên quan trực tiếp đến sức khỏe của hơn 100.000 hộ dân trên địa bàn Hà Nội, họ phải trả tiền để sử dụng nước sạch, nhưng khi có nguy cơ bị nhiễm độc, đơn vị cung cấp này lại âm thầm xử lý, không đưa ra một lời khuyến cáo cũng như thời hạn cung cấp kết quả xét nghiệm nguồn nước cho khách hàng.

Việc im lặng để người dân tiếp tục sử dụng như không có chuyện gì xảy ra này chẳng khác nào công ty cổ phần đầu tư Nước sạch sông Đà đang trực tiếp “đầu độc” sức khỏe của chính những khách hàng của mình.

Nhiều phụ huynh nội thành bắt đầu hoang mang, thậm chí, ngay cả khi nhà trường đã cẩn thận thay thế nước nấu ăn, thì có những phụ huynh vẫn phải tạm thời cho con nghỉ học, bởi cùng thời điểm khi phát hiện nước sinh hoạt có mùi lạ cũng là lúc các con cùng có biểu hiện đi ngoài, tiêu chảy không rõ nguyên nhân.

Thực tế, việc học sinh đau bụng tiêu chảy liệu có liên quan đến chất lượng nguồn nước hay không còn cần kết quả kiểm tra, kiểm định mẫu nước, cũng như các xét nghiệm bệnh học; tuy nhiên, sự im lặng đến đáng sợ của đơn vị Nước sạch sông Đà trước tình trạng nước bất thường vẫn là không thể chấp nhận.

Nỗi lo lắng, bức xúc của người dân đang dâng lên đỉnh điểm khi biết được sự bưng bít lạnh lùng của công ty cổ phần đầu tư Nước sạch sông Đà, cố tình “ngó lơ” trách nhiệm đối với sức khỏe người dân.

Nhà phê bình và triết gia người Thụy Sĩ Henri Frederic Amiel từng nói: “Sự thật không chỉ bị dối trá xâm hại. Nó còn bị xúc phạm bởi sự câm lặng”.

Chỉ vì sợ sự thật “nước sạch mà không sạch” bị công khai mà công ty này đã nhẫn tâm để những khách hàng của mình “sống trong sợ hãi”, đánh đổi nỗi hoang mang của người dân lấy sự bình yên của công ty. Một sự im lặng bất lương!

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img