“Ông Kẹ” ở Thái Lan: Kẻ sát nhân thực sự hay chỉ là vật tế thần?

Mạnh Kiên

Xác ướp của Si Quey, kẻ bị kết án giết hại và ăn thịt các nạn nhân ở Thái Lan cuối cùng đã được hỏa táng sau hơn 6 thập kỷ là một xác ướp được trưng bày trong viện bảo tàng.

60 năm bị hành quyết không có người thân đến nhận

Si Quey là sát nhân hàng loạt ghê rợn nhất trong lịch sử Thái Lan. Gần như không ai ở đất nước Chùa Vàng là không biết đến Si Quey, kẻ chuyên sát hại trẻ em và được cho là ăn thịt nạn nhân. Suốt nhiều thập kỷ, Si Quey được nhắc đến như một “Ông Kẹ” mà các bậc phụ huynh ở quốc gia này thường dọa dẫm những đứa trẻ hư.

Kể từ khi bị hành quyết hơn 60 năm trước, Si Quey không có người thân nào đến xác nhận danh tính. Cuối cùng kẻ giết người được tuyên bố là người không quốc tịch. Trong nhiều năm, xác ướp của Si Quey được trưng bày tại một bảo tàng y học nhỏ tại bệnh viện Siriraj ở thủ đô Bangkok.

Dựa trên các bức ảnh cũ trên báo chí ngày xưa, Si Quey được mô tả là một người đàn ông nhỏ bé, láu cá, có vẻ ngoài của một kẻ từng trải. Si Quey vốn là người gốc Hoa, sinh năm 1927, là nông dân ở thành phố Sán Đầu, thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Si Quey từng tham gia chiến đấu chống phát xít Nhật và sau khi Thế chiến II kết thúc, Si Quey di cư sang Thái Lan trên một con tàu chở hàng. Hắn làm nhiều công việc khác nhau và được cho là bắt đầu hành vi tội ác vào giữa những năm 1950.

Trong giai đoạn từ 1954 đến 1958, Si Quey đã giết hại 6 bé trai và 1 bé gái ở một số tỉnh của Thái Lan. Nạn nhân nhỏ tuổi nhất 5 tuổi và lớn nhất 11 tuổi. Cả hai đều là người gốc Hoa. Việc lựa chọn mục tiêu là trẻ em vì đối tượng này dễ mắc bẫy và dễ sát hại hơn.

Si Quey bị bắt tại Rayong vào năm 1958 và thú nhận đã giết người, nhưng phủ nhận cáo buộc ăn thịt. Hắn bị hành quyết vào tháng 9/1959, ở tuổi 32. Những tình tiết đáng sợ về vụ án đã ám ảnh người dân Thái Lan suốt 60 năm qua, nhưng ngày nay ngày càng có nhiều người Thái Lan tự hỏi liệu những điều đó có đúng sự thật. Họ nghi ngờ Si Quey - người duy nhất bị toà án Thái Lan kết tội ăn thịt người - có thể bị đem ra làm vật tế thần.

“Vào thời đó mọi người rất cả tin. Họ tin bất cứ điều gì mà không cần có bằng chứng”, Sakorn Khunain, 50 tuổi, một tài xế taxi ở Bangkok, tỏ ra hoài nghi về tội ác của gã sát nhân gốc Hoa. Một số người khác thì cho rằng dù Si Quey có gây ra tội ác thế nào đi chăng nữa, không ai được phép ướp xác và trưng bày kẻ sát nhân để người đời soi xét như vậy. Năm 2019, hàng chục nghìn người đã ký vào một bản kiến nghị trực tuyến đề nghị chấm dứt việc trưng bày xác ướp của Si Quey.

Những lời thú tội của Si Quey, người chỉ nói được bập bẹ vài câu tiếng Thái, có thể không đúng với những cáo buộc của cảnh sát và phán quyết của tòa án đưa ra vào thời điểm đó.

Tội ác của Si Quey có là sự thật?

Thời điểm đầu năm 1958, Si Quey bị cáo buộc gây ra cái chết của một cậu bé 8 tuổi tên là Somboon Boonyakan tại một thị trấn nhỏ ở tỉnh Rayong, miền Đông Thái Lan. Một buổi chiều, Somboon rời nhà để mua rau quả từ chỗ Si Quey, người đang làm việc tại một vườn cây gần đó. Do cậu bé không trở về nhà, bố mẹ cậu bắt đầu đi tìm kiếm. Người cha gặp Si Quey lúc hắn đang châm lửa để đốt một đống cành cây và lá khô.

Trong gò đất, người cha kinh hoàng nhận ra thi thể con trai mình. Tuy nhiên, bất chấp lời thú nhận được ghi lại của Si Quey, cáo buộc người đàn ông này thực hiện hành vi mọi rợ không được chứng minh một cách đáng tin cậy. Si Quey cũng bị đổ lỗi cho những vụ giết người bí ẩn ở những nơi khác trong những năm trước. Những lời thú tội của Si Quey cho những tội ác đó không khớp với bằng chứng và cảnh sát cũng không cung cấp được những lập luận xác đáng để buộc tội.

“Hệ thống luật pháp đã làm hại ông ta”, Giáo sư Wasana Wongsurawat, nhà sử học tại Đại học Chulalongkorn của Bangkok nói. “Si Quey bị xét xử không đúng quy trình”. Một số vụ giết người, hoặc có lẽ là tất cả, đã bị đổ lỗi cho ông ta. Người nhập cư có lẽ là một vật tế thần phù hợp để gánh những tội ác của người khác, sử gia này nói thêm.

Suttisa Rattanasri, một sinh viên đại học không tin vào tội ác của Si Quey mô tả" “Khi nhìn thấy xác ướp ở bảo tàng, tôi cảm thấy thương tiếc cho người đàn ông này”, cô nói thêm. “Nó như thể một lời nguyền giam hãm ông ta vào trong đó để cho người đời phỉ báng”.

Tài xế taxi Sakorn cũng đồng tình. “Ngay cả khi ông ta phạm những tội ác như vậy, mọi chuyện cũng đã xảy ra quá lâu. Vì vậy, chúng ta không nên giam cầm hắn như thế”, anh lập luận. “Và nếu như ông ấy không gây ra điều đó thì thật sự còn tệ hơn, bởi vì Si Quey đang bị mọi người khinh bỉ và điều đó thật không công bằng”.

Sau khi bị tử hình, các bác sĩ đã biến thi thể Si Quey thành xác ướp, bôi sáp cứng lên toàn thân và trưng bày trong tủ kính tại bảo tàng khoa học pháp y của bệnh viện Siriraj ở Bangkok. Theo SCMP, Si Quey là một xác ướp khô quắt, đứng trong tủ kính cao, làn da sần sùi nổi bật dưới ánh sáng đèn huỳnh quang. Trong nhiều năm, Si Quey luôn là tâm điểm chú ý của du khách tham quan, đặc biệt là du khách Trung Quốc.

Thể theo nguyện vọng của nhiều người, nhà chức trách Thái Lan hôm 23/7 đã tổ chức lễ hỏa táng cho Si Quey tại chùa Wat Bang Praek Tai ở thành phố Nonthaburi. Cư dân làng Thap Sakae, nơi kẻ giết người hàng loạt nổi tiếng Si Quey từng sống đã yêu cầu chính quyền trao lại tro cốt để họ giữ tại một ngôi đền.

Những tranh cãi về Si Quey vẫn chưa có hồi kết và có lẽ nhân vật này sẽ còn là đề tài bàn luận nhiều năm về sau này. Nhưng cuối cùng, sau 6 thập kỷ, kẻ giết người hàng loạt đầu tiên của Thái Lan cũng đã trở về với cát bụi thực sự.

M.K