Ông lão bị Truyện Kiều mê hoặc và sự ra đời của Vườn Kiều

Nguyễn Ngọc Phú

Ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai có một vườn văn độc nhất vô nhị mang tên Vườn Kiều. Nhà văn trẻ Mỹ Hường ở Hội VHNT Đồng Nai giới thiệu và hướng dẫn tôi đến thăm “Địa chỉ xanh” đó như tên quen gọi của khách tham quan.

Chuyện bất ngờ về người “vẽ bản đồ đời Kiều”

Thật bất ngờ khi tôi biết trước khi xây dựng vườn Kiều ông Khoát từng là một nhà doanh nghiệp nổi tiếng nuôi heo ở vùng đất này được mọi người trìu mến gọi tên là “Ông vua nuôi heo”. Tôi hỏi ông: “Sao đang là nhà doanh nghiệp ăn nên làm ra, bác lại quay về với thú vui tao nhã này?”.

Ông già 84 tuổi với dáng người thấp đậm hồng hào còn rất tráng kiện cười vui: “Tôi giao lại mọi việc điều hành cho con trai từ năm 1995, đến năm 1996 thì bắt tay vào xây dựng Vườn Kiều cũng có lý do riêng. Bắt đầu từ mê Kiều”.

Rồi ông kể: “Ngày trước, hồi đó mới 25 tuổi ông bị bệnh tim sức khỏe yếu. Một lần nghe nói đi tắm biển sẽ giúp chữa bệnh, ông bèn thu xếp ra biển. Mang trọng bệnh trong người lại gặp biển mùa đông nên cũng rất buồn. Ông thường đi dạo dọc biển để giải khuây. Một hôm đang đi thì ông nghe ai đó đọc lên mấy câu thơ hợp với tâm trạng của mình liền bước lại làm quen và học thuộc: “Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa/ Buồn trông ngọn nước mới sa/ Hoa trôi man mác biết là về đâu”, rồi: “Buồn trông gió cuốn mặt duềnh/ Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”. Ông thốt lên: Hay quá, đúng tâm trạng của mình quá! Hỏi ra ông mới biết đó là mấy câu trích từ Truyện Kiều của Nguyễn Du”.

Ông Khoát mê Kiều đến mức đã từng bỏ tiền túi làm một chuyến du lịch sang tận Trung Quốc tìm đến những nơi mà nhân vật Thúy Kiều đi qua như: Giang Tô, Sông Tiền Đường, Vô Tích... để thoả trí tò mò. Ông còn lập ra bản đồ và hành trình cuộc đời nhân vật “Hồng nhan bạc mệnh” treo ở trong lầu Ngưng Bích để chỉ dẫn cho du khách đến thăm.

Ông Khoát kể nhân duyên khiến mình lập Vườn Kiều: “Năm 1995 tôi đi chúc Tết người bạn vong niên ở gần nhà. Năm đó ông bạn được người cháu ở quê gửi vào biếu cành đào Nhật Tân rất đẹp. Nhìn thấy cành đào, tôi gặp cảnh sinh tình lẩy mấy câu Kiều hợp cảnh hợp người: “Trước sau nào thấy bóng người/Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. Ông bạn hàng xóm bảo ông: Sao vườn nhà ông rộng, nhiều cây cối có tên trong Truyện Kiều mà ông không lập Vườn Kiều thành địa chỉ cho chúng tôi đến sinh hoạt vịnh Kiều”.

Bắt đầu từ đó ông Khoát cho dựng tượng các nhân vật trong truyện và sưu tầm các loại cây có tên trong sách Kiều. Ông chọn những câu hợp tình hợp cảnh gắn biển lên thân cây và tựa để minh họa có sức hấp dẫn trực quan sinh động.

Và niềm đam mê qua những câu thơ

Bước vào ngõ của Vườn Kiều, tôi bắt gặp cây liễu xanh tha thướt trĩu cành trong gió. Cạnh đó là bức tượng chàng Kim Trọng mặc áo xanh cưỡi ngựa trắng, thong dong nằm trong hoa và cây kiểng. Phía bên kia là tượng Vương Quan hai tay chắp làm lễ chào Kim Trọng và tượng hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân đứng e ấp bên nhau dưới bóng liễu và bóng thông.

Toàn bộ không gian phối cảnh đó được ông Khoát thiết kế dựa trên cảnh Kim – Kiều lần đầu gặp gỡ trong tiết thanh minh mà thi hào Nguyễn Du đã miêu tả: “Trông chừng thấy một văn nhân/ Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng” và: “Chàng Vương quen mặt ra chào/ Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”. Tôi hỏi ông Khoát: “Sao bác lại chọn bối cảnh này để giới thiệu với khách tham quan đầu tiên”. Ông bảo: “Trong truyện, tôi cho dựng tượng bốn nhân vật Kim Trọng, Vương Quan, Thúy Kiều, Thúy Vân. Vì đây là những nhân vật hình thể đẹp. Nam thì khôi ngô tuấn tú, nữ thì “Khuôn trăng đầy đặn” đến nỗi “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da” và cảnh gặp gỡ này đã có một dự báo linh cảm trước về số phận long đong của nàng Kiều sau này.

Ở trong Vườn Kiều, ông Khoát cho xây lầu Ngưng Bích hình lục giác có mái lợp ngói với hai cây cầu dẫn lên lầu. Lầu Ngưng Bích là chỗ Tú Bà đưa Kiều ra đó, ép Kiều tiếp khách và nàng đã tự tử mà không thành. Lầu Ngưng Bích trong Truyện Kiều là: “Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân/ Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung”. Khi thấy tôi chỉ vào hai con chó bằng sứ treo ở trước cây cầu thì ông Khoát giải thích: Ở đây tôi cho viết lại hai câu thơ trong Truyện Kiều “Trước là Bạc Hạnh, Bạc Bà/ Bên thì Ưng Khuyển, bên là Sở Khanh”. Cái ác, cái thiện cứ đan xen nhau thật tượng hình và vọng lại nghe như có cả tượng thanh nữa. Những câu thơ khắc họa rõ nét và sắc cạnh cứ như thấy sờ sờ trước mặt mình bóng dáng của một thời, dư âm của một số phận.

Ông Khoát lập bàn thờ Nguyễn Du để cho các đoàn đến tham quan dâng hương. Tiếp đó ông cho đắp bức tượng thân mẫu của thi hào là bà Nguyễn Thị Tần (quê ở Bắc Ninh) và nữ sĩ Hồ Xuân Hương nổi tiếng một thời là người tình của Nguyễn Du. Tôi thấy ông Khoát chọn dựng thêm hai bức tượng này thật có ý nghĩa ảnh hưởng sâu sắc đến Nguyễn Du. Một người mẹ từ cái nôi của văn hóa quan họ đã sinh ra Nguyễn Du và một người tình, người bạn thơ thân thiết. Sau này cuộc đời của Hồ Xuân Hương cũng khá lận đận với cái cảnh ngộ thân phận: “Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”.

Ông Khoát lập bàn thờ Nguyễn Du để cho các đoàn đến tham quan dâng hương. Tiếp đó ông cho đắp bức tượng thân mẫu của thi hào là bà Nguyễn Thị Tần (quê ở Bắc Ninh) và nữ sĩ Hồ Xuân Hương nổi tiếng một thời là người tình của Nguyễn Du. Tôi thấy ông Khoát chọn dựng thêm hai bức tượng này thật có ý nghĩa ảnh hưởng sâu sắc đến Nguyễn Du. Một người mẹ từ cái nôi của văn hóa quan họ đã sinh ra Nguyễn Du và một người tình, người bạn thơ thân thiết. Sau này cuộc đời của Hồ Xuân Hương cũng khá lận đận với cái cảnh ngộ thân phận: “Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”.

Tiếp đó ông Khoát dẫn chúng tôi đi qua một cái cổng vòm uốn bằng cây phía trên treo hai câu thơ: “Trong khi chắp cánh liền cành/ Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên”.

Đây là câu nàng Kiều phân trần với Kim Trọng khi lần đầu hai người hẹn hò tự tình mà chàng Kim “Xem trong âu yếm có chiều lả lơi” thì Kiều từ chối và phân trần như thế. Điều khá đặc biệt là xung quanh khu vườn có bức tường xây cao 2m dài khoảng 100m đắp nổi 20 bức phù điêu khá sinh động và hấp dẫn. Ông Khoát bảo: Truyện kiều dài 3.254 câu với 20 chương.

Tôi “mạn phép” rút lại 20 câu lục bát mỗi câu lấy ở một chương. Ví dụ chương 1 tôi chọn hai câu: “Rút trâm sẵn dắt mái đầu/ Vạch ra cây vịn bốn câu ba vần” hay chương 2 là hai câu: “Chênh chao bóng nguyệt xế mành/ Tựa ngồi bên triện một mình thiu thiu”. Nghe ra tôi nhận thấy những câu ông chọn đều có động thái hợp với những nỗi niềm tâm trạng thân phận với bao chìm nổi, đắp nỗi đầy vơi gắn với thân phận Thúy Kiều.

...Bước vào không gian thời gian nghệ thuật của Truyện Kiều bắt đầu từ hòn non bộ Kim - Kiều gặp nhau tiếp đó, du khách gặp trong vườn gần 80 câu được viết chữ lớn treo trên các thân cây. Tới cây liễu thì: “Lơ thơ tơ liễu buông mành/ Con Oanh học nói trên cành mỉa mai”. Lần theo dây Cát Đằng khách văn sẽ gặp cây tùng, trên cây tùng là câu: “Trăm người nhờ bóng tùng quân/ Tuyết sương che chở cho thân Cát Đằng”. Đến cây lựu thì: “Nước vỏ lựu, máu màu gà/ Mượn màu chiêu tập vẫn là còn nguyên”. Cứ như thế thơ định danh cây. Một lối định danh giàu tính nghệ thuật, nhiều khi giúp cây có vẻ đẹp mới.

Trong buổi đến thăm Vườn Kiều, thật tình cờ và may mắn chúng tôi gặp đoàn sinh viên Ngữ văn – khoa Xã hội và Nhân văn, trường đại học Văn Hiến (TP.HCM) đã đến đây tham gia buổi học ngoại khóa môn Văn thời kỳ trung đại Việt Nam. Các sinh viên được chủ nhân dẫn đi thăm và thuyết minh về Vườn Kiều.

Đọc xong mỗi câu, ông Khoát không quên giảng dạy kỹ càng về các sự kiện liên quan và chú thích thêm bằng thể thơ lục bát do ông sáng tác, về một số điển cố, điển tích trong truyện. Kết thúc là phần kịch hóa dựng lại hoạt cảnh tác phẩm Truyện Kiều như đoạn: “Kiều hầu rượu vợ chồng Hoạn Thư” và cảnh “Kim Kiều đoàn viên”. Ở đây không còn là học môn Văn nữa mà còn có cả sự hiểu biết thêm về thực vật học và cao hơn là học làm người.

Không gian của Vườn Kiều phân bố bài trí xếp đặt khá hợp lý. Trong vườn có hòn giả sơn đắp lớn như núi thật để có đường tình dẫn Kim Trọng tới vầng trăng hẹn và mái tóc thề Thúy Kiều. Có mặt hồ dưới chân núi để sen tàn dưới ấy thì cúc lại nở hoa lưng núi trên này. Có thấp thoáng giữa cây xanh một mái am nhỏ, nơi vãi Giác Duyên gửi Thúy Kiều ở lại với cửa Phật để Kim Trọng có chỗ tìm tới mà tái hồi. Bước theo các dấu chân nhân vật, người vãn cảnh có cảm giác thấy khu vườn như rộng hơn diện tích thực của nó vì trong không gian giới hạn ấy chứa 15 năm lưu lạc của nàng.

Trước khi chia tay, tôi ngỏ ý muốn chụp chủ nhân Vườn Kiều một tấm ảnh làm kỷ niệm. Ông Khoát chọn ngay cảnh đứng bên Kim Trọng đang rong ruổi bước ngựa. Ông vẫn mặc bộ quần áo giản dị thường ngày xuất thân từ một lão nông đã thổi hồn mình tái hiện Truyện Kiều bằng một Vườn Kiều sinh động với tất cả tình yêu và tâm huyết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Và Vườn Kiều cũng như tấm lòng của ông luôn rộng mở như hai câu thơ chào khách: “Vườn Kiều đón khách du xuân/ Đọc thơ ngắm cảnh thương thân nàng Kiều”.

N.N.P