Ông Phạm Phú Quốc đâu còn “hiếu với dân”

Khi đặt bút ký tên và xác nhận nhập quốc tịch Síp (Cyprus) đồng nghĩa ông Phạm Phú Quốc không còn xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam.

img
img

Mỗi cử tri khi lựa chọn đại biểu đều gửi gắm cả ý chí và nguyện vọng thông qua lá phiếu. Vì Nhân dân tin yêu giao phó nên mới có một “ông nghị” Phạm Phú Quốc như hiện tại.

Với vai trò đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân thì Đại biểu Quốc hội phải nói lên được tiếng nói của nhân dân chứ không phải là tiếng nói của cá nhân, của một ngành, một lĩnh vực hay riêng một địa phương nào đó. Tiếng nói của đại biểu Quốc hội phải làm lợi cho Nhân dân, cho đất nước.

Còn Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp, ông có thể nói lên ý chí và nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam không?

Xin thưa, rất khó đấy ạ!

Bởi khi xác nhận nhập quốc tịch Síp cũng đồng nghĩa ông Phạm Phú Quốc đã có những toan tính cho riêng mình. Như thế đâu còn là vì Nhân dân, vì quốc gia, dân tộc được nữa?

Là công dân Síp, làm sao thường xuyên liên hệ chặt chẽ để lắng nghe ý kiến của Nhân dân và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam?

Ông Phạm Phú Quốc hẳn cũng biết Điều 4, luật Quốc tịch quy định rõ: Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

Và tin rằng ông cũng chưa quên trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường: 100% thành viên hội đồng bầu cử Quốc gia có mặt biểu quyết xác nhận bà Hường không đủ tư cách Đại biểu Quốc hội khóa XIV bởi một mình mang 2 quốc tịch.

Tiền lệ đã có, luật pháp cũng thông tỏ nhưng lại để vụ việc bị phát hiện từ nước bạn xa xôi mà không có sự khai báo trung thực của người trong cuộc.

Từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, ông đã đi họp, đi tiếp xúc cử tri, đã làm biết bao nhiêu việc, nhưng tất cả những điều đó có vì nhân dân và để phụng sự nhân dân hay không?

Ông Quốc từng trả lời báo chí rằng, quốc tịch Síp là do vợ con đang làm doanh nhân bảo lãnh, để thuận tiện chăm sóc gia đình. Về tình thì xem ra khó trách một người đàn ông tận tâm, tận nghĩa với vợ, con như thế - vợ con bảo gì cũng làm theo, bất biết điều đó là vi phạm luật định.

Nhưng mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và việc có 2 quốc tịch chỉ được quy định trong một số trường hợp hãn hữu, nhưng không thấy có trường hợp như ông Phạm Phú Quốc.

Hơn nữa, quốc tịch gắn với nhân thân một con người. Là Tiến sĩ Kinh tế, làm đến chức Tổng Giám đốc tại công ty TNHH MTV Phát triển Tân Thuận - một trong hai công ty Nhà nước lớn nhất tại TP.HCM và hơn hết là Đại biểu Quốc hội, ông đủ trí và tầm để hiểu những việc mình nên làm, không nên làm hoặc không thể làm. Chẳng ai bắt được chúng ta phải mang một quốc tích khác nếu chúng ta không muốn, phải vậy không thưa ông Phạm Phú Quốc?

Công dân được làm những gì pháp luật không cấm, còn cán bộ công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Đó là sự ràng buộc trách nhiệm trong thực thi công vụ bởi chúng ta có các luật để điều chỉnh hoạt động của cơ quan Nhà nước.

Ông Quốc là một công dân Việt Nam, được người dân Việt Nam tin tưởng, bầu ra làm Đại biểu Quốc hội để thay mặt họ nói lên tiếng nói vì đại cục. Nhưng ông đã bỏ qua trọng trách lớn lao đó để tìm một quốc tịch khác, phụng sự cho gia đình, cho bản thân, cho những lợi ích riêng tư khác và phụng sự cho một đất nước khác.

Là công bộc, tôi nghĩ ông Phạm Phú Quốc đã chưa vẹn chữ “hiếu với dân”, là một cán bộ Đảng viên, tôi nghĩ ông cũng khuyết phần “trung với nước”. Còn là một Đại biểu Quốc hội, thì việc có thêm quốc tịch Síp là đi ngược lại với nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.

Tại họp báo chiều 1/9, lãnh đạo Thành ủy – UBND TP.HCM thông tin, sẽ đề xuất bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của ông Phạm Phú Quốc, các cơ quan của TP.HCM sẽ xử lý về mặt Đảng và chính quyền đối với ông Quốc. Thiết nghĩ, việc này đáng lẽ phải được làm sớm, không chờ nguồn tin từ phía Trung Đông, thì tốt hơn.

Bởi cá nhân tôi thấy rằng ông đã không còn xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân từ khi nhận quốc tịch Sip.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
img