Phải đến một lần trong đời: Trekking thác K50 Gia Lai

Hoàng Yến

Nằm trong khu bảo tồn rừng Kon Chư Răng rộng gần 15,5 nghìn ha, thuộc huyện K'bang (Gia Lai), thác K50 đổ xuống từ độ cao 54m tạo nên vẻ đẹp như chốn Bồng Lai.

"Nàng công chúa" giữa núi rừng Tây Nguyên

Khu bảo tồn Kon Chư Răng là một khu rừng nguyên sinh trải trên đất của 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Quảng Ngãi và Bình Định. Thác K50 (còn gọi là thác Hang Én) thuộc địa phận huyện K'bang của Gia Lai, được ví như nàng công chúa nằm ẩn sâu trong rừng thiêng nước độc vùng Tây Nguyên.

Thác K50 được xếp vào top những thác nước tự nhiên đẹp nhất Châu Á. Thác cao 54m, đổ xuống giữa thiên nhiên hùng vĩ.

Vài năm gần đây, thác K50 là một trong những điểm "phải đến một lần trong đời" của những người đam mê trekking (du lịch dã ngoại mạo hiểm) và chụp ảnh.

Đặc biệt, từ tháng 1 đến tháng 6 là khoảng thời gian đẹp nhất trong năm để chinh phục thác K50 vì lúc này là mùa khô, thời tiết ấm áp, đường khô ráo dễ đi, không có nhiều vắt và côn trùng.

Có 2 đường có thể đến thác K50: Từ Bình Định và từ Gia Lai. Nếu từ Bình Định, bạn tìm đến thôn An Toàn, huyện An Lão sau đó thuê dân địa phương tại đây dẫn đường xuyên rừng lên thác.

Từ Pleicu (Gia Lai), bạn phải di chuyển dọc quốc lộ 19 khoảng 80km để đến xã An Khê rồi tiếp tục đến ngã ba K'bang sau đó rẽ trái và di chuyển thêm khoảng 30km đến huyện K'bang.

Từ huyện K'bang, bạn đi thêm 60km đến khu bảo tồn Kon Chư Răng. Tại đây, bạn gửi phương tiện lại và bắt đầu hành trình trekking chinh phục thác K50.

Sau 14km đi xe máy và 4km leo bộ xuyên rừng, lên xuống nhiều con dốc, vượt nhiều con suối, có lúc không dám thở mạnh để khỏi chệch tay lái mà lao xuống vực sâu, thác K50 hùng vĩ tuyệt vời sẽ hiện ra trước mắt bạn.

Cùng ngắm bộ ảnh thác K50 và Tây Nguyên nắng gió vừa được ghi lại bởi nhóm nhiếp ảnh Olympus Việt Nam vào đầu tháng 4/2021.

Toàn cảnh thác K50 nhìn từ trên cao, trong một buổi sáng mù sương (ảnh: Lê Quý Kiên)

Khi nắng lên, ánh sáng phản chiếu xuống dòng suối tạo nên hình ảnh cầu vồng lung linh trên mặt nước (ảnh: Thái Bảo)

Chiều buông nơi thác nước tự nhiên đẹp hàng đầu châu Á (ảnh:Lê Quý Kiên)

Hình ảnh đôi trai gái người Gia rai (Jrai) trong sinh hoạt đời thường nơi con thác là nguồn cảm hứng bất tận cho giới nhiếp ảnh (ảnh: Lê Quý Kiên)

Người Gia rai cư trú tập trung tại tỉnh Gia Lai, chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh và hơn 90% tổng số người Gia rai tại Việt Nam (ảnh: Lê Quý Kiên)

Bối cảnh rất phù hợp để chụp những bức ảnh để đời theo phong cách "thần tiên tỉ tỉ" (ảnh: Huyền Vũ)

Rất nhiều bạn trẻ đã đầu tư trang phục kỹ càng để pose hình nơi thác nước "phải đến một lần trong đời" (ảnh: Lê Quý Kiên)

Nguyễn Minh Kế - admin nhóm Olympus Việt Nam cho biết, anh rất muốn thử cảm giác mạnh khi pose hình tại đây (ảnh: Huyền Vũ)

Chị Huyền Vũ là một nhiếp ảnh gia đồng thời là huấn luyện viên yoga. Đây là lần thứ hai chị trekking thác K50 (ảnh: Nguyễn Minh Kế)

Thử những động tác yoga khó tại địa hình này là một trải nghiệm không dễ gì có được (ảnh: Nguyễn Minh Kế)

Nếu đủ dũng cảm, hãy đu dây leo núi vào sâu trong hang Én để chụp những bức ảnh thác K50 từ trong hang nhìn ra. Lúc này ngọn thác hùng vĩ như đổ xuống từ mắt hang. Gọi là hang Én vì tại đây luôn có hàng đàn chim én từ trong hang bay ra, chao liệng trên đỉnh thác (ảnh: Thái Bảo)

Đêm ngàn sao nơi con thác hùng vĩ. Ảnh chụp bằng kỹ thuật Milky way (ảnh: Lê Quý Kiên)

Ảnh: Huyền Vũ

Ảnh: Thái Bảo

Đêm ngàn sao ở hồ Lắk, Buôn Mê Thuột (Ảnh: Huyền Vũ)

Để có những bức ảnh mãn nhãn ở thác K50, bạn cần theo dõi thời tiết vì những hôm mưa gió ẩm ướt sẽ không phù hợp để đi vào rừng sâu có nhiều côn trùng và không đủ ánh sáng để chụp ảnh.

Bạn cũng cần chuẩn bị thể lực tốt cũng như sức chịu đựng bởi vì những ngày ở rừng chinh phục nàng K50 đỏng đảnh sẽ là những ngày "ba không": Không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại (và đương nhiên là không internet). Bạn thậm chí khó có cả một chỗ đặt lưng bằng phẳng vì sẽ phải ngủ lều dưới nền gạch đá mấp mô...

Đắm mình trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên"

Ra khỏi rừng Kon Chư Răng của Gia Lai, hãy khám phá Tây Nguyên - mảnh đất đại ngàn nắng gió nơi hoa cà phê nở trắng đường, tỏa mùi thơm ngòn ngọt; nơi những em bé có "đôi mắt Pleicu biển hồ đầy" hồn nhiên cưỡi voi và cả một không gian văn hóa cồng chiêng rộn rã níu bước chân người...

Ngày 25/11/2005, văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đã được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Sau nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể thứ hai của Việt Nam được tôn vinh là di sản của thế giới. (ảnh: Thái Bảo)

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Giarai... (ảnh: Lê Quý Kiên)

Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. Đây là quang cảnh một buổi hát xoang của người Gia rai (ảnh: Lê Quý Kiên)

Cồng chiêng xuất hiện trong một cảnh sinh hoạt sản xuất của người Tây Nguyên (ảnh: Lê Quý Kiên)

Bên cạnh cồng chiêng thì voi cũng là một biểu tượng đặc trưng của người Tây Nguyên (ảnh: Lê Quý Kiên)

Trẻ em Tây Nguyên coi voi như một người bạn thân thuộc(ảnh: Lê Quý Kiên)

Đua voi ở Hồ Lắk, Buôn Mê Thuột (ảnh: Nguyễn Minh Kế)

Ảnh: Huyền Vũ

Ảnh: Hương Vũ

Già làng (Ảnh: Huyền Vũ)

Tiềm năng du lịch còn bỏ ngỏ

Rừng nguyên sinh có giá trị cao song chưa có cơ chế để khai thác du lịch, lực lượng kiểm lâm mỏng vừa phải tuần tra bảo vệ rừng vừa phải kiêm nhiệm vụ hướng dẫn du lịch vì không thể từ chối khách đến tham quan, đó là vấn đề du lịch rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.

Theo đó, trao đổi với PV Người Đưa Tin PL, ông Trịnh Viết Ty - Giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng - cho biết: Bên trong khu bảo tồn Kon Chư Răng là diện tích rừng nguyên sinh rộng 15,5 nghìn ha đang được phòng hộ nghiêm ngặt. Khu bảo tồn này được thành lập năm 2004, từ đó đến nay diện tích che phủ rừng tăng 1%, hiện đạt 98,5%. Trong 1,5% còn lại thì gần 1% là diện tích mặt nước, chỉ có 0,5% là diện tích đồi núi trọc

"Theo quy định thì cứ 500ha rừng phải có một kiểm lâm nhưng hiện nay lực lượng kiểm lâm của chúng tôi chỉ có 13 người gồm cả quản lý. Gần đây chúng tôi không có cả ngày nghỉ vì cứ cuối tuần là người dân lại vào thác tham quan chụp ảnh, trải nghiệm... Không thể từ chối người dân nên chúng tôi cứ phải căng mình ra vừa lo bảo vệ rừng vừa hỗ trợ khách du lịch", ông Ty nói.

Ông Trịnh Viết Ty - Giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng nói về định hướng khai thác du lịch thác K50

Hoàng Yến