Phần thưởng của Đạt “móc cống”

Giữa vô số việc làm cao cả, đáng khích lệ hơn trong xã hội, vì sao một đứa trẻ móc cống tầm thường giữa trời mưa lại được khen thưởng như thế?

Khen thưởng là sự ghi nhận, là niềm tự hào mà bất cứ ai trong chúng ta đều thích thú, hào hứng muốn nhận. Vì khen thưởng không chỉ có lời khen mà còn có phần thưởng. Hai vế tinh thần và vật chất đầy đủ cả, giúp cá nhân phấn chấn, có thêm động lực.

Chúng ta quen với khen thưởng đến từ thành tích tốt trong công việc, học tập, lao động sản xuất, đóng góp cho tập thể, cộng đồng, nhưng có lẽ chưa từng nghe đến khen thưởng cho việc đi móc cống.

Sự thực là thế. Trong khi chúng ta nỗ lực cho những hành động mang tính chất “cao sang” và “cá nhân” nhiều hơn để mong được khen thưởng, không ai dầm mưa tìm một cái cống tắc để nhặt rác và nhận phần thưởng từ đó.

Nhưng có một người đã làm vậy và nhận được giấy khen cùng phần thưởng 4 triệu đồng. Đó là Phạm Trọng Đạt, một học sinh lớp 6, ở Đồng Nai. Hành động của Đạt vô tình được ghi lại bởi camera của một ngôi nhà trên đường.

Có lẽ phần lớn những người xem đoạn camera đó sẽ nghĩ Đạt hình như… có vấn đề về đầu óc. Trời mưa tầm tã, cậu bé gầy nhẳng đạp xe đến từng chỗ cống ngập - mà theo lời kể của em là đến mười mấy cái – móc từng lớp rác vô số thứ lá cây, túi nylon, giấy, để dòng nước mưa có chỗ thoát, giúp đường phố đỡ lênh láng.

Em móc bằng tay, nhanh nhẹn, thanh thoát, không nề hà việc bản thân đã ướt nhẹp. Nếu là người khác, đừng có mơ khi họ tự nhiên đi móc cống một cách bẩn thỉu như vậy. Chí ít ra thì cũng phải đợi ngớt mưa, phải có dụng cụ sạch sẽ, và tốt hơn thì có ai đó trả công cho họ cao một chút.

Tiếp dòng suy luận ở trên, nếu không có vấn đề gì về đầu óc, nhiều người sẽ hỏi Đạt liệu có “âm mưu” gì không khi làm vậy. Hay Đạt nhỏ tuổi quá, “không ai dạy dỗ” nên mới làm cái thứ chuyện bao đồng, dở hơi đó. Đạt có chắc chiếc camera ngày hôm ấy còn chạy tốt để ghi lại hình ảnh của mình? Đạt có chắc làm thế kiểu gì cũng sẽ được thưởng?

Vô số câu hỏi nhỏ nhen nảy ra trong đầu của những người lớn nhỏ nhen.

Khi hỏi như vậy, có chăng chúng ta chỉ đang tự nhìn thấy bản thân mình nằm dúm dó trong mớ suy nghĩ hèn mọn đó chứ không phải hình ảnh của một đứa trẻ lớp 6.

Móc cống giữa trời mưa dễ làm hay không. Rất dễ. Giống như chính câu trả lời của Đạt khi được phóng viên hỏi. Em vẫn làm vậy ở nhà khi trời mưa, nước dềnh lên. Còn với chúng ta, móc cống cũng không khó, chúng ta chỉ không làm vì nó không tương xứng với “đẳng cấp”, và hơn nữa… nó không có phần thưởng.

Với tâm lý vị kỷ, chúng ta chỉ làm, chỉ chịu cố gắng khi có phần thưởng treo trước miệng. Chúng ta chỉ hành động khi được thúc đẩy bởi những tư lợi và ích kỷ cá nhân. Ngay cả khi chọn cách giúp đỡ người khác, tất cả cũng chỉ vì lợi ích cá nhân mà bản thân mong đợi có được, từ trực tiếp hay gián tiếp.

Phần thưởng từ lâu đã trở thành một thứ mồi câu vô nghĩa cho những con người đạp lên nhau để giành lấy. Chúng ta chỉ muốn thỏa mãn khao khát cá nhân, chưa bao giờ sẻ ra 20 đến 30% sự nỗ lực để xả thân, đóng góp cho một thứ gì đó của tập thể, cộng đồng.

Chúng ta thấy một đứa trẻ trong sáng, chỉ nghĩ đến những điều trong sáng, động cơ ban đầu không màng đến thứ gọi là khen thưởng xa xỉ, thấy thằng bé cao thượng quá, khác mình quá, để rồi đố kỵ.

Cũng nhiều ý kiến cho rằng, phải chăng đã làm quá lên khi khen thưởng cho một đứa trẻ chỉ vì nhặt rác cho cống đỡ tắc, một hành động quá nhỏ nhặt và bình thường. Có lẽ là không. Khen thưởng bị cho là “quá” vì nó vô tình làm cho sự thật trần trụi hiện lên, tạo cảm giác khó chịu.

Hành động và phần thưởng của Đạt như liều thuốc đắng phơi bày thói đạo đức giả, trong xã hội. Nó bới ra đống rác ích kỷ, nhỏ nhen đang làm tắc tâm trí một ai đó. Phần thưởng khiến không ít người vờ lướt qua dòng tin về Đạt trên trang báo để đỡ cảm thấy hổ thẹn về chính mình.

Tôi từng chứng kiến những người đi đường trên một con phố lớn sạch đẹp giữa thủ đô ngó lơ một viên gạch nằm chình ình giữa đường, gây cản trở giao thông.

Hàng ngàn dòng xe đi qua nhưng từ giờ đi làm buổi sáng cho đến lúc tan tầm buổi chiều, viên gạch vẫn nằm đó. Họ điều khiển xe né rất giỏi, có người không may cũng loạng choạng suýt ngã, nhưng không ai nỡ dừng lại một phút cầm viên gạch vứt sang vệ đường.

Cũng giống như chiếc cống tắc đầy rác trong mưa của cậu bé Đạt, chúng ta thường vô tâm và coi đó là chuyện bao đồng. Chúng ta quen được dạy rằng đừng dính líu đến chuyện người ngoài càng tốt, nếu không muốn rắc rối, thiệt thân. Với viên gạch chướng mắt trên đường, chúng ta tặc lưỡi cho rằng rồi sẽ có một “Đạt” nào đó xuất hiện – mà không phải bản thân chúng ta - sẽ nhặt vứt bỏ.

Ở đời, người khôn là kẻ biết đẩy việc chung cho người khác, tận dụng cơ hội làm lợi cho mình. Riết đẩy mãi, giờ người khôn ngày càng nhiều mà người ngờ nghệch ngày càng ít. Và Đạt có lẽ là một đứa trẻ ngờ nghệch.

Phần thưởng của Đạt cũng từ móc cống mà ra, nghe thật quê mùa, buồn cười. Nhưng cười mãi, chúng ta chợt nhận ra, không biết là cười Đạt hay cười chính bản thân mình?

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

Gỡ rối giá điện cho EVN: Chỉ chờ Trời cứu

Thứ 3, 23/06/2020 | 11:28
Cứ đến mùa hè là người dân lại hoang mang cao độ khi nhìn thấy những dãy chữ số nhảy múa trên hóa đơn tiền điện. Còn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), họ có sẵn một nơi để đổ lỗi, năm này qua năm khác, đó là do “ông Trời”.

Hãy thẩm định tư liệu kỹ càng trước khi trưng bày, triển lãm

Thứ 2, 22/06/2020 | 20:06
Thẩm định qua loa, chiếu lệ, khiến cho những cuộc trưng bày, triển lãm lâm vào tình huống “dở khóc dở cười”.

Cậu bé móc rác ở miệng cống dưới mưa được khen thưởng

Thứ 2, 22/06/2020 | 11:10
Hình ảnh cậu bé lớp 6 dầm mình dưới mưa đi móc rác ở miệng cống gây “bão” trên mạng xã hội. Từ câu chuyện cậu đẹp của bé này, sẽ thức tỉnh ý thức bảo vệ môi trường trong mỗi con người chúng ta.

Ông Tổng Cục trưởng Du lịch chưa bị kỷ luật thì sẽ còn nhiều văn bản kiểu "xin 400 vé máy bay"

Thứ 2, 08/06/2020 | 09:00
Tôi suy nghĩ vậy vì Tổng cục trưởng ký văn bản "ngồi" trên luật chưa bị kỷ luật thì Phó Tổng cục trưởng ký văn bản trái khoáy "xin 400 vé máy bay" là dễ hiểu.

Tự chủ xin đừng tự tiện!

Chủ nhật, 07/06/2020 | 10:27
Việc các trường đại học tự ý tăng học phí nếu không được giám sát chặt chẽ sẽ làm mất cơ hội học tập của nhiều người, làm sai lệch ý nghĩa của chủ trương tự chủ đại học, trong khi chất lượng giáo dục chưa chắc tăng lên.