Quan điểm “cái lưng gù” của nam sinh cuối cấp

Cẩm Mịch

Một bài luận giới thiệu bởi Tiến sĩ văn học Trịnh Thu Tuyết đã nhận được lời khen về cái nhìn sắc sảo. Tác giả của bài viết thể hiện quan điểm về “cái lưng gù” đang “gây sốt” sau phiên tòa xét xử gian lận thi cử kia, hiện đang là nam sinh cuối cấp tại Hà Nội với ước mơ trở thành một thầy giáo.

“Lý lẽ sắc bén, thái độ thẳng thắn!”... là một trong những lời khen “quen thuộc” nhất của cộng đồng mạng dành cho bài luận của học sinh Hoàng Trung Hiếu, lớp 12D0, trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội).

Chúng tôi xin trích lại những dòng lập luận sắc sảo của nam sinh này:

“Cô giáo” Diệp Thị Hồng Liên - người bị khởi tố hình sự trong vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình năm 2018 - khi đứng trước vành móng ngựa, nói: “Trong thế giới của người gù, kẻ thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”. Dù là nhận tiền hối lộ của phụ huynh, bị “ép phải nâng điểm”, hay là vì bất kỳ lý do gì - người phụ nữ này cũng “phơi bày” một thực trạng đáng buồn: sự khác biệt về học vấn của mỗi người, sau cùng cũng chỉ phụ thuộc vào việc người đó có ít hay nhiều tiền mà thôi. Câu nói đó đã dấy lên những băn khoăn về cách nhìn nhận thế giới xung quanh không chỉ trên bình diện giáo dục, mà còn cả về nhân cách, đạo đức và lối sống.

Nghề giáo - một nghề cao quý luôn đi song hành cùng kiến thức, chân lý và nghiệp học - là cái nôi của bao viên ngọc quý được người người kính trọng, coi như kim chỉ nam nhằm tìm đường hướng đến những điều đúng đắn. Vậy mà “cô giáo” Liên đã nhẫn tâm chà đạp lên niềm tin yêu của học sinh và xã hội, hủy hoại thanh danh trong sạch của những người cùng theo nghề giáo, tiếp tay cho sự biến chất, thoái hóa dường như ngày càng nhiều trong ngành giáo dục...

Theo lẽ thường, “người thẳng lưng” sẽ đại diện cho cái đúng, cái tốt, cho sự tử tế, chính trực của con người. Tuy nhiên, câu nói của “cô giáo” Liên đã chỉ ra một sự thật hay một nghịch lý khi khẳng định: trong một cộng đồng nào có nhiều người làm việc xấu, điều ác thì nơi đó, người lương thiện, chính trực sẽ lạc loài, dị biệt...

Và thực tế có đúng như vậy không?

Những nghịch lý xuất hiện ngày càng nhiều khiến chúng ta dần nghi ngờ sự đúng đắn của những điều đúng đắn, thậm chí, tự đặt cho mình câu hỏi về lý do tại sao chúng ta lại phải làm những việc tốt...

Nếu như “người thẳng lưng” được hiểu là người luôn làm những điều đúng, điều tốt mà lại bị coi là những dị biệt, là “khuyết tật” thì liệu còn ai dám làm điều tốt, còn ai dám sống “thẳng lưng” khi lúc nào cũng lo sợ sự lạc loài, đào thải khỏi guồng quay cộng đồng, cái guồng quay đem lại cho con người lợi ích và sự an toàn!...

Qua một số thực trạng, một sự thật đáng buồn đã hiện rõ trước mắt: chúng ta đều là tù nhân trong nhà tù nhận thức của chính mình. Giống như bao người khác, “cô giáo” Diệp Thị Hồng Liên cũng chỉ là nạn nhân của chính quan niệm của bản thân, cũng là quan niệm khá phổ biến trong một cộng đồng của những người có cách sống, cách nghĩ giống cô!

Sống trong thế giới của “người gù”, vốn tư duy của cộng đồng sẽ dễ bị thui chột, xuống cấp, bóp méo. Một khi tư duy phản biện mất đi, ai cũng có khả năng trở thành những “con rối”, thành đối tượng để kẻ xấu lừa gạt, lợi dụng,... mất đi niềm tin vào điều tốt, vào chính nghĩa, khiến ta chỉ còn biết quanh đi quẩn lại lo nghĩ cho bản thân.

Hậu quả mà chúng ta gánh chịu còn bao gồm cả sự thoái hóa, xuống cấp của nhân cách, đạo đức con người, tiêu chuẩn sống bị hạ thấp, tạo điều kiện cho cái xấu “bành trướng”, bình thường hóa cái sai, coi thường cái đúng, làm đảo lộn luân thường đạo lý, những mối quan hệ giữa người với người sẽ đứng trên bờ vực sụp đổ... Đó là một viễn cảnh đáng sợ nhưng không phải là không thể xảy ra.

“Bốc thuốc” đào thải điều xấu!

Trước hàng loạt vấn đề nghiêm trọng, xã hội thường có xu hướng tìm kiếm những giải pháp nghiêm trọng, to lớn và phức tạp... Trong khi, vấn đề của quan niệm sai lệch “Trong thế giới của người gù, kẻ thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” chủ yếu xoay quanh cốt lõi là nhân cách, đạo đức, lối sống cũng như cách nhìn nhận của chúng ta về thế giới xung quanh.

Nếu muốn cải thiện những bình diện đó, chúng ta cần thay đổi nhận thức của bản thân - thứ được tạo nên bởi kiến thức, thông tin và kinh nghiệm; mà trước khi tiếp cận, chúng ta phải hiểu được cội nguồn của mọi giải pháp cho vấn đề. Ta phải học cách coi trọng giá trị bản thân, yêu thương và tôn trọng chính mình, không bao giờ được bỏ cuộc hay đầu hàng... mới có thể thực hiện những giải pháp thực tiễn khác.

Một khi có thể thực sự nhìn thấu được giá trị bên trong, chúng ta sẽ có được lòng can đảm, sẽ tìm thấy động lực sống, sự tự tin, tìm thấy khả năng để có thể sống vì người khác, cống hiến cho xã hội, đủ khả năng để đấu tranh vì những gì đúng đắn và vì những gì mà chúng ta tin là đúng đắn.

Càng nhiều người hiểu được điểm mấu chốt đó, càng nhiều người dám sống “thẳng lưng”, để tới một lúc nào đó, những “kẻ gù” sẽ trở về đúng vị trí của những người khuyết tật, những điều xấu xa sẽ lạc lõng và bị đào thải!

Nếu có bất kỳ bài học nào có thể được rút ra từ việc bác bỏ quan niệm lệch lạc trên, em xin trích câu nói tâm đắc nhất của Triết gia Kishimi Ichiro: “Chỉ khi dám bị người khác ghét bỏ, chúng ta mới có được tự do, có được hạnh phúc.” Thế giới này luôn luôn đổi thay - nhưng chúng ta cũng luôn nắm trong tay khả năng diệu kỳ để xoay chuyển nó, đó là chiến thắng chính lòng tham và sự hèn kém của bản thân.

TS. Trịnh Thu Tuyết chia sẻ: “Đề thi lần này, tôi chỉ đưa vấn đề, không giới hạn thời gian, bình diện bàn luận, không giới hạn dung lượng, không ấn định hình thức, không định hướng... và với tất cả những cái “không” ấy, học trò sẽ khiến giáo viên ngạc nhiên! Lúc chấm bài, tôi “nhặt” được những câu, những đoạn phải dừng lại, khi vì nể phục sự sắc sảo của học trò, khi vì xấu hổ cho những người từng là đồng nghiệp, khi thấy góc nhìn trẻ thơ rành mạch, sáng rõ kỳ lạ...

Trong số những bài viết khiến tôi ấn tượng chính là bài của Hoàng Trung Hiếu, nam sinh duy nhất trong lớp năm nay đăng ký thi sư phạm. Tôi đã có những nhận xét sau cụ thể khi thấy em có thái độ rạch ròi với quan niệm được nêu trong đề bài. Một số ý kiến được đưa vào để minh chứng cho suy nghĩ, thái độ của em khá phù hợp, phần nào giúp người đọc hiểu thêm về nhân cách của em. Tôi hy vọng, 10 hay 20 năm sau, khi đọc lại bài này, em vẫn thấy sự lựa chọn hôm nay của mình là đúng, vẫn dám chấp nhận bị ghét bỏ, miễn được sống là chính mình, một con người tử tế, chính trực!”.

Bên cạnh “cơn mưa lời khen” dành cho nam sinh lớp 12, bài chia sẻ cũng nhận được những phản hồi tích cực về cách ra đề thi vừa mang tính thời sự, thiết thực, lại tạo cơ hội cho học sinh được thoải mái bộc lộ quan điểm với tư duy sáng tạo, không gò bó với những khuôn mẫu cố định. Nhiều giáo viên dạy Ngữ văn cũng xin chia sẻ đề bài cho học sinh cùng ôn luyện, thử sức trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Dám đứng thẳng công lý sẽ đứng về phía mình

ĐBQH Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị): “Đôi khi những người thẳng thắn là những người thiệt thòi, nhưng vẫn phải có những người như vậy, bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải. Đứng thẳng có thể ở một thời điểm sẽ là khuyết tật và bị loại khỏi vòng xoáy đó. Nhưng phải tin, dám đứng thẳng thì công lý sẽ đứng về phía mình. Vì tôi tin rằng đất nước ta, Đảng ta chưa bỏ rơi những người thẳng thắn, điều đó được thể hiện qua những bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước”.

Hoàng Bích

Thầy Trần Thành Nam, Trưởng khoa các Khoa học Giáo dục, đại học Quốc gia Hà Nội nói rằng: “Họ đã “gù lưng” theo xu thế của xã hội nên họ sẽ không hiểu được những người “thẳng lưng” sẽ như thế nào. Đáng nhẽ, ở môi trường giáo dục, những người giáo viên phải là tấm gương, là chiến sĩ đấu tranh chống lại mọi biểu hiện gian lận nhưng chính những con người đó lại đang tiếp tay cho cái xấu, thỏa hiệp trước cái xấu, sẵn sàng “gù lưng”!”.

Thu Huyền

C.M